Quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu đúng tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cao điểm 90 ngày đêm triển khai các giải pháp đảm bảo hoàn thành những chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định của Luật Cư trú năm 2020 của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an) và CATP Hà Nội được coi là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt. Phóng viên An ninh Thủ đô đã có trao đổi với Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm - Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH xung quanh nội dung này.

- PV: Đồng chí cho biết Kế hoạch 269 đã được CATP Hà Nội và công an các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai như thế nào?

- Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm - Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH: Ngày 19-10 vừa qua, CATP đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch số 269 đến toàn thể lãnh đạo công an các quận, huyện, thị xã và các đơn vị nghiệp vụ có liên quan. Tại hội nghị, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch; Chỉ huy Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH thông báo kết quả thực hiện các chỉ tiêu công tác tính đến thời điểm hiện tại và phương hướng thực hiện trong thời gian tiếp theo.

Người dân thực hiện xác thực định danh điện tử tại CAP Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Người dân thực hiện xác thực định danh điện tử tại CAP Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Đồng thời, lãnh đạo công an các quận, huyện, thị xã đã trình bày những khó khăn, vướng mắc của đơn vị, đề xuất một số giải pháp khắc phục và cam kết sẽ quyết liệt trong công tác chỉ đạo để hoàn thành chỉ tiêu được giao. Ngay sau đó, công an các quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đợt cao điểm 90 ngày đêm triển khai các giải pháp bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định Luật Cư trú năm 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31-12-2022 và tăng cường đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn.

- Theo đồng chí, trong đợt cao điểm này, những nội dung, chỉ tiêu nào sẽ được tập trung triển khai để phục vụ lợi ích của nhân dân khi Luật Cư trú 2020 chính thức được thi hành?

- Trong cao điểm 90 ngày đêm, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, công an các quận, huyện, thị xã vẫn tiếp tục tập trung cấp CCCD gắn chíp; đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” theo chỉ tiêu đề ra; tiếp nhận, giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến; cấp tài khoản định danh điện tử… Tất cả các nội dung, phương pháp thực hiện đều được phân rõ thời gian phải hoàn thành. Tham mưu Ban Chỉ đạo 06 thành phố chỉ đạo hoàn thành việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền ban hành có quy định việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản để đảm bảo hiệu lực trước ngày 31-12-2022.

- Cụ thể các nhóm việc này sẽ được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

- Trong công tác cấp CCCD gắn chip, chúng tôi yêu cầu công an cấp cơ sở tham mưu cho Đảng ủy, UBND cùng cấp thường xuyên tổ chức truyên truyền về tiện ích của thẻ CCCD gắn chíp và tính ưu việt của tài khoản định danh điện tử để công dân đăng ký, kích hoạt tài khoản theo hướng dẫn của cơ quan công an. Nhất là công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ CCCD vật lý trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình CCCD. Tổ chức điều tra cơ bản, rà soát, phân loại công dân trên địa bàn chưa được cấp CCCD gắn chíp theo diện thường trú, tạm trú, chưa được giải quyết đăng ký thường trú; tăng cường thực hiện các nội dung, giải pháp đăng ký, quản lý tạm trú…

Căn cứ vào tình hình thực tế, thủ trưởng đơn vị phối hợp với các đơn vị liên quan bố trí trang thiết bị và các tổ cấp CCCD lưu động phù hợp với từng địa bàn nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD. Đi đôi với cấp CCCD, chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ cấp định danh điện tử đối với tất cả các trường hợp công dân có đủ điều kiện và có nhu cầu trên địa bàn. Chủ động tham mưu Ban chỉ đạo 06 các cấp chỉ đạo phát huy hiệu quả vai trò của Tổ Đề án 06 cấp thôn để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng nhân khẩu” hướng dẫn số công dân đã được phê duyệt kích hoạt tài khoản, cài đặt và thực hiện ứng dụng VNeID.

