“Quán quân đẻ” nơi bản nghèo

ANTĐ - Với “thành tích” 43 tuổi đã làm mẹ của 16 người con, bà Lý Thị Sú, ở thôn Ngài Là Thầu, xã Lao Chải (Vị Xuyên - Hà Giang) đã trở thành “quán quân đẻ” ở bản nghèo.

Sinh nhiều để không ai bắt nạt

Đứa con út chưa rõ tên của vợ chồng bà Sú

Từ TP Hà Giang, chúng tôi phải mất hơn một giờ đồng hồ đi xe và 2 giờ đồng hồ đi bộ đường núi mới đến được thôn Ngài Là Thầu, ở xã biên giới Lao Chải. Anh cán bộ xã dẫn đường đưa chúng tôi lên núi mệt lả, kéo tay áo lau mồ hôi hổn hển: “Bản đẻ đây rồi nhưng vào nhà “quán quân đẻ” thì xa đấy, vượt qua quả núi bên kia nữa…”.

Không nản chí, chúng tôi dùng gậy chống đường mặc cho cái mệt đang cố kìm chân. Trong căn nhà nhỏ làm toàn bằng vầu già, người đàn bà 43 tuổi mà chúng tôi cứ ngỡ đã ở cái tuổi 60. Bà Lý Thị Sú tay ôm con, tay bưng khay măng đắng đứng lặng nhìn khách lạ. Bỗng bà bật tiếng: “Lâu lắm rồi à, không có ai đến chơi vì “lũ quỷ” nghịch quá…”.

Sợ chúng tôi không hiểu, bà giải thích mấy đứa con nhỏ nghịch ngợm, đem đất đổ vào ấm nước nên chẳng ai dám đến chơi, không ai dám uống cái nước, cái rượu nên nhà đông người mà vẫn buồn.

Giải thích câu hỏi vì sao mới 43 tuổi mà sinh đến 16 người con? Bà Lý Thị Sú cười tủm tỉm không nói. Bỗng, ông chồng ngồi rít thuốc lào bên bếp vọng ra: “Ngày xưa bố tao chỉ sinh được mình tao. Tao buồn lắm, không có anh em, không có người chơi cùng nên tao bảo vợ phải đẻ thật nhiều cho vui cái nhà…”. Chưa nói dứt lời, bà Sú thành thật: “Tao sinh nhiều để sau này không ai bắt nạt. Con cháu đầy nhà thì ai cũng khiếp, không ai dám đánh đâu”. Ông chồng nghe vợ nói thế thì sặc thuốc, cười khành khạch.

“Mắn đẻ nhất”

Năm 17 tuổi, bà Sú kết hôn với người cùng bản là ông Cư Seo Chớ. Thế rồi, vì cái “quá khứ buồn” của ông chồng và quan niệm “không để ai bắt nạt” của bà vợ, họ đã cùng nhau sinh sòn sòn 16 người con.

Khi chúng tôi đến chỉ còn vợ chồng ông Chớ và hai đứa con nhỏ nhất ở nhà. Tất cả đã rủ nhau lên nương hái chè. Ông Chớ chép miệng bảo: “Tao không lúc nào được yên đâu, tao phải dùng roi dọa thì chúng nó mới sợ đấy”.

Theo như vợ chồng ông Chớ, từ khi họ cưới nhau đến giờ năm nào cũng “sản xuất” ra một em bé. Được cái, đứa nào sinh ra cũng bụ bẫm đều khỏe và dễ nuôi, nhà tuy nghèo nhưng vẫn có cái nhà vầu mà ở là ấm rồi, bà Sú tâm sự.

Khi chúng tôi tỏ ý muốn biết tên từng người con trong gia đình thì ông Chớ lắc đầu nhìn vợ. Cả hai vợ chồng đều không nhớ hết tên con, chỉ nhớ mấy đứa đầu là Cư Thị Mai, Cư Seo Pao, Cư Thị Ly… còn lại thì không rõ lắm. Ngay cả đứa út đang cõng trên lưng tên gì họ cũng không nhớ.

Đem câu chuyện này đến ông Giàng Seo Chính - Bí thư Chi bộ thôn Ngài Là Thầu, ông Chính cũng lắc đầu: “Chúng tôi bảo họ thống kê hết tên tuổi các con vào giấy để quản lý nhưng họ có nhớ gì đâu mà ghi. Mà hình như cả hai vợ chồng họ đều mù chữ đấy, không biết đọc viết cái gì đâu”. Cùng ý kiến với ông Chính, trưởng thôn Ngài Là Thầu là ông Cư Seo Sàng chỉ cách gia đình ông Chớ vài bước chân nhưng cũng không nhớ hết tên các cháu chỉ vì lý do… đông quá, không nhớ được.

Thôn Ngài Là Thầu được nhiều người phong cho là “bản siêu đẻ”. Cả thôn chỉ hơn 40 hộ thì có đến gần 300 nhân khẩu. Tính sơ sơ, mỗi cặp vợ chồng có đến 4 - 5 đứa con. Và tất nhiên, dù tính ngược xuôi thế nào, tính trong bản hay cả tỉnh thì bà Sú vẫn chiếm ngôi “quán quân đẻ”, ông trưởng thôn Cư Seo Sàng khẳng định.


Nghèo nhưng vẫn “lý sự…”

Qua tìm hiểu được biết, con gái lớn của vợ chồng ông Chớ là Cư Thị Mai mới 24 tuổi nhưng cũng đã sinh được 7 đứa con. Đứa lớn vừa lên lớp một, còn đứa nhỏ nhất vừa tròn 1 tháng tuổi. Chị Mai hồn nhiên: “Mẹ mình sinh nhiều thì mình cũng phải đẻ thật nhiều chứ, muốn giống mẹ thì phải đẻ nhiều à”.

Nhưng nhà nghèo mà sinh nhiều thì lấy thóc đâu cho con cái ăn, tiền đâu cho chúng học? Tôi hỏi, Mai cười không nghĩ ngợi: “Không biết mà, chúng nó vẫn sống đấy thôi. Con chim trong rừng có ai nuôi đâu mà nó vẫn sống đấy. Mình còn phải đẻ nữa, chồng bảo cứ đẻ khi nào hết trứng thì thôi…”.

Giống với chị gái, Cư Seo Pao, SN 1989 là con trai cả của vợ chồng ông Chớ cũng đã có 3 mặt con. Theo như lời của ông Bí thư Chi bộ thôn Ngài Là Thầu, thì Pao cưới vợ sớm lắm, khi nó 15 tuổi. Ông Chính cũng khẳng định, ở bản này có nhiều đám cưới tảo hôn lắm.

Đem câu chuyện tảo hôn ở Ngài Là Thầu để tham vấn ý kiến của ông Long Hữu Phúc - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hà Giang. Ông Phúc cho biết, trên địa bàn tỉnh Hà Giang hơn chục năm nay, việc tảo hôn cho con ngày càng nghiêm trọng, trẻ em 8, 9 tuổi đã ăn hỏi (chin mai), thậm chí có trường hợp 6 tuổi đã có ăn hỏi đàng hoàng.

Ông Phúc khẳng định, nạn tảo hôn gây cản trở lớn cho việc nâng cao chất lượng dân số và đào tạo nhân lực cho địa phương nói riêng và đất nước nói chung. Theo ông Phúc, để giải quyết vấn đề này phải có sự ra tay của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh và có các giải pháp phù hợp với Luật Hôn nhân và Gia đình.

Bà ấy đẻ chứ đâu phải tôi!

Trở lại câu chuyện nhiều con của vợ chồng ông Cư Seo Chớ, ở thôn Ngài Là Thầu. Vợ ông Chớ, bà Lý Thị Sú cho rằng, đẻ được nhiều là cái phúc phận của gia đình nên dù cán bộ xã hay bản có nói gì thì mình cũng cứ đẻ. Mình đẻ rồi mình làm cho chúng nó ăn, cho chúng nó học.

Tuy nhiên, thông qua cán bộ địa phương chúng tôi được biết, hầu hết các gia đình đông con ở xã Lao Chải không được học hành. Như các con nhà bà Sú, chỉ học được đến lớp 3, lớp 4 là tự ý bỏ học lên nương rẫy hái thảo quả kiếm tiền. Vợ chồng bà Sú phân bua: “Không phải mình không cho nó học mà nó chán thì nó nghỉ, với lại nhà cũng nghèo mà…”.

Khi chúng tôi hỏi, liệu gia đình có sinh thêm em bé nữa không? Ông Chớ cười ha hả: “Có chứ, bà ấy đẻ chứ đâu phải tôi! Cứ đẻ cho đến khi nào hết trứng thì thôi…”. Phía gian nhà bên cạnh, bà Sú đang ẵm đứa con nhỏ hát ru ơi ời, tay vỗ xuống cái bụng đang ngày một to, báo hiệu cho đứa con thứ 17 sắp ra đời.