Quận Tây Hồ (Hà Nội): Thiếu quỹ nhà tái định cư, nhiều dự án “dậm chân tại chỗ”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Chiều 10-11, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, quận Tây Hồ đã thông tin về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2020 và kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng thông tin tại hội nghị

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng thông tin tại hội nghị

Đánh giá chung về kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết, năm 2020, quận đã bước đầu thực hiện thành công nhiệm vụ kép là phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và duy trì, phát triển các hoạt động kinh tế xã hội.

Đến nay, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế xã hội cơ bản hoàn thành. Kinh tế tăng trưởng theo đúng cơ cấu dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp. Thu ngân sách vượt 132% kế hoạch dự toán năm.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, quận Tây Hồ đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Do tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch phải tạm ngừng hoạt động cho nên tình hình lao động, việc làm và đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19, quận Tây Hồ đã rà soát, hoàn thành chi trả hỗ trợ cho hơn 2.758 đối tượng (đợt 1), với tổng kinh phí 4,083 tỷ đồng…

Thông tin về những kết quả liên quan đến quy hoạch, quản lý đô thị; quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho hay, từ đầu năm đến nay, công tác quản lý trật tự xây dựng được tăng cường, trên địa bàn quận hiện có 490 công trình xây dựng, giảm hơn 22% so với năm 2019 do tác động của dịch Covid-19.

Từ việc tăng cường kiểm tra, năm 2020, quận Tây Hồ đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kết quả đã xử lý dỡ bỏ tại chỗ 155 lượt trường hợp xây dựng tồn đọng hoặc mới phát sinh có quy mô nhà tạm, móng gạch, tường bao trên đất nông nghiệp, đất lấn chiếm, bãi sông;

Tổ chức giải toả các trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép, tháp dỡ lều lán nhà tạm tại khu đất thuộc quy hoạch đô thị mới Tât Hồ Tây; tháo dỡ 9 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng khu vực Ao Thuỳ Dương (phường Quảng An).

Đề cập đến hạn chế liên quan đến công tác quản lý đất đai, GPMB, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GPMB, triển khai thu công một số dự án còn chậm so với kế hoạch; Tiến độ khắc phục, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai được các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kết luận còn chậm.

Lý giải nguyên nhân của những hạn chế trên, ông Nguyễn Lê Hoàng cho hay, do chế độ chính sách đến bù và giá đất chưa nhận được sự đồng thuận của người bị thu hồi đất.

Quỹ nhà bố trí tái định cư thiếu, một số dự án được Thành phố chấp thuận bố trí quỹ nhà nhưng chưa xong, chưa bàn giao cho đơn vị có thẩm quyền quản lý, dẫn đến khó khăn trong bố trí tái định cư, làm chậm tiến độ thực hiện dự án như dự án cải tạo môi trường vệ sinh khu dân cư mương thoát nước Thuỵ Khuê (Lapho- Cống đõ)…

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến những dự án “treo” trên địa bàn quận, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Lê Hoàng thông tin, trên địa bàn có một số dự án chưa được triển khai thực hiện. Cụ thể, dự án Sông Hồng City (nằm trên địa bàn phường Yên Phụ - Tây Hồ và Phúc Xá – Ba Đình), đây là dự án liên doanh với Singapore.

“Năm 1997, dự án này được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Hiện nay, giấy chứng nhận QSDĐ vẫn đang có giá trị. Hiện nay, quận đã có văn bản báo cáo UBND TP để có phương hướng giải quyết đối với dự án này. Cho đến thời điểm này, dự án Sông Hồng City chưa GPMB được m2 nào và chủ đầu tư cũng không tiếp tục triển khai. Quận Tây Hồ cũng rất quan tâm đến những vướng mắc tại dự án này”- Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho hay.