Quản lý riêng người tâm thần phạm tội khi chữa bệnh bắt buộc là cần thiết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi ANTĐ đăng bài ‘Bỗng dưng mất mạng bởi người tâm thần, làm sao để tránh rủi ro’, nhiều bạn đọc bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của Bộ Công an về việc quản lý riêng người tâm thần phạm tội khi chữa bệnh bắt buộc .

Có đối tượng lợi dụng chữa bệnh để bỏ trốn, tiếp tục gây án

Mới đây, Bộ Công an đã đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ xây dựng Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 64/2011/NĐ-CP về thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh với đối tượng phạm tội có bệnh tâm thần.

Theo Bộ Công an, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định 64/2011 đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập. Do vậy, việc ban hành nghị định thay thế là cần thiết.

Bộ Công an cũng cho rằng, đối tượng bị mắc bệnh tâm thần gây án vừa có yếu tố bệnh lý vừa có yếu tố tội phạm. Trong khi đó, cán bộ chuyên môn của Bộ Y tế chỉ có chuyên môn về công tác khám, điều trị bệnh, hạn chế trong công tác quản lý đối tượng có yếu tố tội phạm.

Tuy nhiên, Luật Thi hành án hình sự, Nghị định 64 đang quy định không được phân biệt đối xử đối với người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Do đó, cơ sở giám định, điều trị không có hành lang pháp lý và chưa đủ điều kiện vật chất để bố trí khu điều trị riêng đối với các đối tượng này nhằm tránh để các đối tượng tấn công, bắt làm con tin, đe dọa nhân viên y tế và người thân của nhân viên để đòi hỏi theo ý người bệnh.

Luật hiện nay quy định ‘không được phân biệt đối xử’ có thể dẫn đến trường hợp đối tượng được nghỉ phép về nhà, được gặp người thân, được người nhà vào buồng bệnh chăm sóc, được sử dụng điện thoại di động dẫn đến tình trạng lợi dụng việc đi giám định, chữa bệnh tâm thần để có cơ hội tiếp xúc, thông cung và đối phó với cơ quan tiến hành tố tụng.

Thậm chí có trường hợp đã lợi dụng chính sách không được phân biệt đối xử để trốn khỏi nơi bắt buộc chữa bệnh và tiếp tục phạm tội - luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích.

Người tâm thần doạ chém người bị lực lượng chức năng khống chế kịp thời

Người tâm thần doạ chém người bị lực lượng chức năng khống chế kịp thời

Để giải quyết những bất cập trên, Bộ Công an đề xuất quy định không phân biệt đối xử trong điều trị nhưng phải có chế độ quản lý riêng của Bộ Y tế đối với người bị bắt buộc chữa bệnh.

Cụ thể, Bộ Công an đã đưa ra 2 phương án. Phương án 1, quy định người bị bắt buộc chữa bệnh có chế độ điều trị, quản lý khác so với những người bị bệnh tâm thần khác.

Theo đó, đối tượng được quản lý theo chế độ riêng, không gian riêng, dễ cho cơ sở bắt buộc chữa bệnh theo dõi, quản lý, không để đối tượng trốn, không để đối tượng có cơ hội gây khó khăn cho hoạt động điều tra của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Phương án 2, quy định rõ đối với những người bị áp dụng bắt buộc chữa bệnh thì không phân biệt đối xử trong điều trị, còn quản lý thì theo chế độ riêng của Bộ Y tế.

Sau khi đánh giá tác động, Bộ Công an lựa chọn phương án 2 và đưa vào dự thảo nghị định sửa đổi. Theo luật sư Thu, đề xuất này hoàn toàn hợp lý và cần thiết.

Cần quy định rõ thế nào là ‘khỏi bệnh’

Ngoài nội dung trên, một bất cập khác là Nghị định 64 quy định chỉ có 5 đơn vị được tiếp nhận, quản lý và điều trị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh gồm Viện Giám định pháp y tâm thần trung ương, BV Tâm thần trung ương 1, BV Tâm thần Đà Nẵng, Phân viện Giám định pháp y tâm thần phía Nam, BV Tâm thần trung ương 2.

Trong khi hiện nay, Bộ Y tế đã thành lập nhiều trung tâm giám định pháp y tâm thần cấp khu vực được đầu tư cơ sở vật chất cũng như đội ngũ chuyên môn có khả năng tiếp nhận, điều trị.

Do đó, cần bổ sung thêm các trung tâm giám định pháp y tâm thần khu vực có khả năng đáp ứng việc điều trị bắt buộc vào dự thảo nghị định.

Ngoài ra, với quy định liên quan đến kết quả giám định người bị bắt buộc chữa bệnh, việc sử dụng từ ngữ chuyên môn ‘khỏi bệnh’ là chưa phù hợp, bởi một số bệnh tâm thần sau quá trình điều trị đã có tiến triển và tình trạng bệnh đi vào ổn định mà không có khả năng chữa trị tuyệt đối (khỏi bệnh).

‘Quy định trên gây khó khăn cho cơ sở điều trị bắt buộc chữa bệnh và khiến một số đơn vị không đến nhận đối tượng do cơ sở điều trị không kết luận khỏi bệnh’ - luật sư Thu nhận định.

Một số vướng mắc khác cũng được Bộ Công an chỉ ra tại Nghị định 64/2011, như việc cơ sở y tế được giao trách nhiệm chủ trì trong việc truy tìm nếu đối tượng bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn.

Song, đội ngũ cán bộ, nhân viên, y tế không có chuyên môn về hoạt động này, quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình truy tìm cũng chưa phù hợp.

Do đó, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác truy tìm đối tượng bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn, từ đó xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên.