Quốc hội luôn đổi mới, đồng hành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan của Quốc hội và mỗi đại biểu dân cử, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Quốc hội phải luôn tự đổi mới, mỗi cơ quan, đại biểu tự giám sát và kiểm soát mình”.

Đổi mới trong hoạt động nội bộ và quy cách vận hành

Năm 2022, bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới diễn biến hết sức phức tạp, khó lường và mang đến khó khăn nhiều hơn mức dự báo. Thế nhưng, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực. Trong đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là “điểm sáng” trong “bức tranh xám màu”, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kỳ tích. Fitch Ratings giữ xếp hạng Việt Nam ở mức triển vọng tích cực BB và dự báo tăng trưởng Việt Nam 2022 là 7,4%...

Kỳ họp thứ ba - Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ ba - Quốc hội khóa XV

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đến từ sự chỉ đạo, cố gắng của cả hệ thống chính trị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và toàn thể nhân dân. Đóng góp cho thành công chung đó, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều đổi mới. Quốc hội đã đồng hành, chia sẻ, kịp thời ban hành thể chế; sửa đổi, bổ sung thể chế; Quốc hội giám sát, ban hành những chính sách quan trọng để Chính phủ thực hiện. Đó là, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường để ban hành 1 Luật sửa 9 Luật; ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… một cách nhanh chóng, kịp thời. Quốc hội còn giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề đặc cách, đặc thù, đặc biệt khác với Luật trong thời gian Quốc hội không họp.

Tính đến tháng 10-2022, thời điểm trước khi diễn ra Kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 10 Nghị quyết theo ủy quyền của Quốc hội, có những vấn đề khác luật, có những vấn đề chưa được luật quy định thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã cùng làm. Có những vấn đề Chính phủ đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bố trí họp ngay, thậm chí là họp buổi tối, họp trực tuyến để kịp thời ban hành. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

Không chỉ quan tâm đến việc quyết định các vấn đề quốc gia đại sự, Quốc hội khóa XV còn thể hiện tinh thần đổi mới trong chính các hoạt động nội bộ và quy cách vận hành của mình. Tháng 11-2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) với rất nhiều điểm mới. Có thể điểm qua như: Nghị quyết nêu rõ, kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo hai hay nhiều đợt. Đặc biệt, Nghị quyết giao Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội - đây là điều chưa từng có tiền lệ…

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội Ảnh: DOÃN TẤN

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội Ảnh: DOÃN TẤN

Kịp thời, quyết liệt trước các vấn đề “nóng”

Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV vào tháng 6-2022 cũng để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Đó là lần đầu tiên tại một kỳ họp Quốc hội, có tới 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét quyết định chủ trương đầu tư. Đây đều là những dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa cấp bách, lan tỏa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các vùng và từng địa phương.

Cũng tại kỳ họp này, một sự kiện rất đáng chú ý, đó là trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã đồng ý bổ sung nội dung bất thường về công tác nhân sự vào chương trình kỳ họp. Điều này thể hiện sự kịp thời, quyết liệt của Quốc hội trước thực tiễn cuộc sống và trước các vấn đề “nóng” được dư luận đặc biệt quan tâm.

Quay ngược lại thời gian xa hơn, ngay từ những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, tại kỳ họp thứ nhất diễn ra vào tháng 7-2021, khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, Quốc hội đã chủ động đề xuất, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chương trình thảo luận và bổ sung vào Nghị quyết chung của kỳ họp những biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ sau hai ngày khi các đại biểu đề xuất, các cơ quan của Quốc hội đã rất quyết liệt và khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị quyết và thông qua ở phiên bế mạc. Nghị quyết này đã giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách. Đây là quyết định chưa từng có tiền lệ, cho thấy sự quyết đoán, chung tay, đồng hành của Quốc hội trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân với Chính phủ và cả hệ thống chính trị…

Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả

Bên cạnh các hoạt động nghị trường, Quốc hội khóa XV còn thể hiện rõ tinh thần đổi mới toàn diện bằng các cách tiếp cận mới, đó là thông qua các diễn đàn, hội thảo để tập trung trí tuệ của cả hệ thống chính trị cho những vấn đề quan trọng của đất nước.

Tháng 9-2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trực tiếp chủ trì Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững’’. Đây là diễn đàn thu hút sự tham dự của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, các Đại sứ, Trưởng đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Tiếp đó, đến tháng 12-2022, Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tổ chức và diễn ra thành công dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng…

Qua những diễn đàn này để góp phần hoàn thiện thể chế, Quốc hội một lần nữa khẳng định ý chí rằng mọi quyết sách của Quốc hội phải sát với thực tế trong nước và tình hình thế giới, trên cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và luận cứ khoa học, thực tiễn vững chắc. Về công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, nhất là năm 2022, tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và cách làm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Trong đó, giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; đánh giá công bằng, khách quan để hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Quốc hội luôn tự đổi mới chính mình, mỗi cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt tự giám sát, mỗi đại biểu Quốc hội phải tự mình kiểm soát hoạt động của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri. Và trên tất cả, điều quan trọng nhất vẫn là đưa các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật đi vào đời sống thực tiễn. Về điều này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hơn một lần nhấn mạnh khi phát biểu tại các kỳ họp thứ 3, thứ 4 vừa qua rằng, cần phải khắc phục tình trạng “quyết sách đúng - trúng - kịp thời, nhưng triển khai chậm - kém hiệu quả”… Chắc chắn, những thông điệp mạnh mẽ, sự quyết đoán từ Chủ tịch Quốc hội, sự đoàn kết đồng lòng từ các đại biểu Quốc hội sẽ góp phần rất quan trọng cùng cả hệ thống chính trị có thêm niềm tin, kỳ vọng để vượt qua khó khăn, thách thức, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.