“Quét” hàng giả trong phố cổ

ANTĐ - Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội vừa triển khai theo chuyên đề kiểm tra, xử lý đối với hàng giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu công nghiệp tại một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội. Ngay trong ngày đầu thực hiện, hơn 1.000 sản phẩm là hàng giả, hàng nhái đã bị phát hiện, thu giữ.

Quyết liệt ngăn chặn hàng giả tại các tuyến phố trung tâm

Hàng giả bày bán công khai

Nhận định về tình trạng hàng giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu công nghiệp, tại Văn bản số 524/CĐ-QLTT, Chi cục QLTT Hà Nội cho thấy: “Thời gian gần đây, trên một số tuyến phố của Hà Nội, tình trạng bày bán hàng giả mạo nhãn hiệu có hiện tượng tái diễn, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, môi trường đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài và quyền lợi của người tiêu dùng.

Lực lượng chức năng cũng cho biết thêm, hàng giả mạo nhãn hiệu được bày bán công khai tại một số tuyến phố kinh doanh thương mại trọng điểm như: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Gai và Hàng Bông. Trong đó, quần áo bị giả mạo chủ yếu thuộc các nhãn hiệu: Louis Vuitton, Nike, Adidas, Gucci, Lacoste…

Thậm chí, ngay cả hàng Việt Nam như các nhãn hiệu của Việt Tiến và May 10 cũng bị giả mạo. Với mặt hàng mỹ phẩm, các nhãn hiệu thường bị xâm phạm gồm: Nivea, Unilever, Loreal… Bên cạnh đó, kính mắt, đồng hồ thời trang, văn phòng phẩm của các hãng: Casio, Gucci, Zebra, Thiên Long… cũng được làm giống như thật.

Ông Vương Trí Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho rằng, các tuyến phố này thường xuyên có khách nước ngoài tham quan, mua sắm; do đó, bày bán hàng giả công khai sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh của Thủ đô Hà Nội. Được biết, trong năm 2011, lực lượng QLTT xử lý nhiều vụ kinh doanh hàng hóa vi phạm sở hữu công nghiệp tương tự như trên. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, yêu cầu các chủ hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, niêm yết giá hàng hóa và bán đúng giá niêm yết… khiến tình trạng này đã giảm đi nhiều cho đến thời gian gần đây.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Ngày 6-4, các đội QLTT đã tập trung tổng kiểm tra hàng giả, hàng vi phạm sở hữu công nghiệp tại 4 tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm, gồm: Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Đào và Hàng Bông với trọng tâm kiểm tra: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hàng hóa và các hóa đơn chứng từ liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa; kiểm tra việc thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định, thông qua việc ghi nhãn này để đấu tranh chống hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh hàng giả về nguồn gốc, xuất xứ; kiểm tra về giá… 

Ngay trong ngày đầu triển khai, lực lượng chức năng đã bất ngờ kiểm tra 17 cửa hàng thuộc 4 tuyến phố nêu trên. Bước đầu, Chi cục QLTT Hà Nội đã thu giữ 1.059 sản phẩm là hàng giả các nhãn hiệu: Nike, Lacoste, Adidas và Gucci; 195 sản phẩm là hàng lậu, chủ yếu là áo phông do nước ngoài sản xuất. 

Trao đổi với báo chí, ông Vương Trí Dũng cho biết, quá trình kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm, tùy thuộc vào mức độ vi phạm để cơ quan chức năng đưa ra hình thức xử lý thích đáng, nghiêm minh. Những trường hợp vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp sẽ phạt từ 3 - 5 triệu đồng; Trường hợp kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ nếu giá trị hàng hóa vi phạm đến 5 triệu đồng bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng; Giá trị hàng hóa vi phạm trên 500 triệu đồng sẽ bị xử phạt từ 400 - 500 triệu đồng.

Ngoài ra, tất cả những sản phẩm giả mạo sẽ bị tịch thu. Chi cục QLTT Hà Nội đã yêu cầu các đội QLTT chủ công phải phân công cán bộ thường xuyên trinh sát tại các tuyến phố nhằm dẹp bỏ việc kinh doanh hàng giả một cách công khai. Những trường hợp cố tình tái phạm, lực lượng chức năng sẽ đề xuất với Sở Công Thương, Bộ Công Thương tước giấy phép kinh doanh, thậm chí chuyển hồ sơ đến cơ quan công an xem xét trách nhiệm hình sự.