Quy hoạch bảo đảm hài hòa lợi ích về sự phát triển chung và lợi ích của người dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 30-5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Phải làm rõ mối quan hệ giữa các loại quy hoạch

Bày tỏ đồng tình với nội dung báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành của Đoàn giám sát, đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) cho rằng, kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành và có hiệu lực thi hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác quy hoạch và lập quy hoạch và công tác này đã đạt được những kết quả bước đầu.

Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang)

Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang)

Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, cũng như nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, đại biểu Lý Thị Lan đề nghị trong công tác quy hoạch phải làm rõ mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, thực hiện theo đúng nguyên tắc quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn; bảo đảm hài hòa giữa quy hoạch ở khu vực thành thị và nông thôn…

Đại biểu Lý Thị Lan cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp trong việc nâng cấp hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia, thống nhất công nghệ, định dạng dữ liệu về quy hoạch; cập nhật, chia sẻ thông tin; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quy hoạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành; rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành không đúng thẩm quyền, có quy định chưa phù hợp hoặc không thống nhất với Luật Quy hoạch, làm phát sinh thêm quy trình thủ tục hoặc quy định thêm nội dung quy hoạch.

Từng bước khắc phục bất cập của công tác quy hoạch

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc), Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) và một số đại biểu bày tỏ đồng tình với nội dung bố cục của báo cáo, đánh giá cao nỗ lực của Đoàn giám sát trong thực hiện nhiệm vụ, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành hang pháp lý quan trọng cho thực hiện công tác lập và triển khai quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, từng bước khắc phục được những hạn chế, bất cập của công tác quy hoạch.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc)

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc)

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) khẳng định, Quốc hội lựa chọn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành là quyết định rất đúng đắn, kịp thời, đáp ứng mong đợi của cử tri, người dân và doanh nghiệp. Luật Quy hoạch được xây dựng và ban hành là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết của Trung ương về quy hoạch. Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để đưa Luật vào cuộc sống và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Để phục vụ hoạt động giám sát, báo cáo của Chính phủ, của các Bộ, ngành đã đưa ra những số liệu, minh chứng rất rõ ràng, cùng với những kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc, đề xuất các giải pháp khắc phục những tồn tại trong thực hiện công tác quy hoạch thời gian tới.

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị Chính phủ quan tâm rà soát, sửa đổi các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo trong công tác quy hoạch; đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thẩm định các quy hoạch; đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Hà Phước Thắng (Đoàn ĐBQH TP.HCM)

Đại biểu Hà Phước Thắng (Đoàn ĐBQH TP.HCM)

Cho rằng công tác quy hoạch có liên quan chặt chẽ đến đời sống người dân, đại biểu Hà Phước Thắng (đoàn TP.HCM) nhấn mạnh, công tác quy hoạch phải bảo đảm hài hòa lợi ích về sự phát triển chung và lợi ích của người dân, nhất là trong thực hiện quy hoạch về đất đai, cần phải có những chính sách thỏa đáng về nhà và đất ở đối với người dân ở vùng quy hoạch, bảo đảm ổn định đời sống người dân ở vùng được lập và triển khai quy hoạch.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) cho rằng ở một số địa phương việc công bố công khai thông tin quy hoạch, nhất quán quy hoạch về quản lý và sử đụng đất, quy hoạch xây dựng còn rất hạn chế, nhiều khi chỉ mang tính hình thức. Đây là một hạn chế còn tồn tại. Đại biểu đề nghị cần có những chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả hơn để khắc phục hạn chế này, qua đó bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp... về công tác quy hoạch.

Xây dựng, ban hành Luật Quy hoạch là sự cố gắng, nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu điều hành phiên thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu điều hành phiên thảo luận

Phát biểu điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, để triển khai giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội theo chủ trương đổi mới hoạt động giám sát, ngoài báo cáo của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, 63 Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đều có báo cáo giám sát, trong đó nhiều báo cáo chất lượng tốt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp 4 Phiên để cho ý kiến về đề cương sơ bộ, đề cương chi tiết, thông qua báo cáo, làm việc với Ban cán sự Đảng Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu thảo luận về các vấn đề cụ thể được nêu trong báo cáo và những vấn đề các đại biểu quan tâm, trong đó tập trung vào các vấn đề sau:

- Thứ nhất, đánh giá của các đại biểu Quốc hội về việc tham mưu cho Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; hiệu quả triển khai của Đoàn giám sát cũng như của các Bộ, ngành, đia phương.

- Thứ hai, những căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn cũng như sự cố gắng, nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành về việc ban hành Luật Quy hoạch và các luật liên quan; hiệu quả của việc ban hành Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tháo gỡ khó khăn trong tổ chức, thực hiện Luật Quy hoạch.

- Thứ ba, cho ý kiến về những hạn chế, bất cập xung quanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và công bố quy hoạch của các cấp các ngành; về sự tồn tại song hành, áp dụng cả hai loại quy hoạch hiện nay; về nội hàm của quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; về khái niệm tích hợp quy hoạch; về sự thay thế, bãi bỏ các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm trước đây bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; về phân kỳ đầu tư triển khai các dự án quy hoạch…

- Thứ tư, cho ý kiến về những đề xuất của Đoàn giám sát, trong đó có việc cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh): Chủ động bố trí không gian, nguồn lực thực hiện quy hoạch

“Đề nghị Chính phủ thống nhất phạm vi, đối tượng quy hoạch ngành quốc gia theo hướng quy hoạch ngành quốc gia chỉ lập quy hoạch mạng lưới quy hoạch cơ sở thuộc ngành mình quản lý, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, phân cấp cho các tỉnh để lập các quy hoạch cơ sở hạ tầng phục vụ trong tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương, tạo sự chủ động trong bố trí không gian lập quy hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch. Ngoài ra, đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm bố trí không gian quy hoạch phát triển hạ tầng an sinh xã hội, khu dân cư đô thị, nông thôn, hạ tầng bảo vệ môi trường, thiết chế văn hóa, cơ sở bảo trợ xã hội… đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh”.