Công an Hà Nội:

Quan tâm công tác quản lý, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quản lý, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù luôn được Công an thành phố Hà Nội chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện một cách cụ thể, có hiệu quả. 

Bài 2: Nhận diện để chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Quá trình thực hiện quản lý, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, lực lượng chức năng đã ghi nhận những khó khăn, hạn chế, tồn tại trong công tác tái hòa nhập cộng đồng.

Về lực lượng trực tiếp thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng; kết quả thực tế kiểm tra và qua báo cáo của Cơ quan THAHS Công an các quận, huyện, thị xã thì đội ngũ cán bộ thực hiện công tác THNCĐ còn thiếu, trình độ cán bộ chưa cao và chưa đồng đều, chưa được tập huấn chuyên sâu về công tác THNCĐ. Cán bộ, chiến sĩ phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc nên hiệu quả công tác thi hành án hình sự vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, chưa thực sự đạt được hiệu quả cao.

Đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác tái hòa nhập cộng đồng ở cấp cơ sở cần được quan tâm, đào tạo (ảnh minh họa)

Đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác tái hòa nhập cộng đồng ở cấp cơ sở cần được quan tâm, đào tạo (ảnh minh họa)

Lực lượng Công an cấp xã là lực lượng nòng cốt thực hiện công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và THNCĐ. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, lực lượng Công an cấp xã trên địa bàn Thành phố phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn. Những nhiệm vụ trên đều đòi hỏi phải huy động lớn lực lượng Công an xã và kéo dài trong một thời gian dài. Do đó, công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người trong diện cần thiết tổ chức THNCĐ trên địa bàn các xã có nhiều thời điểm chưa được quan tâm đúng mức.

Về thực hiện công tác THNCĐ; Một số cấp ủy, chính quyền địa phương có nơi, có thời điểm chưa có sự quan tâm đúng mức trong việc quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù THNCĐ, chưa làm tốt công tác động viên, giáo dục, khích lệ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Có nhiều người chấp hành xong án phạt tù còn e ngại, tự ty, không muốn tiếp xúc với cơ quan Công an, chính quyền địa phương, cộng đồng xung quanh nên việc phổ biến giáo dục pháp luật cũng gặp khó khăn nhất định.

Bên cạnh đó, kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù THNCĐ trên địa bàn các phường còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Ngoài ra, từ đầu năm 2020 đến đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid 19 trên địa bàn Thành phố Hà Nội có nhiều diễn biến phức tạp, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thành phố Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tập trung đông người nên việc tổ chức thực hiện các mặt công tác về THNCĐ gặp rất nhiều khó khăn.

“Mặc dù đã có sự quan tâm, phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân trong việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù nhưng số lượng người được nhận vào làm tại các doanh nghiệp hoặc được vay vốn để tự sản xuất, kinh doanh còn thấp”, một cán bộ chuyên trách lĩnh vực tái hòa nhập cộng đồng của CATP chia sẻ; và dẫn chứng là việc triển khai thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ở một số đơn vị còn mang tính hình thức, thiếu tính sáng tạo, năng động trong việc đề ra chủ trương, biện pháp, cách làm phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể ở từng địa bàn, việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc chưa được thực hiện thường xuyên nên hiệu quả chưa cao, ở một số địa phương còn hiện tượng giao phó cho lực lượng Công an, chưa huy động được sức mạnh của các ban, ngành, đoàn thể tham gia. Số lượng mô hình điển hình, tiên tiến về tái hòa nhập cộng đồng đã xây dựng còn hạn chế, hiệu quả hoạt động mô hình chưa cao, ít có mô hình điển hình để nhân rộng trong toàn Thành phố.

Thẳng thắn chỉ ra, nhìn nhận và đánh giá những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, để có đề xuất, biện pháp tháo gỡ; đó là quyết tâm của Công an Hà Nội. Và, một trong những “kim chỉ nam” sẽ hỗ trợ đắc lực quyết tâm này, chính là Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Thống kê hiện nay toàn thành phố có 51 người thuộc đối tượng thụ hưởng có nhu cầu vay vồn với tổng số tiền là 2.385 triệu đồng, trong đó, có 15 trường hợp đủ điều kiện vay vốn và có thể hoàn thiện hồ sơ cho vay ngay sau khi Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành (ngày 10/10/2023), số vốn dự kiến giải ngân là 800 triệu đồng.

(còn tiếp)