Lực lượng CATP Hà Nội bóc gỡ tờ rơi “quảng cáo” của các cá nhân, tập thể hoạt động “tín dụng đen”
Cụm từ “tín dụng đen” vài năm trở lại đây không còn xa lạ với người dân và đặc biệt là công tác tiếp thị không chỉ dừng lại ở những tờ giấy A4 được dán nhan nhản khắp các bức tường, cột điện, mà hoạt động này còn được tiếp thị bằng các tin nhắn đến những số điện thoại của người dùng trở nên phổ biến.
Tập trung đấu tranh với những đối tượng phức tạp
Hoạt động "tín dụng đen” diễn biến nhiều phức tạp và đi kèm là những hệ lụy gây mất TTATXH, người rơi vào bẫy “tín dụng đen” sống trong sợ hãi bởi những đối tượng cho vay đưa người đến đòi nợ, quấy phá, tra tấn “tinh thần”.
Nếu như trước kia, nhắc đến các tuyến đường, phố Đường Láng (quận Đống Đa), Đặng Dung (quận Ba Đình) hay Bạch Mai và Đại La (Hai Bà Trưng)... được ví như "thiên đường" hoạt động của giới cầm đồ, cho vay tài chính, nhưng giờ đây những địa chỉ này cũng đã và đang bị lu mờ bởi hoạt động “tín dụng đen” với muôn hình vạn trạng, vươn "vòi bạch tuộc" còn phức tạp hơn nhiều.
Tại địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội, hoạt động “tín dụng đen” cũng đã được cơ quan chức năng quản lý khá sát sao. Chính vì thế, tội phạm xảy ra ở lĩnh vực này được kiểm soát khá tốt và kiềm chế đến mức tối đa.
Thượng tá Hứa Việt Hưng, Phó trưởng CAQ Ba Đình cho biết: "Thực hiện Kế hoạch 231 của Giám đốc CATP Hà Nội về phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với các cơ sở, đối tượng kinh doanh tài chính, CAQ Ba Đình đã nghiêm túc chỉ đạo tổ chức triển khai, thực hiện, đồng thời xây dựng kế hoạch và triển khai đến toàn CBCS, từ đó chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn".
Trung tá Tạ Thanh Bình, Đội trưởng Đội CSHS - CAQ Ba Đình cho biết thêm: "Qua điều tra cơ bản, trên địa bàn có 30 cơ sở kinh doanh cầm đồ (trong đó tập trung nhiều nhất là tuyến phố Đặng Dung, phường Quán Thánh), 7 cơ sở kinh doanh tài chính và 45 đối tượng cho vay lãi.
Công an quận đã tổ chức chỉ đạo phân công cho từng trinh sát phụ trách địa bàn phối hợp với CSKV công an các phường điều tra cơ bản, tập trung vào các đối tượng có biểu hiện phức tạp. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn quận xảy ra 1 vụ trọng án (giết người) liên quan đến cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính. Sau khi xảy ra trọng án, CAQ Ba Đình đã phối hợp với Phòng CSHS - CATP điều tra, khám phá vụ án, bắt giữ và xử lý đối tượng gây án trước pháp luật. Cũng theo thống kê, trên toàn quận từ đầu năm đến nay xảy ra 33 vụ đổ chất bẩn, chất thải".
Liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, từ năm 2017 đến nay, CAQ Ba Đình đã khởi tố 2 vụ (1 vụ cố ý gây thương tích, 1 vụ làm nhục người khác) và xử lý hành chính 2 vụ (1 vụ cố ý gây thương tích, 1 vụ đổ chất bẩn, chất thải).
Phòng ngừa có chiều sâu
Điển hình, khoảng 16h ngày 17/5/2017, anh Nguyễn Chí Ngọc (ở phố Yên Ninh, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) đang ở nhà thì bị nhóm đối tượng gồm Phạm Vinh Quang, Trần Văn Hợi và các đối tượng Hoàng, Hiệp (chưa rõ lai lịch, địa chỉ) đến tìm gặp bà Chu Thị Q. (mẹ ruột anh Ngọc) để đòi nợ.