Đối với số chưa thực hiện cấp tài khoản định danh điện tử thì vận động tuyên truyền để người dân hiểu và tự giác tham gia đảm bảo 100% công dân trên địa bàn được cấp và sử dụng mã định danh. Quá trình rà soát nếu xác định hộ gia đình có công dân chưa cấp CCCD gắn chíp thì vận động và lập danh sách ngay để phục vụ công tác cấp CCCD và định danh điện tử.

- Sau 15 ngày đầu thực hiện cao điểm, đến nay đồng chí đánh giá công tác của các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành chỉ tiêu phục vụ Luật Cư trú 2020 của CATP Hà Nội ra sao?

- Đây là giai đoạn nước rút, cũng là giai đoạn khó khăn về công tác cấp CCCD và thu nhận hồ sơ xác thực định danh điện tử. Thời gian đến ngày 31-12-2022 không còn dài và tất cả mọi chỉ tiêu phải hoàn thành phục vụ cho việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, đòi hỏi từng CBCS lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH phải dốc toàn lực để hoàn thành các chỉ tiêu Bộ Công an giao. Dù còn nhiều khó khăn, Hà Nội tiếp tục duy trì tiến độ tốt về thực hiện công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trên cổng dịch vụ công. Theo đó, từ ngày 10 đến 24-10, toàn thành phố Hà Nội đã tiếp nhận và giải quyết 15.477/20.494 trường hợp, đạt tỷ lệ 75,52% hồ sơ đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú đạt 78,77%; thông báo lưu trú đạt tỷ lệ 100%. Đã thu nhận hơn 23.000 hồ sơ cấp CCCD gắn chíp; thu nhận hơn 3,6 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, đạt 58,82% so với chỉ tiêu Bộ Công an giao.

Tuy nhiên, tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử còn thấp do nhiều lý do khác nhau… CATP cũng đã triển khai thí điểm rà soát, bổ sung, cập nhật Cơ sở Dữ liệu hộ tịch vào hệ thống Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn quận Đống Đa (tại 2 phường Hàng Bột và Ô Chợ Dừa), huyện Thanh Trì (tại 2 xã Tân Triều và Tả Thanh Oai), cùng 14 phường của quận Hoàng Mai. Tính đến ngày 24-10, công an các đơn vị thí điểm đã bố trí trang thiết bị, địa điểm phục vụ công tác nhập dữ liệu hộ tịch. Công an các đơn vị thí điểm đã có bảng chia ca thực hiện công tác đối sánh sổ sách và nhập dữ liệu hộ tịch. Với 3 ca/ngày, các đồng chí CSKV/CAX nhận sổ hộ tịch từ cán bộ tư pháp, tiến hành đối sánh dữ liệu hộ tịch và dữ liệu dân cư, quá trình đối sánh có sự không đồng nhất sẽ báo lại cán bộ tư pháp.

- Hiệu quả của việc quản lý cư trú trên không gian mạng đã bước đầu cho thấy sự thiết thực của nó đối với cá nhân, doanh nghiệp. Đồng chí có thể chia sẻ cụ thể hơn về tiện ích của tài khoản định danh điện tử?

- Quyết định số 34 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân), mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân) hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an; được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia, do Bộ Công an phát triển. Khi thực hiện các giao dịch hành chính công, công dân sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục.

Ngoài ra, công dân có thể thay thế CCCD và các loại giấy tờ mà họ đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như Giấy phép lái xe, Đăng ký xe, Bảo hiểm y tế... giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo; có thể thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện và nước, đóng Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế, chuyển tiền... Khi sử dụng tài khoản này, công dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn. Tài khoản định danh điện tử gồm 2 mức, trong đó mức 2 ngoài thông tin cá nhân như mức 1 còn có vân tay, giúp công dân có thể không cần CCCD vật lý trong giao dịch có yêu cầu sử dụng CCCD.

- Cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!