Quản lý trật tự xây dựng ở Hà Nội: Hơn 30 năm mong ngóng được chính danh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sau hơn 30 năm xuất hiện và hoạt động ở Hà Nội, lực lượng Quản lý trật tự xây dựng đô thị ở Thủ đô (tiền thân là Thanh tra xây dựng) vẫn đang trong tình trạng “thí điểm”. Được đánh giá là lực lượng nòng cốt trong giữ gìn trật tự xây dựng ở Hà Nội, lực lượng này vẫn mong chờ ngày được chính danh.

Sau nhiều lần thay đổi mô hình tổ chức theo các cơ chế, chính sách khác nhau, lực lượng Quản lý trật tự xây dựng đô thị ở Hà Nội đang hoạt động thí điểm theo quy định tại Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg (ngày 22/06/2018) và Quyết định số 35/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đáng nói, mô hình hiện tại sẽ chỉ thí điểm tới 10/8/2023 là… hết hạn. Vì thế, câu chuyện sắp tới lực lượng có tiếp tục được duy trì và sẽ hoạt động theo mô hình như thế nào, đổi mới hay giữ nguyên bắt đầu nóng trở lại.

Sáng 1/2/2023, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá lại 5 năm triển khai mô hình thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại Hà Nội.

Hoạt động hơn 30 năm vẫn… thí điểm

Cho biết lực lượng quản lý trật tự xây dựng ở Hà Nội đã xuất hiện từ những năm 90 thế kỷ trước, ông Nguyễn Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì nói: “Tới nay, lực lượng này đã có hơn 30 năm hoạt động mà giờ vẫn thí điểm, chỉ chuyển từ mô hình này sang mô hình khác. Chúng ta không bỏ được nó vì lực lượng này thực sự quan trọng đối với chính quyền cơ sở trong quản lý trật tự xây dựng đô thị”.

Ông Vũ Tuấn Trung, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng quận Hoàn Kiếm kể: “Quận Hoàn Kiếm vừa kỷ niệm 35 năm thành lập lực lượng quản lý trật tự xây dựng (ra đời từ năm 1987). Qua các giai đoạn hoạt động với nhiều mô hình khác nhau, chúng tôi luôn được ghi nhận là nòng cốt, quan trọng trong quản lý trật tự xây dựng đô thị”.

Xử lý "cắt ngọn" một công trình vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội

Xử lý "cắt ngọn" một công trình vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội

Hơn 4 năm, giảm 4.331 trường hợp vi phạm

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng, sau 4,5 năm thí điểm tổ chức hoạt động theo Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg, số cán bộ, công chức, lao động hợp đồng của 30 Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại Hà Nội (tính tới 1/10/2022) là 981 người, giảm khá nhiều so với thời điểm nhận bàn giao (chuyển đổi mô hình) gần 4 năm trước (1.393 người).

Dù người ít đi nhưng theo tổng hợp của Sở Xây dựng, sau khi triển khai mô hình thí điểm, công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị tại Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực. Các công trình xây dựng đã được kiểm tra, kiểm soát; vi phạm được phát hiện kịp thời.

Trong 4 năm thực hiện mô hình thí điểm (từ ngày 10/8/2018 đến 10/8/2022), các Đội Quản lý TTXD đô thị quận, huyện, thị xã thuộc Hà Nội đã kiểm tra 76.170 công trình; phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 2.811 trường hợp có vi phạm (chiếm tỷ lệ 3,69%). UBND cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 2.328 trường hợp vi phạm (455 trường hợp cưỡng chế phá dỡ; 1.579 trường hợp tự khắc phục vi phạm; 24 trường hợp hoà giải, bồi thường; 270 trường hợp đã được cấp mới, bổ sung, điều chỉnh giấy phép xây dựng; đang giải quyết xử lý theo thẩm quyền 483 trường hợp).

Cũng trong giai đoạn này, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã triển khai 30 cuộc thanh tra, 347 cuộc kiểm tra; ban hành 324 quyết định xử phạt (với hành vi xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch...) với số tiền trên 10,5 tỷ đồng.

Ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp từng bước được nâng cao. Các công trình vi phạm dần được giảm thiểu về số lượng và quy mô vi phạm. Cụ thể, so với cùng kỳ 4 năm trước khi thí điểm, tỷ lệ công trình có phép, miễn phép trên địa bàn thành phố tăng 2,9%; tỷ lệ số công trình có vi phạm trên tổng số công trình xây dựng giảm 5,13% (từ 8,82 xuống 3,69%). Số lượng công trình có vi phạm giảm 4.331 trường hợp (từ 7.142 còn 2.811 trường hợp).

Lãnh đạo Sở Xây dựng đánh giá, mô hình hiện tại đã tạo sự thống nhất, tập trung, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND các quận huyện, thị xã về quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn; thuận lợi cho công tác đánh giá, bổ nhiệm nhân sự; có sự tham gia giám sát, phối hợp công tác của các cơ quan, đơn vị theo nguyên tắc 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả)…

Dù vậy, do đây là mô hình thí điểm nên thành phố gặp khó trong việc sắp xếp bộ máy và hoạt động theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cũng vì thế, tổ chức bộ máy của lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị không ổn định, không được quy định trong luật, dẫn tới nhiều cán bộ, công chức tâm tư, không được ổn định về tâm lý. Thanh tra viên đã được bổ nhiệm trước đây, hiện đang công tác tại các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị không được hưởng phụ cấp, không có thẩm quyền xử phạt…

“Việc thí điểm kéo quá dài tạo tâm lý không yên tâm công tác đối với cán bộ quản lý trật tự xây dựng đô thị” – ông Nguyễn Đình Hoa, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ nói.

Bỏ hay giữ? Sẽ chuẩn hóa bằng luật?

Bàn về tương lai của lực lượng quản lý trật tự xây dựng sau thời điểm 10/8/2023, đại diện các quận, huyện của Hà Nội đều nhấn mạnh sự cần thiết của lực lượng này đối với chính quyền cơ sở.

Ông Bùi Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông nói: “Chúng tôi cho rằng, cần sớm chấm dứt thí điểm để chuẩn hóa lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị. Thành phố cần sớm báo cáo, đề xuất với Chính phủ để sau ngày 10/8/2023, lực lượng này tiếp tục hoạt động bình thường, tránh rơi vào cảnh gián đoạn như từng xảy ra trước đây”.

Từ góc độ cơ quan tham mưu của UBND TP, Sở Xây dựng Hà Nội nêu quan điểm: “Căn cứ tình hình thực tiễn và các quy định pháp luật liên quan, sau ngày 10/8/2023 có thể tổ chức, sắp xếp lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị theo hướng, thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục mô hình thí điểm cho tới khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành, đồng thời Luật này có quy định cho phép Hà Nội được thành lập các cơ quan đặc thù nằm ngoài quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện”.

Đánh giá mô hình thí điểm hiện tại cơ bản phù hợp với thực tế, ông Chu Hồng Uy, Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đồng tình việc cần sớm đề xuất bổ sung quy định về một tổ chức hành chính dành cho với lực lượng này vào Luật Thủ đô (sửa đổi) để các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị tiếp tục hoạt động đúng quy định.

Ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) kể: “Có người hỏi tôi là có giải tán các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị không? Tôi tin là không ai bỏ đâu, không giải tán gì hết, chỉ đơn thuần là phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy cho phù hợp, đúng bản chất tên gọi thôi…”.

“Chúng tôi ủng hộ mô hình hiện tại. Bản chất của lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị là hoạt động kiểm tra thường xuyên, gắn với chính quyền cơ sở, như tai mắt để có thể phản ứng được ngay khi phát hiện vi phạm chứ công trình rải khắp 30 quận huyện, thị xã thì thanh tra Sở quản làm sao xuể? Ngay cả khi trách nhiệm thuộc Sở thì có về cơ sở kiểm tra cũng phải vào làm việc với xã, phường” - ông Đinh Văn Minh nói.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, Sở sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến của các đại biểu, trên cơ sở đó, Sở Xây dựng và Sở Nội vụ hoàn thiện báo cáo tổng kết, đánh giá hiệu quả, làm rõ mô hình, chức năng nhiệm vụ để báo cáo UBND TP Hà Nội, đề xuất Thủ tướng Chính phủ mô hình quản lý trật tự xây dựng tiếp theo sau ngày 10-8-2023.