Quốc lộ 1A cũ “đón” xe máy: Áp lực ùn tắc, tai nạn

ANTĐ - Ngày thứ hai của chủ trương cấm xe máy trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (bắt đầu từ 1-2-2012), chuyển sang đi trên quốc lộ 1A cũ, PV Báo ANTĐ đã đi ghi nhận sự chấp hành của người dân, cũng như sự chuẩn bị “đón” xe máy trên trục huyết mạch Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên, chiều dài hơn 20 km.

Nhiều người vẫn chưa biết về việc cấm xe máy trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ

Chưa sẵn sàng!

Ngày 11 âm lịch tết, lại thêm tiết mưa phùn, giá rét, khiến lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên quốc lộ 1A cũ không quá đông. Tuy nhiên, sự khác biệt so với thời gian trước trông thấy rõ là số lượng xe máy xuất hiện nhiều. Ở các đoạn rẽ đường nhánh từ quốc lộ 1A cũ sang đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đều có các biển báo cấm xe máy và xe thô sơ sang đường cao tốc. “Lưu lượng phương tiện tăng trông thấy; có khu vực, người cẩn thận còn không dám rẽ sang phải hay sang trái làn đường”, ông Lê Tuấn Dũng - Chánh văn phòng UBND huyện Thường Tín trao đổi với chúng tôi.

Chuyển xe máy sang quốc lộ 1A cũ, về lý thuyết là “được”. Dẫu gì, trục đường này độ chục năm trước từng phải gánh tất cả phương tiện đi - về hướng Bắc - Nam. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, thực tế cho thấy, hạ tầng của quốc lộ 1A cũ, đoạn qua 3 huyện Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên, lại chưa sẵn sàng để “đón” xe máy, “đón” sự gia tăng phương tiện. Đi thực tế trục huyết mạch này sáng 2-2 , điểm tích cực - khác biệt - chúng tôi nhận thấy, đó là quãng đường “đau khổ” chừng hơn 200 mét, thuộc km14 ngang qua xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, đã được thảm lại. Dù còn chưa bằng phẳng, nhưng nó đã “xóa” được những ổ gà, và cảnh ngập lụt thường thấy sau mỗi trận mưa, dù nhỏ. Những gì còn lại, đang diễn trên trục đường này, không khỏi khiến người ta lo ngại. Mặt cắt đường, ngay cả khi chưa “đón” xe máy, vốn đã rất chật hẹp.

Như thông tin của đồng chí Chánh văn phòng UBND huyện Thường Tín, thì riêng trung tâm thị trấn, đoạn ngã ba rẽ vào trụ sở UBND huyện, một ngày ít nhất ba lần ùn tắc kéo dài, bởi chắn tàu. Suốt trục quốc lộ 1A cũ, từ Thanh Trì xuống Phú Xuyên, hạ tầng hai bên đường hết sức lộn xộn. Chợ cóc “bám” quốc lộ; các đường nhánh từ trong “phi” ra… Chưa kể sự tham gia “đa dạng” các loại phương tiện trên trục đường này. Từ xe ngựa, công nông, đến xe buýt, xe khách và container. Chuyển xe máy sang, nhưng rõ ràng, cơ quan chức năng chưa tính đến các loại phương tiện “sẵn có” trên trục đường này.

Lo ngay ngáy!

Tiếp xúc, trao đổi với PV ANTĐ, đại diện các huyện Thường Tín, Phú Xuyên đều không giấu được sự băn khoăn, lo lắng. “Điểm yếu lâu nay của chúng tôi là ý thức của người tham gia giao thông. Nhắc mãi, xử lý mãi, riêng việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, nhiều người dân, nhất là thanh niên còn “ngại” chấp hành”, một cán bộ huyện Phú Xuyên bộc bạch. Đi trên trục huyết mạch này trong gần 1 tiếng đồng hồ, dù chạy tốc độ chậm, nhưng chúng tôi gần chục lần phải phanh gấp, để tránh xe máy và cả ô tô từ trong các đường nhánh phi ra. Mấy đoạn đường kinh doanh đồ gỗ, dân địa phương sang đường mà không cần quan sát là chuyện… bình thường.

Ý thức “có vấn đề” của nhiều người dân sống, kinh doanh hai bên trục đường 1A cũ là điều không thể xem nhẹ. Trong câu chuyện “lỗi ý thức” này, có lẽ phải xem xét cả trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Từ thời điểm có đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, hạ tầng quốc lộ 1A cũ rất ít được đầu tư, nâng cấp. Và ở những đoạn xuống cấp đó, chợ “cóc” đã hình thành. Cả sự lấn chiếm để tập kết hàng hóa của người dân. Đại diện huyện Thường Tín cho biết, từ cuối tháng 12, lãnh đạo huyện đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho việc “đón” xe máy của quốc lộ 1A cũ. Thế nhưng trong buổi sáng 2-2, chúng tôi bắt gặp rất ít sự sẵn sàng ấy. Thủ phủ huyện - thị trấn Thường Tín - những “quầy” bánh dầy vẫn nhao ra đường. Bao nhiêu diện tích lề đường chưa được thảm nhựa là từng ấy sự lấn chiếm, kinh doanh của người dân. Tình trạng tương tự chúng tôi bắt gặp trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Nỗi lo tăng nguy cơ ùn tắc, TNGT trên trục huyết mạch 1A cũ là có thật. Và trong nỗi lo - nguy cơ ấy, có trách nhiệm không nhỏ của cơ quan quản lý, lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở!