Quy định trách nhiệm đối với việc Cấp sai giấy phép, quản lý trật tự xây dựng lỏng lẻo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, điều được nhiều người quan tâm là việc xác định trách nhiệm của người thi hành công vụ trong cấp phép và quản lý trật tự xây dựng (TTXD) đối với công trình này ra sao?

Về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Điều 7, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ: Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng; Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

Như vậy, cơ quan Nhà nước sẽ bồi thường thiệt hại đối với những sai phạm của người thi hành công vụ cho người bị thiệt hại nếu có những căn cứ chứng minh người thi hành công vụ sai phạm, luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Hiện trường vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Hiện trường vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Ngoài ra, theo Điều 14 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, người thi hành công vụ gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách Nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.

Với hành vi cấp sai giấy phép xây dựng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều 360 BLHS 2015 quy định, người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 - Điều này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng - 5 năm.

Phạm tội làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7 - 12 năm.

Như vậy, nếu người thi hành công vụ có hành vi sai phạm (như cấp sai giấy phép xây dựng) gây chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, hoặc gây thiệt hại về tài sản tuỳ theo tính chất, mức độ, hậu quả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đối diện với mức hình phạt cao nhất lên tới 12 năm tù.

Mặt khác, cá nhân có sai phạm còn phải hoàn trả cho ngân sách Nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Cũng theo luật sư Nguyễn Thị Thu, về công tác quản lý trật tự xây dựng, theo quy định hiện hành, UBND cấp huyện, xã chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân cấp, ủy quyền của UBND cấp tỉnh; Tổ chức thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm trên địa bàn; thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.

Do đó, khi các công trình xây dựng có sai phạm nhưng không bị xử lý nghiêm khắc, kịp thời đến khi đưa vào vận hành gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì những cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn cũng phải chịu trách nhiệm theo quy định, luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.