Quái như… “cát tặc”

ANTĐ - Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hùng từng chứng kiến sự tàn phá ghê gớm của “cát tặc”. Đó là doi cát rất rộng thuộc địa bàn xã, giữa dòng sông Đuống kề sát cầu Phù Đổng; vậy mà chỉ trong vài tháng đã biến mất.

Đủ chiêu trá hình

Vài lần chạm trán với “cát tặc” tại trụ sở một số đơn vị chức năng, khi số này bị đưa về xử lý bởi hành vi khai thác tài nguyên trái phép, tôi thấy họ hiền khô, thậm chí có phần nhút nhát, nói năng lí nhí, có “cát tặc” còn không biết chữ. Đa phần số trường hợp bị xử lý đều ở tỉnh ngoài về, là anh em, có khi là mấy thành viên trong cùng gia đình. Ấn tượng về họ, có lẽ chỉ là nước da đen nhẻm, loang loáng màu sóng nước.

Trong cuốn sổ nhật ký của Trung tá Nghiêm ghi lại công tác xử lý tàu hút cát trái phép trên sông Hồng và sông Đuống, tôi đọc được ngót nghét 20 vụ, từ giữa năm 2012 trở lại đây. Tàu bé cũng vài chục tấn, tàu to lên đến cả trăm tấn. Có vụ, Đội CSKT CAH Gia Lâm bắt liên tiếp 2 tàu hút trộm cát, cách nhau chỉ vài chục mét. Đây chỉ là kết quả đấu tranh của riêng CAH Gia Lâm, chưa kể kết quả khác của những lực lượng cũng có trách nhiệm chống cát tặc, là CSGT đường thủy, Cảnh sát môi trường. Số vụ việc tăng, cùng với sự gia tăng tính chất phức tạp. Nếu như mấy năm trước, tàu hút trộm cát chỉ có tải trọng 20, 30 tấn, với 1 hoặc 2 bộ hút công suất như đầu máy xe công nông; thì hiện tại, đã có cả tàu lớn được huy động, tải trọng lên đến cả trăm tấn. Nếu như trước, “cát tặc” thường sử dụng tàu không số, tàu đã hết hạn đăng kiểm để đi khai thác cát trái phép, thì nay, họ trá hình thành tàu cá hay tàu chở hàng. “Thậm chí cả tàu cuốc, phương tiện vốn chỉ những doanh nghiệp nguồn vốn lớn mới có thể đầu tư, sử dụng khai thác cát hợp pháp, cho năng suất cao, thì bây giờ cũng đã có “cát tặc” mạnh dạn đầu tư”, thông tin được Thiếu tá Trần Anh Dũng - Đội trưởng Đội Cảnh sát Môi trường CAQ Long Biên chia sẻ.

Bắt “cát tặc”, không đơn giản, nhất là khi việc hút trộm cát diễn ra ban đêm. Còn ban ngày, dễ dàng phát hiện hành vi hút trộm cát, nhưng cấp xã lại không có phương tiện để ra giữa dòng. Biện pháp “xử lý” phổ biến của cán bộ chức năng xã, là đứng trên bờ, huơ tay… đuổi tàu cát. Hoặc nơi nào dân bức xúc quá, cùng lắm cũng chỉ dừng ở việc ném đá đe dọa. Tất nhiên trong nhiều tình huống, xã điện thoại báo tin lên lực lượng chức năng của huyện. Nhưng Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát môi trường huyện cũng đâu sẵn tàu, thuyền, lại phải huy động. Có hôm ra đến nơi thì tàu hút trộm cát đã đi mất. Chỉ huy Đội CSKT CAH Gia Lâm kể, có lần trinh sát vừa leo lên được thuyền của “cát tặc”, thì đột ngột nghe tiếng “ùm, ùm”. Lên đến boong tàu, tuyệt không thấy bóng người. Chạy ngó xung quanh, cách đó mấy mét đám “cát tặc” đang bơi như rái cá, nhất quyết không chịu lên tàu hợp tác. Rút kinh nghiệm vụ đó, trinh sát lần sau lên được tàu ngay lập tức tìm cách khống chế đường thoát thân của “cát tặc”. “Vâng, chúng em chấp hành, nhưng sao thế này, lạ thật”, tay “cát tặc” vận hành máy mặt mũi đỏ như gà chọi, ra sức khởi động nhưng máy tàu không chịu nổ mà chầm chậm trôi về hạ lưu…

Nguy cơ hiện hữu

Sự biến mất của doi cát trên sông Đuống, thuộc địa phận xã Phù Đổng năm nào, cũng trùng với thời điểm mà thành phố có những chỉ đạo quyết liệt đối với huyện Gia Lâm, quận Long Biên, “đánh” mạnh nạn khai thác cát trái phép, bảo vệ sự an toàn cho công trình trọng điểm cầu Phù Đổng. Cơ quan quản lý lo, người dân bức xúc, nhưng cánh “cát tặc” vẫn phớt lờ. Mố cầu, chân đê, bờ vở các dòng sông, nơi nào có cát là họ thả vòi hút. Phù Đổng, Lệ Chi (Gia Lâm), Ngọc Thụy, Thượng Thanh (Long Biên), Đại Mạch (Đông Anh), Thượng Cát (Từ Liêm)… đến mấy địa bàn này hỏi chuyện người dân về tình trạng sạt lở bờ, bãi ngay cả khi không phải mùa nước, họ cũng chỉ rõ một trong những thủ phạm gây ra là “cát tặc”. Chỉ huy đội CSGT số 2 - Phòng CSGT đường thủy CATP Hà Nội dẫn chứng sinh động khác, là sự thay đổi chóng mặt của luồng tuyến hai trục sông Hồng, sông Đuống, đoạn qua địa phận Hà Nội. Hàng ngày, hàng tuần, lực lượng CSGT đường thủy phối hợp với đơn vị quản lý đường sông số 6 (phụ trách tuyến sông Hồng, sông Đuống), đều phải rà soát, cắm mới luồng tuyến để tàu thuyền đi qua không bị mắc cạn. Đi trên mấy cây cầu Vĩnh Tuy, Long Biên, Thanh Trì, dễ dàng bắt gặp hệ lụy khác của “cát tặc”, là sự nham nhở của dòng, đáy sông mùa này. Sự biến đổi đó thực sự là những cạm bẫy khi con nước tràn về, nhất là với những bác tài ít kinh nghiệm sông nước.

(Còn nữa)