Quét "cát tặc" dọc tuyến sông Hồng

ANTD.VN -  Lợi nhuận quá cao, nhu cầu quá lớn, mặt hàng cát - vật liệu xây dựng đã khiến cho tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra ở các dòng sông trên địa bàn Hà Nội luôn nóng…

Những chiếc tàu hút có công suất lớn neo đậu giữa dòng sông Hồng đoạn sát địa bàn xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ ngang nhiên hút cát gây bức xúc cho người dân sống hai bên bờ sông

Thời gian gần đây, dù đã được các lực lượng chức năng mạnh tay truy quét, thế nhưng “cát tặc” vẫn luôn lén lút khai thác cát trái phép dọc tuyến sông Hồng đoạn chảy quan địa bàn Hà Nội từ khu vực Đan Phượng, Phúc Thọ đến Sơn Tây… gây bức xúc cho người dân sống hai bên bờ sông.

Mạnh tay truy quét

Thượng tá Chu Anh Tuấn – Phó trưởng CAH Đan Phượng cho biết, huyện có 15km sông Hồng chảy qua địa bàn các xã (Trung Châu, Thọ An, Thọ Xuân, Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà và Liên Trung), khoáng sản chủ yếu là cát đen.

Trên địa bàn huyện có 3 tổ chức có giấy phép thực hiện dự án khai thác cát bãi nổi trên sông Hồng và không có tổ chức, cá nhân nào được phép khai thác cát tại lòng sông hoặc thực hiện dự án nạo vét luồng kết hợp với tận thu sản phẩm.

Thời gian gần đây, mặc dù CAH phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ CATP và lực lượng chức năng khác liên tục tổ chức tuần tra, truy quét “cát tặc”, tuy nhiên, nhiều đối tượng vẫn lợi dụng những đêm mưa bão, ngày lễ, cuối tuần… để hút trộm cát.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng - Đội trưởng Đội Cảnh sát ĐTTP về Kinh tế - Ma túy CAH Đan Phượng cho biết, các đối tượng khai thác cát trái phép sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Mỗi khi hoạt động, các đối tượng thuê người theo dõi các phương tiện của lực lượng chức năng hoặc cảnh giới, phát hiện từ xa để thông báo cho đối tượng khai thác cát trái phép nhanh chóng bỏ chạy, thậm chí tắt máy, bỏ lại phương tiện lên bờ…

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, nhiều đối tượng đã bị các lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ. Điển hình, đêm 13-5, tại địa bàn xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, tổ công tác Đội CSGT đường thủy số 1 phát hiện chiếc tàu mang số hiệu: VP – 0827, đang có hành vi khai thác cát trái phép. Làm việc với tổ công tác, đối tượng điều khiển tàu vi phạm trên là Trần Văn Hùng (SN 1980, ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) đã thừa nhận hành vi khai thác cát trái phép.

Một trong hai đối tượng chuyên cảnh giới cho các đối tượng hút cát dưới sông xuất hiện khi thấy nhóm phóng viên ra bãi sông đoạn xã Vân Nam, Phúc Thọ ghi hình

Trước đó, rạng sáng 9-5, tổ công tác của Đội CSGT đường thủy số 1 làm nhiệm vụ tuần tra, phòng chống khai thác cát trái phép trên tuyến sông Hồng, đoạn qua địa bàn huyện Đan Phượng đã phát hiện và phối hợp với CAH Đan Phượng bắt giữ tàu mang số hiệu: NB - 6579, đang có hành vi khai thác cát trái phép.

Lái tàu vi phạm là Nguyễn Văn Công (SN 1969, ở huyện Mê Linh) đã không xuất trình được những giấy tờ có liên quan đến hoạt động khai thác cát. Lực lượng CSGT đường thủy đã lập biên bản xử lý, tạm giữ phương tiện vi phạm theo quy định. 

“Mặc dù trong thời gian ngắn, với việc mạnh tay truy quét “cát tặc” của lực lượng CATP, nhiều tàu và đối tượng khai thác cát trái phép dọc tuyến sông Hồng theo địa bàn Đan Phượng đến Sơn Tây liên tục bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ. Tuy nhiên, do nhu cầu lớn, lợi nhuận quá cao nên nhiều đối tượng bất chấp vi phạm”, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Thủ đoạn tinh vi

Theo ghi nhận của phóng viên, vào các buổi sáng và trưa các ngày (12 đến 14/5), tại đoạn sông Hồng thuộc xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ thường xuyên có một số tàu khai thác cát neo đậu, hút cát.

Cụ thể, khoảng 11h 30 trưa 14-5, hai chiếc tàu hút công suất lớn đang neo đậu giữa lòng sông Hồng để hút cát. Khi nhóm phóng viên vừa có mặt tại bãi bồi xã Vân Nam, hai đối tượng lạ đi xe máy cũng xuất hiện. Trong đó, một đối tượng xăm trổ kín người. Dù không liên quan gì nhưng các đối tượng vẫn tiếp cận nhóm phóng viên và hỏi chuyện vu vơ.

Ngay sau đó, một đối tượng lén chụp trộm biển kiểm soát chiếc xe phóng viên sử dụng, đồng thời gọi điện cho ai đó. Chỉ vài phút sau, một con tàu trên khoang chứa cát nổ máy chuyển hướng vào bờ sông đối diện thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và sau đó hai đối tượng cũng nháy nhau “lượn” mất.

Đại úy Trần Mạnh Tiến - Đội trưởng Đội Cảnh sát ĐTTP về Kinh tế - Ma túy CAH Phúc Thọ nhận định, vài năm trở lại đây, khi các doanh nghiệp được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) tạm dừng cấp phép hoạt động nhưng một số tỉnh giáp ranh cấp phép cho một số công ty, doanh nghiệp khai thác cát.

Dù giữa ban ngày nhưng lợi dụng địa bàn giáp ranh, các "cát tặc" vẫn ngang nhiên hút cát trái phép

Khi hoạt động, các đối tượng lợi dụng, lấn sang địa bàn Hà Nội khai thác, gây bức xúc cho nhân dân. Lực lượng chức năng CAH Phúc Thọ cũng liên tục tuần tra vây bắt. Tuy nhiên, do thiếu tàu thuyền nên khi thấy bóng dáng lực lượng công an, các đối tượng lại đánh tàu sang bờ bên địa bàn Vĩnh Phúc neo đậu rồi nhanh chân bỏ đi.

Hiện việc một số công ty trên địa bàn Vĩnh Phúc được tỉnh này cấp phép hoạt động vẫn thường xuyên lấn sang địa bàn của Hà Nội để khai thác cát trái phép. Dù việc này đã được cơ quan chức năng hai bên nhiều lần họp bàn nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm khiến cho tình trạng quản lý gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng khai thác cát trái phép cũng lợi dụng đêm hôm mưa bão, ngày nghỉ lễ, cuối tuần hút trộm cát.

“Tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, CATP Hà Nội…, CAH Phúc Thọ đã triển khai, mở đợt cao điểm xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết bến bãi, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn huyện, đồng thời tập trung đấu tranh trong lĩnh vực này”, Đại uý Trần Mạnh Tiến nói

Đại uý Tô Xuân Hải – Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát ĐTTP về Kinh tế - Ma túy, CAH Phúc Thọ cũng thông tin thêm, đơn vị luôn coi trọng công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản (cát) trên tuyến sông Hồng chảy qua địa bàn; đơn vị cũng xây dựng nhiều kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai thực hiện.