Quản chặt thực phẩm nhập khẩu

(ANTĐ) - Từ hôm nay 1-7, quy định của Bộ NN&PTNT về siết chặt kiểm tra ATVSTP đối với các sản phẩm nhập khẩu (NK) nguồn gốc từ thực vật chính thức có hiệu lực.
Nhiều năm nay, cánh cửa giao thương giữa Việt Nam và các nước đã được mở rộng, nhưng các mặt hàng rau, củ quả NK còn bị bỏ ngỏ về kiểm soát độ an toàn. Hầu hết các trạm kiểm dịch tại cửa khẩu, kiểm dịch rau, củ quả chỉ dừng lại ở cảm quan và sâu dịch hại, còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản ra sao thì dường như bó tay.
Tất cả hàng hóa nhập khẩu nguồn gốc thực vật sẽ phải kiểm tra ATVSTP 
 Tất cả hàng hóa nhập khẩu nguồn gốc thực vật sẽ phải kiểm tra ATVSTP
Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng… là nơi trung chuyển và tiêu thụ khối lượng lớn các sản phẩm thực vật NK, trong đó chủ yếu là hoa quả tươi. Từ lâu, người tiêu dùng rất nghi ngại về độ ATVSTP của các loại hoa quả NK này. Theo thống kê sơ bộ, chỉ riêng tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, mỗi ngày có từ 15-20 xe, ngày cao điểm từ 80-100 xe hoa quả NK vào thị trường nội địa. Chất lượng của các sản phẩm này ra sao; mức độ ATVSTP thế nào... thì ngay cả cơ quan chức năng cũng không dám khẳng định. Để quản chặt nhóm sản phẩm này, từ hôm nay 1-7-2011, các loại hàng hoá có nguồn gốc thực vật như nho, quả thuộc chi cam quýt, rau tươi, khoai tây, cà chua… NK sẽ được kiểm tra ATTP chặt chẽ. Nhiệm vụ này sẽ được triển khai tại tất cả các cửa khẩu trên cả nước. Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV, Thông tư 13 quy định, hàng hóa NK phải được lấy mẫu tại địa điểm do cơ quan kiểm tra quyết định, có 2 phương thức kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm. Đối với kiểm tra thông thường, sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng theo tần suất tối đa đến 10% tùy theo mức độ rủi ro của hàng hóa. Việc lấy mẫu được thực hiện bất kỳ trong số các lô hàng kiểm tra NK. Lô hàng kiểm tra được phép làm thủ tục thông quan, không chờ kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu ATTP. Đơn vị kiểm tra sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng theo tần suất 30% khi phát hiện 1 lô hàng kiểm tra trước đó vi phạm nghiêm trọng quy định về ATTP; tần suất 100% khi phát hiện 2 lô hàng kiểm tra liên tiếp trước đó vi phạm nghiêm trọng quy định về ATTP. Trong trường hợp phải kiểm tra chặt, chủ hàng phải tự bảo quản hàng hóa và chỉ được thông quan khi có chứng nhận về ATTP do cơ quan kiểm tra cấp hoặc được cơ quan kiểm tra cho phép. Do sức ép về thời gian nên việc lấy mẫu vẫn phải đảm bảo cho thông quan trong vòng 24 tiếng. Tuy nhiên, để kiểm tra ATVSTP, từ lúc lấy mẫu, kiểm tra phân tích, đến lúc báo kết quả cho DN cũng phải 3 - 4 ngày. Để tạo điều kiện cho các DN NK, ông Hồng cho biết, khi lấy mẫu kiểm tra, hàng hóa không nhất thiết phải giữ lại. Ngoài ra, Thông tư 13 cũng quản lý chặt quá trình di chuyển của hàng hóa vào trong nội địa. “Từ trước tới nay, hàng hóa NK vào nội địa thường không kiểm soát được sẽ đi đâu, về đâu. Nhưng nay, quá trình này sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn, lô hàng NK sẽ đi về địa phương nào phải khai báo và thông báo cho chi cục BVTV sở tại biết”, ông Hồng nói. Cũng theo ông Hồng, trong trường hợp phát hiện lô hàng vi phạm về ATVSTP, cơ quan chức năng sẽ xử lý và tăng cường các biện pháp kiểm tra chặt chẽ, lô hàng có thể tiêu huỷ, bắt tái chế, thay đổi mục đích sử dụng. Nếu vi phạm nghiêm trọng, sẽ tạm đình chỉ NK với các loại hàng hoá đó. Kiểm tra ATVSTP hàng hóa có nguồn gốc từ thực vật NK chỉ là một trong những biện pháp giúp người tiêu dùng từng bước tiếp cận thực phẩm sạch. Trong tương lai, Bộ NN&PTNT sẽ áp dụng biện pháp phòng vệ từ xa là kiểm tra tại gốc từ những nước có nhu cầu XK nông sản vào Việt Nam. Hiện nay, hầu hết các nước đã tiến hành kiểm tra ATTP hàng hóa có nguồn gốc thực vật NK như một hàng rào kỹ thuật. Việt Nam cũng áp dụng trên cơ sở các nước, vừa chặn thực phẩm “bẩn”, vừa tạo “nếp” cho các nhà SX trong nước hướng đến SX an toàn.