Quyền Bộ trưởng Y tế: Tâm lý lo ngại, sợ sai trong mua sắm trang thiết bị phòng Covid-19 là có thật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đề cập đến tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc, thôi việc nhiều thời gian gần đây, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, có nhiều lý do, trong đó tâm lý lo ngại, sợ sai sau khi các vụ việc tiêu cực được phát hiện là có thật.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo tại phiên họp UBTVQH

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo tại phiên họp UBTVQH

Chiều nay, 10-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Trình bày báo cáo của Chính phủ tại phiên họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, sự ra đời của Nghị quyết 30 thể hiện sự đúng đắn, góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu kiểm soát dịch được dịch bệnh Covid-19 và đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận công tác phòng, chống dịch còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Trong đó công tác chỉ đạo điều hành ở các cấp có nơi, có lúc còn lúng túng, chưa thống nhất, bị động.

Báo cáo cũng đề cập tình trạng viên chức, nhân viên y tế, nhất là các lực lượng phòng, chống dịch xin nghỉ việc, thôi việc do nhiều lý do. Trong đó, có tâm lý lo ngại, sợ sai sau khi các vụ việc tiêu cực được phát hiện trong thời gian vừa qua liên quan đến trục lợi trong mua sắm trang thiết bị y tế. Việc này cũng gây nên tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số biện pháp của Nghị quyết 30 cho đến hết 31/12/2023 (theo Nghị quyết thì các biện pháp cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid- 19 được thực hiện cho đến hết ngày 31/12/2022).

Thẩm tra về báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đồng tình quan điểm cho rằng, nhờ thực hiện các cơ chế đặc biệt, đặc thù của Nghị quyết 30 đã giúp tháo gỡ nhiều rào cản pháp lý, đáp ứng công tác phòng chống dịch Covid-19 tốt hơn.

Về việc nhiều cán bộ, đơn vị bị phát hiện và xử lý vi phạm trong phòng chống dịch thời gian qua, Ủy ban Xã hội nhận định quá trình thanh tra, kiểm tra, quyết toán không xem xét các yếu tố cấp bách, tính nghiêm trọng của tình huống mà chỉ áp dụng các văn bản quy phạm pháp pháp luật hiện hành trong điều kiện bình thường để đối chiếu, xem xét xử lý, gây ra tâm lý hoang mang của cán bộ, công chức, viên chức.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, Nghị quyết 30 là sáng kiến pháp luật, tạo điều kiện cho Chính phủ điều hành phòng, chống dịch cũng như phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong điều kiện khó khăn, do đó báo cáo cần khái quát sâu sắc hơn.