Một số tờ rơi có nội dung cho vay tài chính dán tại các cột đèn, bốt điện tại địa bàn phường Giảng Võ, quận Ba Đình
Trong quá trình nói chuyện, hai bên xảy ra xô xát và nhóm đối tượng đã dùng hung khí đánh anh Ngọc gây thương tích. Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT - CAQ Ba Đình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Vinh Quang và Trần Văn Hợi về tội “Cố ý gây thương tích”.
Tương tự, cũng xuất phát từ vay nợ giữa Trần Thanh Sơn (SN 1984, quê Nam Định) cho chị Nguyễn Thị Nhung (SN 1972, ở phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) vay tiền.
Do nhiều lần đòi nợ không được, ngày 23/7/2017, Sơn thuê Hoàng Văn Dung (SN 1991, ở xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái); Triệu Kim Mười (SN 1994, ở phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đến nhà đổ chất bẩn lên người chị Vũ Minh H (con gái chị Nhung).
Ngày 2-8-2017, cơ quan CSĐT - CAQ Ba Đình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Thanh Sơn, Hoàng Văn Dung và Triệu Kim Mười về tội “Làm nhục người khác”.
Chỉ huy Đội CSHS - CAQ Ba Đình nhận định, thực tế hiện nay, người có nhu cầu vay tiền chỉ cần đến những cửa hàng cầm đồ hay liên hệ theo số điện thoại từ những quảng cáo rao vặt cho vay tài chính… được dán nhan nhản khắp mọi nơi với nhiều nội dung hấp dẫn mà không cần thế chấp tài sản.
Do thủ tục đơn giản, không cần tài sản thế chấp, chỉ cần mang các giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước, thẻ sinh viên, sổ hộ khẩu… để làm tin, mọi người đều có thể vay được tiền theo nhu cầu, dẫn đến những hệ lụy khó lường bởi “con nợ” sẽ phải chấp nhận lãi suất cắt cổ (từ 20-30%) trên khoản vay được tính theo ngày.
“Khi mất khả năng chi trả, người vay phải bỏ trốn rồi bị các chủ nợ sử dụng các hành vi vi phạm pháp luật để đòi nợ. Nhiều vụ đổ chất bẩn, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí giết người có nguyên nhân xuất phát từ vay, nợ hay hoạt động "tín dụng đen" gây bức xúc trong xã hội. Chính vì vậy, xác định đây là một trong những nhiệm vụ then chốt, nguồn cơn phát sinh tội phạm, gây mất TTATXH, thực hiện các kế hoạch của CATP, Ban chỉ huy CAQ Ba Đình cũng đã triển khai các kế hoạch để ngăn chặn tội phạm, trong đó đặc biệt là làm tốt công tác phòng ngừa”, Trung tá Tạ Thanh Bình, Đội trưởng Đội CSHS - CAQ Ba Đình cho biết.
Theo chỉ huy CAQ Ba Đình, trong quá trình đấu tranh, phòng chống tội phạm núp bóng cầm đồ, cho vay tài chính, "tín dụng đen”, Ban chỉ huy CAQ đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các phường trên địa bàn tập trung điều tra, rà soát nắm chắc các cơ sở, đối tượng tham gia hoạt động này.
“Quá trình triển khai, Ban chỉ huy CAQ yêu cầu Cảnh sát khu vực và trinh sát hình sự nắm chắc địa bàn quản lý, tình hình hoạt động của các đối tượng hoạt động "tín dụng đen” trên địa bàn; báo cáo kịp thời để có những biện pháp xử lý hiệu quả, đúng quy định của pháp luật”, chỉ huy CAQ Ba Đình nhấn mạnh.