Quyết liệt quản lý... đào đường

(ANTĐ) - Đúng nửa tháng sạch bóng “lô cốt”, sau tết, các công trình ngầm với những tấm tôn màu xanh đã bắt đầu quây và lại một hành trình cản trở giao thông diễn ra trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM.

TP.HCM sau tết lại xuất hiện hàng loạt “lô cốt”:

Quyết liệt quản lý... đào đường

(ANTĐ) - Đúng nửa tháng sạch bóng “lô cốt”, sau tết, các công trình ngầm với những tấm tôn màu xanh đã bắt đầu quây và lại một hành trình cản trở giao thông diễn ra trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM.

Kế hoạch thi công các công trình đào đường quy mô lớn vừa được Sở GTVT TP.HCM công bố, theo đó, 67 gói thầu của các dự án thoát nước với tổng quy mô đào đường khoảng 21,5km sẽ bắt đầu... khởi động, và khu Quản lý giao thông đô thị số 1 vẫn là đơn vị có nhiều điểm “lô cốt” nhất ở trung tâm thành phố, dù dự án đã hoàn thành tới 97% khối lượng công việc.

Hàng loạt các tuyến phố sẽ được đào lên để lắp đặt cống: đường Phan Đình Phùng đoạn từ cầu Kiệu đến ngã tư Phú Nhuận, đường Nguyễn Trọng Tuyển đoạn từ Trần Huy Liệu đến Phan Đình Phùng, đường Bùi Hữu Nghĩa đoạn từ cầu Bùi Hữu Nghĩa đến đường Vũ Tùng... và những vị trí này cũng đang là điểm đen ách tắc giao thông tại quận 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận. Hàng loạt tuyến đường khác cũng bị đào lên để lắp đặt điện, cáp viễn thông, nước sạch: Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Lê Văn Sỹ, Cách mạng Tháng Tám, Hoàng Văn Thụ, Trần Quang Diệu, Phạm Văn Hai, Thích Quảng Đức…

Và theo kế hoạch, nhanh nhất phải đến ngày 30-4, chậm nhất là cuối tháng 8-2011, các “lô cốt” mới tạm thời được dỡ bỏ. Ông Tăng Nái Tòng - Phó TGĐ Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết: Trong năm 2011, ngành điện đẩy mạnh việc ngầm hóa lưới điện với 26 dự án tại 32 đoạn, tuyến đường tập trung tại khu trung tâm với quy mô lên đến hơn 50km lưới trung thế và 50km lưới hạ thế. Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cũng dự kiến đào hơn 300km đường trong năm 2011 để phát triển mạng lưới cấp nước mới hoặc thay đường ống nước cũ mục.

Trả lời câu hỏi, UBND TP.HCM nhiều năm qua đã chỉ đạo các ban, ngành phối hợp để cùng thực hiện cải tạo, nâng cấp, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, sao vẫn xảy ra tình trạng đường vừa mới tái lập của dự án này đã phải đào lên phục vụ dự án khác? Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Giám đốc khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết, việc bố trí vốn của các dự án không cùng thời điểm là nguyên nhân dẫn đến sự không đồng bộ này.

Vì thế, Sở GTVT vừa có công văn đề nghị Công ty Điện lực thành phố, Viễn thông thành phố, Sawaco và các đơn vị khác có nhu cầu thi công trên các tuyến, đoạn đường được phép đào trong năm 2011 để lắp đặt các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, khẩn trương liên hệ với các chủ đầu tư để có kế hoạch phối hợp trong thời gian các công trình xây dựng hệ thống thoát nước đang triển khai thi công. Ngoài ra, sở cũng đề nghị UBND các quận, huyện và Sawaco phổ biến cho người dân, doanh nghiệp trên các tuyến, đoạn đường được phép đào có nhu cầu lắp đặt, nâng cấp, di dời thủy lượng kế, liên hệ các công ty cổ phần cấp nước khu vực để được xem xét giải quyết.

Nói là vậy nhưng thực tế đấy mới chỉ là đề nghị của Sở GTVT TP.HCM, tất nhiên chuyện phối hợp thực hiện vẫn còn là vấn đề... lâu dài. Ông Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM cho rằng, khi “lô cốt” xuất hiện trở lại, Sở GTVT cần siết chặt hơn công tác cấp phép đào đường, không tiếp nhận hồ sơ xin phép của nhà thầu vi phạm nhiều lần hoặc vi phạm song chưa khắc phục, các đơn vị này chỉ được tiếp tục cấp phép khi có văn bản của thanh tra giao thông xác nhận đã nộp phạt.

Ông Nguyễn Bật Hận - Phó chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết thêm: Nhà thầu thi công không có các biện pháp đảm bảo ATGT sẽ bị thanh tra xử phạt với mức tối đa 30 triệu đồng/lần, chưa kể bị chủ đầu tư xử phạt theo hợp đồng. Sở GTVT sẽ kiến nghị UBND TP cho phép cưỡng chế nộp phạt bằng cách phối hợp ngân hàng khấu trừ tiền vi phạm từ tài khoản của nhà thầu để chuyển vào kho bạc. Đây là những biện pháp mạnh để các đơn vị phải phối hợp nhau, hạn chế những “lô cốt” chây ỳ cản trở giao thông, cũng là tiền đề giảm thiểu tình trạng kẹt xe, nguy cơ sụt lún mặt đường - nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM nhiều năm qua.                 

Bảo Lâm