Quy định mới nhất về các trường hợp nhà ở xây dựng trái phép được “hợp thức hóa”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nghị định 16/2022/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng nêu rõ các trường hợp được hợp thức hóa nhà ở xây dựng trái phép đồng thời rút ngắn thời gian hợp thức hoá đối với các công trình này.

“Hợp thức hóa” nhà ở (riêng lẻ) xây dựng không phép, trái phép là thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh (điều chỉnh giấy phép xây dựng) đối với nhà ở sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo Điều 81 Nghị định 16/2022, với hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ không có giấy phép xây dựng (không phép) hoặc xây dựng không đúng với nội dung giấy phép được cấp (trái phép) mà thuộc trường hợp đủ điều kiện cấp phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng thì xử lý như sau:

Người có thẩm quyền có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng. Trong thời hạn 30 ngày đối với nhà ở riêng lẻ kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải:

Với trường hợp xây dựng không phép phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng và có giấy phép xây dựng.

Trường hợp xây dựng trái phép phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh và có giấy phép xây dựng điều chỉnh.

Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh được thực hiện theo quy định pháp luật về cấp giấy phép xây dựng và bổ sung thêm hồ sơ chứng minh đã hoàn thành việc nộp phạt vi phạm hành chính.

Như vậy, theo Nghị định 16/2022, tổ chức, cá nhân chỉ có 30 ngày để hợp thức hóa nhà ở không phép, trái phép thay vì 60 ngày như trước đây.

Hết thời hạn 30 ngày theo quy định trên mà tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình giấy phép xây dựng được cấp hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh thì người có thẩm quyền xử phạt ra văn bản thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm tự phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Tuy vậy, không phải toàn bộ các trường hợp được cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh sẽ được tiếp tục xây dựng mà phải thông qua bước kiểm tra hiện trạng công trình, nếu không phù hợp sẽ bị phá dỡ.

Cụ thể, trong thời hạn tối đa 5 ngày kể từ ngày tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm xuất trình giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm tổ chức kiểm tra hiện trạng công trình xây dựng, lập biên bản ghi nhận sự phù hợp của hiện trạng công trình với giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh.

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm chỉ được tiếp tục thi công xây dựng nếu biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình xác nhận hiện trạng công trình phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp, giấy phép xây dựng điều chỉnh…

Ngoài nội dung trên, Nghị định 16/2022 cũng quy định rõ các trường hợp được hợp thức hóa nhà ở xây dựng trái phép. Theo đó, các vi phạm quy định tại khoản 4, khoản 6-8 Điều 16 Nghị định này thuộc trường hợp đủ điều kiện cấp phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép hoặc điều chỉnh thiết kế mà đang thi công, gồm:

Tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo, di dời công trình và giấy phép có thời hạn; Tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp với trường hợp cấp giấy phép mới;

Tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép; Xây dựng công trình không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng…