Quan niệm sai lầm và thông tin sai lệch về ung thư vú

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những quan niệm sai lầm và thông tin sai lệch về ung thư vú khiến nhiều người hoang mang, có thể làm chậm cơ hội điều trị, khiến bệnh nhanh tiến triển.

Thừa cân có thể làm tăng khả năng mắc ung thư vú?

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết nhiều yếu tố góp phần vào nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, trong đó có các yếu tố rủi ro không thể thay đổi (tuổi tác, đột biến gene, tiền sử sinh sản, tiền sử gia đình…) và những yếu tố rủi ro có thể điều chỉnh (không hoạt động thể chất, thừa cân, béo phì, dùng hormone, uống rượu...). Trong đó thừa cân hoặc béo phì (chỉ số khối cơ thể lớn hơn 25) cũng có liên quan đến các yếu tố rủi ro mắc ung thư vú. Béo phì thúc đẩy tình trạng viêm mạn tính, có thể dẫn đến tăng nguy cơ ung thư vú.

Phụ nữ nên tầm soát ung thư vú để phát hiện sớm bệnh

Phụ nữ nên tầm soát ung thư vú để phát hiện sớm bệnh

Chất chống mồ hôi có thể gây ung thư vú?

Theo Viện Ung thư quốc gia Mỹ, hiện không có nghiên cứu nào tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng chất khử mùi/chất chống mồ hôi và việc phát triển ung thư vú. Trong số các nghiên cứu cho thấy có thể có mối liên hệ nhưng số lượng phụ nữ tham gia nghiên cứu quá ít để có thể đưa ra kết luận, do đó cần có nghiên cứu bổ sung. Tuy nhiên, chị em lưu ý không sử dụng chất khử mùi hoặc chất chống mồ hôi trước khi chụp quang tuyến vú, vì các thành phần kim loại có thể xuất hiện tương tự như vôi hóa ở vú và dẫn đến hình ảnh bổ sung và lo lắng không cần thiết.

Áo ngực có gọng làm tăng nguy cơ ung thư vú?

Theo Quỹ Ung thư vú quốc gia của Mỹ, dây trong cúp áo ngực có gọng không làm hạn chế dòng chảy của chất lỏng bạch huyết, khiến độc tố tích tụ ở khu vực đó. Mặc dù áo ngực có gọng không vừa vặn (hoặc bất kỳ loại áo ngực nào) có thể dẫn đến khó chịu, đau đớn và có thể sưng tấy, nhưng điều không đúng là nó có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú (cũng như thông tin cho rằng không mặc áo ngực làm giảm nguy cơ). Ngoài ra, không có bằng chứng nào chứng minh mối liên hệ giữa ung thư vú và kích cỡ áo ngực, số giờ mặc áo ngực trung bình mỗi ngày hoặc độ tuổi bạn bắt đầu mặc áo ngực.

Chụp quang tuyến vú có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú?

Chụp quang tuyến vú vẫn là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư vú và phát hiện những thay đổi ở vú, theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư vú của Mỹ. Bởi vì chụp quang tuyến vú, kiểm tra vú thông qua nhiều hình ảnh X-quang, nhiều phụ nữ sợ rằng bức xạ phát ra từ chụp quang tuyến vú sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Thực tế không có nghiên cứu chứng minh tỷ lệ mắc ung thư cao hơn do bức xạ từ chụp quang tuyến vú định kỳ. Lợi ích của việc phát hiện ung thư sớm hơn trong quá trình chụp quang tuyến vú định kỳ vượt xa mối lo ngại về việc tiếp xúc với một lượng nhỏ bức xạ.

Túi độn ngực có thể gây ung thư vú?

Theo Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA), ulympho tế bào lớn anaplastic liên quan đến cấy ghép vú là loại ung thư hiếm gặp này thường phát triển trong chất lỏng hoặc mô sẹo xung quanh mô cấy. Mặc dù vậy, phụ nữ nếu có nhu cầu nâng ngực, cần lưu ý khuyến cáo của FDA là nên thận trọng với bất kỳ túi nâng ngực nào, thông báo bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường nào cho bác sĩ phẫu thuật hoặc đến cơ sở y tế. Ngoài ra, cần lưu ý việc cấy ghép vú có thể khiến việc phát hiện ung thư vú bằng chụp quang tuyến vú trở nên khó khăn hơn, đó là lý do tại sao Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến nghị nên tìm một cơ sở có kinh nghiệm chụp quang tuyến vú ở phụ nữ có cấy ghép vú để có được hình ảnh rõ ràng hơn.

Đậu nành làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú?

Chưa có nghiên cứu nào trên người cho thấy mối liên hệ giữa việc ăn đậu nành và mắc bệnh ung thư vú. Thực tế, các nghiên cứu được thực hiện trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng isoflavone tăng cường sự phát triển của các tế bào ung thư vú và thúc đẩy các khối u ung thư vú ở chuột. Tuy nhiên, những nghiên cứu này không được thực hiện ở người và các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm không được sử dụng để đưa ra các khuyến nghị về chế độ ăn uống cho mọi người. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng chuột chuyển hóa đậu nành khác với con người.

Chỉ cần xét nghiệm máu có thể phát hiện ung thư vú

Những thông tin chỉ xét nghiệm máu để phát hiện ung thư vú là không chính xác. Để chẩn đoán một người có mắc ung thư vú hay không, cần thực hiện các bước cơ bản: Khám lâm sàng, chỉ định xét nghiệm máu, siêu âm tuyến vú, chụp X-quang tuyến vú và sinh thiết nếu cần. Xét nghiệm máu chỉ là một trong rất nhiều chỉ định cần thiết để đưa ra kết luận bạn có bị mắc ung thư vú hay không. Vì vậy, hãy lựa chọn cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để thăm khám, giúp bạn có kết quả chẩn đoán chính xác.