Quyết tâm tháo gỡ khó khăn

ANTĐ - Ngày 22-3, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị doanh nghiệp Hà Nội năm 2013 nhằm tìm hiểu khó khăn, thách thức và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo khẳng định, thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp.

Doanh nghiệp là lực lượng quyết định sự tăng trưởng, tạo ra sản phẩm xã hội

Khó khăn chưa qua

Chia sẻ tại hội nghị, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho biết, tiếp cận vốn vay vẫn là khó khăn của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp trên địa bàn bởi lãi suất cho vay chưa giảm tới mức doanh nghiệp mong đợi. Nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong việc thu xếp tài sản bảo đảm, thế chấp khi đặt vấn đề vay vốn của ngân hàng. Khó khăn đã làm cho nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh kiệt quệ, thua lỗ thì tài sản giá trị thế chấp như yêu cầu của ngân hàng gần như là điều không thể. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khi cần đề xuất, kiến nghị sự hỗ trợ hoặc hướng dẫn của cơ quan quản lý thì không biết tìm ở đâu. Ngoài những nguyên nhân khách quan, theo ông Hiển, khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố còn bắt nguồn từ việc nhiều doanh nghiệp chưa có sự gắn kết chặt chẽ, thiếu sự kết nối giữa đơn vị sản xuất và phân phối. Tình trạng này còn nghiêm trọng hơn trong quan hệ giữa doanh nghiệp Hà Nội với đối tác địa phương khác. 

Theo ông Trần Anh Vương - đại diện Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, chính quyền các cấp cần thường xuyên sát cánh cùng doanh nghiệp, đánh giá kết quả những công tác cụ thể đã thực hiện trong việc hỗ trợ doanh nghiệp; xác định việc gì đã làm được, những gì đang làm, nhất là hiệu quả đến đâu? “Thành phố nên nhìn nhận đúng tầm quan trọng của ngành công nghiệp phụ trợ, có cơ chế chính sách hấp dẫn để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, từ đó nâng dần năng lực sản xuất, tạo nguồn thu và việc làm trên địa bàn. Đối tượng chính cần quan tâm là doanh nghiệp quy mô nhỏ nhưng có trình độ công nghệ hiện đại, đủ sức đảm nhận vai trò là vệ tinh cho các nhà sản xuất lớn, nhất là doanh nghiệp có vốn nước ngoài” - ông Vương nói.

Cam kết hỗ trợ

Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cho biết, thành phố luôn theo sát diễn biến thị trường và hoạt động của doanh nghiệp, nhận thức rõ đây là lực lượng quyết định sự tăng trưởng, tạo ra sản phẩm xã hội. Thời gian tới, UBND Thành phố tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, bám sát nội dung Nghị quyết số 02/NQ-CP, theo dõi tình hình và chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các quận, huyện triển khai hỗ trợ doanh nghiệp một cách tích cực và hiệu quả. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ đôn đốc kiểm tra, phát hiện những biểu hiện sai lệch hoặc hiểu, vận dụng chưa đúng các quy định liên quan để kịp thời điều chỉnh, phát huy tối đa sức mạnh các nguồn lực. Hà Nội cũng sẽ quan tâm, tham góp ý kiến với cơ quan chức năng về điều hành tỷ giá và lãi suất ngân hàng. 

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, UBND thành phố triển khai một số cơ chế chính sách, nhóm giải pháp cụ thể như: Dành 50 tỷ đồng cho công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký tham gia tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giải quyết hàng tồn kho; Hỗ trợ 16 tỷ đồng từ nguồn kinh phí cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề trên địa bàn thành phố; Kích cầu tiêu dùng, giải quyết hàng tồn kho thông qua đẩy mạnh đầu tư... Đặc biệt, thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động,... các dự án có hiệu quả. 

Hiện nay, hàng loạt ngân hàng đang triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như: Ngân hàng Sacombank triển khai gói tín dụng 1.050 tỷ đồng, trong đó dành nguồn vốn 450 tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi; Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp nhất chỉ từ 9.99%/năm; Ngân hàng Quốc Tế (VIB) chính thức triển khai gói 3.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi bất động sản và cá nhân kinh doanh với mức lãi suất từ 11,79%/năm không đổi trong 12 tháng đầu của khoản vay... Theo lãnh đạo UBND thành phố, lãi suất cho vay trong quí     I-2013 có xu hướng giảm dần so với cuối năm 2012, mặt bằng lãi suất cho vay của khối NHTMNN thấp hơn khối NHTMCP 1- 2,5%/năm đối với VND;  1-1,5%/năm đối với USD. Đây là điều kiện tốt doanh nghiệp nên tận dụng. 

Sắp xếp 30 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp

Đó là kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội triển khai trong năm 2013. Cụ thể, năm 2013, Hà Nội dự kiến sắp xếp 30 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp; trong đó cổ phần hóa 7 doanh nghiệp, 9 bộ phận doanh nghiệp và 14 doanh nghiệp sẽ được sắp xếp theo các hình thức khác. Trong quý I-2013, các tổng công ty, công ty mẹ-công ty con và các doanh nghiệp phải hoàn thành báo cáo quyết toán tài chính năm 2012. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể công tác sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp thuộc tổng công ty...

Từ năm 1996 đến nay, thành phố đã hoàn thành việc sắp xếp đối với 420 trên tổng số 490 doanh nghiệp; trong đó có 271 doanh nghiệp cổ phần hóa, 48 doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con...