Quy hoạch luồng tuyến xe khách: Phải lấy người dân làm trung tâm

ANTĐ - Nhu cầu vận tải trên địa bàn Hà Nội ngày một lớn, các bến xe khách liên tục “được” dịch ra ngoài để đảm bảo trật tự giao thông nội đô. Cũng từ đây, xung đột đã xuất hiện khi nhiều chuyên gia cho rằng, việc quy hoạch bến xe khách liên tỉnh cần lấy người dân làm trung tâm.

Thời gian qua, trên địa bàn TP cũng đã xuất hiện nhiều thông tin, ý kiến về việc quy hoạch luồng tuyến bến xe khách liên tỉnh. Nhiều chuyên gia, Hiệp hội vận tải nêu ý kiến, nên quy hoạch luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh Hà Nội theo hướng Bắc - Nam - Đông - Tây, nghĩa là xe chạy về phía Nam thì chỉ được vào bến xe phía Nam… Nhất là khi, Hà Nội đang xây dựng quy hoạch bến xe, luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh tầm nhìn đến năm 2020 thì vấn đề luồng tuyến xe khách lại “nóng”. 

Một số chuyên gia cho rằng, việc tranh cãi luồng tuyến và xung đột về lợi ích là điều thường xuyên xảy ra ở tất cả các địa phương có nhu cầu vận tải cao. Điều quan trọng là khi lập quy hoạch, Sở GVT Hà Nội phải đặt ra câu hỏi, bến xe phục vụ cho ai và bố trí luồng tuyến vì mục tiêu gì? Phải xác định một nguyên tắc xuyên suốt và nhất quán là phải lấy người dân là đối tượng trung tâm, số 1 của phục vụ vận tải. 

Trong cơ chế thị trường, nhiều chế độ ưu đãi phù hợp về thuế phí và chất lượng dịch vụ thì sẽ được khách hàng lựa chọn. Với mức đầu tư 3-4 tỷ đồng/xe, mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã có hàng chục xe, thậm chí hàng trăm xe khách nên luôn muốn sự ổn định trong khai thác. Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn về luồng tuyến bến xe khách do Sở GTVT Hà Nội tổ chức mới đây, đại diện Hiệp hội Vận tải Nghệ An cùng một số doanh nghiệp đang khai thác tuyến Mỹ Đình - Nghệ An đều kiến nghị, giữ ổn định luồng tuyến để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh.

“Mở một doanh nghiệp vận tải khách phải đầu tư rất nhiều, từ kinh phí mua xe đến nhân sự. Chúng tôi chỉ mong ngành GTVT Hà Nội giữ ổn định luồng tuyến, chứ nay thay đổi, mai thay đổi chúng tôi chỉ còn nước phá sản”, đại diện HTX vận tải Nghệ An bày tỏ. Tương tự, ông Nguyễn Văn  Luật - Phó Trưởng  phòng Quản lý vận tải, Sở Thanh Hóa cho hay, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh đều mong muốn ổn định luồng tuyến. Bởi, mỗi lần thay đổi luồng tuyến, bến bãi khai thác, doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, nhu cầu đi lại của người dân rất đa dạng nên bến xe phải có tính kết nối cao. Việc quy hoạch bến xe theo các hướng Bắc - Nam - Đông - Tây là cứng nhắc. “Người dân sinh sống, làm việc ở phía Tây vẫn có nhu cầu đi về phía Đông, về phía Nam, không thể bắt họ phải di chuyển ra bến xe phía Nam để đi xe khách. Như vậy, vô tình làm tăng chi phí, mất thời gian, gây phiền hà cho người dân.

Quy hoạch bến xe như vậy không tạo được sự thuận tiện”, ông Nguyễn Văn Quyền nhận định. Hơn nữa, hệ thống đường vành đai của Hà Nội đã gần hoàn tất, các chuyến xe khách liên tỉnh không phải đi xuyên tâm, vì vậy quy hoạch bến xe, luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh phải tạo được sự thuận tiện đi lại cho người dân, không thể chỉ phục vụ quản lý Nhà nước hay lợi ích doanh nghiệp.