Huyện Thanh Trì, Hà Nội

Quan tâm, quản lý người có quá khứ lỗi lầm để chặn ‘nguồn’ tội phạm

ANTD.VN - Tốc độ đô thị hóa trên địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội diễn ra nhanh; số người ở các tỉnh về định cư sinh sống tăng kéo theo các áp lực lớn về dân số, kinh tế và xã hội; kèm theo đó là các đối tượng tỉnh ngoài đến hoạt động phạm pháp, gây khó khăn phức tạp cho công tác quản lý nhà nước về ANTT ở địa phương.

Là vùng đất nằm phía Nam thủ đô, Thanh Trì có bề dày phát triển và truyền thống văn hóa đặc sắc; bên cạnh hệ thống văn vật phong phú còn lưu giữ được với 56 cụm di tích, 2 tượng đài, đài tưởng niệm được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng, văn hóa nghệ thuật, nơi đây còn là quê hương của rất nhiều danh nhân văn hóa đất nước và cũng là nơi với nhiều sản vật nức tiếng xưa nay...

Với bề dày truyền thống đó, Đảng bộ huyện Thanh Trì luôn tập trung mục tiêu đầu tư cho văn hóa, mà trọng tâm là đầu tư cho con người; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 89%; trong y tế, 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế…

Lực lượng Công an Hà Nội luôn phối hợp, quan tâm người từng có quá khứ lầm lỗi (ảnh minh họa)

Lực lượng Công an Hà Nội luôn phối hợp, quan tâm người từng có quá khứ lầm lỗi (ảnh minh họa)

Thời gian qua, Công an huyện luôn chủ động kết hợp triển khai thực hiện các nội dung, biện pháp đồng bộ có hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm; nắm chắc tình hình ngay từ các thôn, xóm, cụm dân cư; làm tốt công tác tuyên truyền và vận động toàn dân tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội; chủ động trong công tác cảm hóa, răn đe, giáo dục đối tượng tại cơ sở.

Tình hình ANCT trên địa bàn huyện những năm qua luôn ổn định và giữ vững không để xảy ra các vụ việc đột xuất, bất ngờ. Tình hình TTATXH tuy không có những đột biến lớn, nhưng hoạt động của tội phạm và TNXH ngày càng diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, liều lĩnh; các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về ANTT ngày càng nhiều; số đối tượng trong diện quản lý đông, hàng năm trên địa bàn huyện đều tiếp nhận hàng trăm đối tượng tù tha, người được đặc xá trở về địa phương.

Các trường hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù, đặc xá trở về địa phương đều được cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể nhân dân quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ để họ tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội, góp phần đảm bảo ANTT ở địa phương. Tuy nhiên, số đối tượng trong diện quản lý đông, cùng với những bất cập trong quá trình quản lý, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng đã tác động không nhỏ đến ANTT ở địa phương.

Huyện ủy, UBND huyện Thanh Trì luôn quan tâm, chú trọng đến công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn, coi đó là vấn đề mấu chốt để phát triển kinh tế xã hội, chỉ đạo Công an huyện Thanh Trì thực hiện đồng bộ các biện pháp tiến hành đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội đảm bảo ANTT trên địa bàn, nắm chắc tình hình ngay từ các thôn, xóm, cụm dân cư; làm tốt công tác tuyên truyền và vận động toàn dân tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội; chủ động trong công tác cảm hóa, răn đe, giáo dục đối tượng tại cơ sở.

Ban Pháp chế HĐND huyện Thanh Trì tiến hành giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thi hành án treo, án phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ tại xã Từ Hiệp
Ban Pháp chế HĐND huyện Thanh Trì tiến hành giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thi hành án treo, án phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ tại xã Từ Hiệp

Huyện ủy, UBND huyện luôn quan tâm, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tạo mọi điều kiện về vật chất và tinh thần giúp đỡ người được tha tù tái hòa nhập cộng đồng có công ăn, việc làm ổn định; vận động các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm để họ ổn định cuộc sống không tái phạm tội.

Thời gian qua, CAH đã tham mưu Chủ tịch UBND huyện ban hành Kế hoạch về triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, và triển khai đến tất cả Công an các xã, thị trấn để tổ chức thực hiện.

CAH tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nghiệp vụ về công tác thi hành án hình sự và tái hoà nhập cộng đồng; tổ chức tuyên truyền, quán triệt đến tất cả lãnh đạo UBND các xã, thị trấn, Công an các xã, thị trấn và cán bộ làm công tác THNCĐ những nội dung có liên quan đến công tác THNCĐ, đặc biệt là nội dung Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023.

Cơ quan THAHS, Công an huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn, Công an các xã, thị trấn in các Pano, áp phích treo ở các khu vực đông dân cư để tuyên truyền thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg.

CAH cũng đã tham mưu Chủ tịch UBND huyện ban hành Công văn về việc tự kiểm tra, đánh giá toàn bộ công tác phối hợp, quản lý, thi hành án hình sự tại cộng đồng và tài hoà nhập cộng đồng để chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, Phòng, ban, ngành đoàn thể của huyện trong công tác phối hợp, thực hiện công tác THAHS tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng.

Đồng thời tham mưu Chủ tịch UBND huyện ban hành Công văn về việc xây dựng mô hình tái hoà nhập cộng đồng và triển khai để UBND xã Tân Triều xây dựng mô hình điểm về tái hoà nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn.

Bên cạnh đó, CAH tham mưu Chủ tịch UBND huyện ban hành Công văn về việc tự kiểm tra, đánh giá toàn bộ công tác phối hợp, quản lý, thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng và triển khai đến tất cả UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để thực hiện;

CAH đã chủ động ban hành Hướng dẫn về thực hiện Thông tư số 10/2024/TT-BCA ngày 15/3/2024 về công tác tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù của lực lượng CAND và triển khai đến tất cả Công an các xã, thị trấn để quán triệt thực hiện.

Bên cạnh thuận lợi, còn không ít hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Đó là cấp uỷ, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác này, còn giao phó cho lực lượng Công an các cấp; chưa chỉ đạo quyết liệt các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia thực hiện Quyết định số 22.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn e ngại trong việc tuyển dụng người có án tích vào làm việc, và người chấp hành xong án phạt tù không chủ động trong việc vay vốn. Chưa kể, biên chế Công an các xã, thị trấn thiếu, phải kiêm nhiệm nhiều mặt công tác khác nhau nên việc tuyên truyền, phổ biến Quyết định số 22 cho người chấp hành xong án phạt tù còn hạn chế…