Quyền được biết

(ANTĐ) - Mức độ “cởi mở” thông tin được coi là tiêu chí hàng đầu của một xã hội dân chủ và là nền tảng để xây dựng Nhà nước pháp quyền và xây dựng xã hội văn minh. Luật Quyền tiếp cận thông tin đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm với nhiều ý kiến, đóng góp của các chuyên gia, các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp để có thể trình Quốc hội thông qua.

Quyền được biết

(ANTĐ) - Mức độ “cởi mở” thông tin được coi là tiêu chí hàng đầu của một xã hội dân chủ và là nền tảng để xây dựng Nhà nước pháp quyền và xây dựng xã hội văn minh. Luật Quyền tiếp cận thông tin đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm với nhiều ý kiến, đóng góp của các chuyên gia, các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp để có thể trình Quốc hội thông qua.

Quyền tiếp cận thông tin, còn gọi là “quyền được biết”, là cốt lõi của quyền thông tin. Quyền này nhấn mạnh đến nghĩa vụ của Nhà nước trong việc đảm bảo cung cấp các thông tin. Tiếp cận thông tin giúp người dân hiểu rõ hơn những quyền lợi nào họ được hưởng và có thể được hưởng và ai phải chịu trách nhiệm thực hiện quyền ấy. Nói gọn lại, luật hóa quyền được biết là nhằm tạo điều kiện để người dân tận dụng một cách hợp pháp mọi cơ hội cho cuộc sống của họ.

Người ta có thể “đo lường” trình độ phát triển của một xã hội thông qua mức độ “cởi mở” thông tin. Đây chính là nền tảng để hình thành chế độ dân chủ, Nhà nước pháp quyền. Để đạt được điều đó, người dân cần được hưởng một môi trường thông tin nhanh chóng, đầy đủ và chính xác.

Nói cách khác, thông qua quyền được biết, người dân sẽ kiểm soát tốt hơn chính quyền do họ bầu ra. Nhiều năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều đạo luật chứa đựng những nội dung về quyền tiếp cận thông tin nhưng việc thực thi còn nhiều tồn tại. Khi gặp khó khăn, dân không biết trông cậy vào đâu. Luật, pháp lệnh, quyết định, nghị định không được các cấp, các ngành thực hiện đến nơi đến chốn.

Ngay cả báo chí được xem là nơi thực thi quyền được biết của dân, thì quyền tiếp cận thông tin vẫn còn hạn chế. Không hiếm cơ quan công quyền lạm dụng chữ “mật” với những loại thông tin không đáng “mật” hoặc những thông tin “nhạy cảm” để giữ kín thông tin, gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin.

Đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền là gì? Là chính sách, pháp luật phải công khai, minh bạch. Một quy định pháp luật hay chính sách ra đời mà người hiểu thế này, người hiểu thế kia, người giải thích kiểu này, người giải thích kiểu kia thì không thể nói là minh bạch. Nhiều ý kiến cho rằng để người dân thực hiện quyền được biết một cách đầy đủ thì cần phải có một thiết chế luật cụ thể.

Một nội dung tối quan trọng là Nhà nước phải quy định rõ ràng, công khai danh mục các thông tin công khai và bí mật; xác định chế tài thật cụ thể đối với người thực hiện quyền thông tin và người yêu cầu được thông tin.

Đặc biệt, phải có một danh mục cụ thể và công khai những loại thông tin nào là mật, cấm thu thập, xâm phạm. Có như vậy người dân mới biết rõ họ có quyền gì, ai cung cấp thông tin, giới hạn thông tin ở đâu. Đã có hiện tượng khi xảy ra sự việc gì đó, cơ quan có thẩm quyền rất nhanh tung ra “thông tin đầu tiên”, nhưng rồi họ lại lờ đi “thông tin tiếp theo” và “thông tin cuối cùng”.

Rõ ràng đây là kiểu bưng bít thông tin khá tinh vi. Chủ trương của Đảng và Nhà nước là xây dựng “Chính phủ cởi mở”. Thực tế cho thấy không hề mâu thuẫn giữa tính cởi mở với tính hiệu quả trong hoạt động quản lý của Chính phủ.

Với việc được thông tin đầy đủ, công khai, người dân có thể đánh giá đúng đắn Nhà nước của mình. Sự tin cậy của người dân vào Nhà nước là một bằng chứng quan trọng của một chế độ dân chủ.

Đan Thanh