Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV

Quốc hội thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 7-1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cần định lượng một số mục tiêu cụ thể

Góp ý về dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho biết, trong dự thảo Nghị quyết nêu các mục tiêu phấn đấu đạt cao như dịch vụ xã hội chất lượng cao hơn, tốc độ phát triển cao, tính kết nối cao, khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Đây là những mục tiêu chưa định lượng sẽ khó chọn được giải pháp để thực hiện.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch nêu mục tiêu phát triển đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; về tầm nhìn đến năm 2050 là nước phát triển thu nhập cao. Đại biểu nêu quan điểm, điều khác nhau dễ thấy giữa nước đang phát triển và nước phát triển đó là chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Vì vậy, trong Quy hoạch tổng thể quốc gia cần bổ sung nội dung phát triển hệ thống các trung tâm, cơ sở kiểm định chất lượng sản phẩm tầm cỡ khu vực, có lộ trình hoàn thiện pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn tiệm cận với các nền kinh tế mà chúng ta muốn đưa sản phẩm đến.

Đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng, đây là nội dung cần thiết để làm cơ sở triển khai, lập nhiều quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương. Qua nghiên cứu tài liệu và khảo sát thực tiễn, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh để đảm bảo không để một số nội dung quy hoạch xa rời thực tiễn.

Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, lập quy hoạch, bổ sung các nội dung quan trọng, những định hướng cơ bản đã được nêu trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị trong thời gian gần đây, đặc biệt là các Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, về phát triển các thành phố lớn tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng của đất nước.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ mới quan trọng nhưng hết sức phức tạp, chưa có tiền lệ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Do đó, việc xác định các nội dung của quy hoạch phải được tính toán một cách khoa học, hợp lý, bảo đảm đường hướng chiến lược, phải cụ thể nhưng cũng không được mâu thuẫn thay thế cho các nội dung đã được xác định trong các văn bản khác.

Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết các mục tiêu cụ thể mà chỉ quy định các mục tiêu tầm quốc gia, các giới hạn tối đa hoặc tối thiểu các chỉ tiêu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch cấp thấp một cách chủ động. Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, những nội dung “quy hoạch cứng” như về giao thông, đất đai, năng lượng và đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh thì có thể chốt ở trong quy hoạch này. Đối với những nội dung khác, có thể xã hội hóa hoặc mang tính định tính như các vấn đề giáo dục, y tế nên xác định là “quy hoạch mềm” để tránh đi vào quá chi tiết, xác định những chỉ tiêu quá cụ thể khiến bó khung, có thể làm hạn chế việc phát triển.

Quy định các nguyên tắc cơ bản để làm cơ sở quy hoạch

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần phải được xem là vấn đề mang tính tầm cỡ, lấy nội lực, thế mạnh của quốc gia, có tính quyết định. Vì thế, cần quy định các nguyên tắc cơ bản để làm cơ sở quy hoạch vùng, địa phương, đồng thời là kỷ cương trong việc tuân thủ quy hoạch một khi đã ban hành. Trong đó, quy hoạch cần lấy phương châm ưu tiên phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có hơn là ưu tiên xây dựng, hình thành hành lang mới; nhất là quy hoạch các sân bay, cảng biển cần phải thận trọng, tránh lãng phí, không hiệu quả và cần làm rõ hơn những định hướng liên kết của 6 vùng theo Nghị quyết đã đề ra. Bên cạnh đó, vấn đề về du lịch cần được quy hoạch đậm nét và có chiều sâu để tạo được lợi thế trong tương lai.

Để phát triển ngành du lịch trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần khắc phục được hạn chế, yếu kém là rào cản cho sự phát triển. Tuy nhiên, trong Quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn có sự dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm khi xác định các sản phẩm du lịch chính của mỗi không gian phát triển du lịch theo vùng. Trong 6 vùng không gian phát triển, những sản phẩm du lịch chính được liệt kê gần như giống nhau.

Khi xác định được sản phẩm du lịch chính thì chúng ta mới có phương hướng, kế hoạch tập trung để đầu tư phát triển, nếu cứ dàn trải sẽ rơi vào đầu tư manh mún, không có trọng tâm, trọng điểm, thiếu hiệu quả. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các khái niệm về sản phẩm du lịch, vẫn còn sự lẫn lộn trong khái niệm những sản phẩm được liệt kê như nghỉ cuối tuần, thư giãn cuối tuần, du lịch cuối tuần… không thực sự là khái niệm sản phẩm du lịch, không cùng loại với các sản phẩm du lịch khác như du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm.

Đóng góp ý kiến, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đánh cao quy hoạch đã định hướng đến việc phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số... Đại biểu cho rằng, quy hoạch cần chú trọng đến 4 vùng kinh tế trọng lực, trong đó Hà Nội và TP.HCM cần quan tâm hơn đến đường sắt đô thị. Hệ thống đường sắt đô thị trong 2 thành phố trên đang có hướng phát triển, nhưng các đô thị của những vùng động lực này cũng phải tính toán tới sự phát triển của các đường sắt đô thị, kết nối với hạt nhân đang phát triển là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) hoan nghênh Chính phủ đã quan tâm đầu tư cho ngành truyền thông, báo chí, tuy nhiên, đại biểu đặt vấn đề, chỉ có 20% cơ quan báo chí được đầu tư, 80% cơ quan báo chí còn lại thì sao? Các cơ quan đó có quan trọng hay không? Đầu tư theo hướng này sẽ dẫn tới phân tâm, không đảm bảo hiệu quả trong việc phát triển truyền thông, báo chí. Theo đại biểu, bên cạnh việc đầu tư hợp lý, cần chú trọng nguồn lực để đầu tư theo đặt hàng để có các tác phẩm chất lượng cao, chuyên sâu, tạo ảnh hưởng xã hội lớn, qua đó huy động được trí tuệ, tâm huyết, tài năng của đội ngũ nhà báo, phóng viên, nâng cao hiệu quả đầu tư, đạt được những kết quả thiết thực.

Đối với việc quy hoạch báo chí, đề cập đến vấn đề sáp nhập các cơ quan báo chí, truyền thông, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, các quyết định đưa ra cần dựa trên đánh giá tác động kỹ lưỡng với tầm nhìn dài hạn. Nếu thực hiện chia tách, sáp nhập một cách thiếu tính toán sẽ dẫn đến lãng phí trong xây dựng, sửa chữa trụ sở, mua sắm thiết bị, cơ sở vật chất.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên thảo luận có 26 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu đăng ký nhưng chưa phát biểu do hết thời gian; đề nghị đại biểu gửi văn bản qua Ban Thư ký để tổng hợp. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến đại biểu phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.