Qua sông như… làm xiếc, UBND xã chỉ biết… nhắc nhở

ANTĐ - Từ khi có “cỗ máy đặc biệt”, thời gian qua sông của người dân thôn Mai Châu (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội) ra bãi giữa sông Hồng được rút ngắn đáng kể, việc vận chuyển phân bón, sản phẩm nông sản của nhiều hộ gia đình cũng có nhiều thuận lợi. Tuy vậy, loại phương tiện này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

“Cỗ máy đặc biệt” để qua sông của người dân thôn Mai Châu

“Cỗ máy đặc biệt”

Theo người dân sống tại địa phương, nếu như thời gian vượt sông bằng thuyền  phải mất hàng chục phút, chưa kể đến những khó khăn, nguy hiểm khi vào mùa nước lên thì từ khi có “cáp treo”, họ qua sông chỉ mất vài phút. “Cỗ máy đặc biệt” này do một số hộ dân trong thôn tự chế tạo từ các vật liệu có sẵn của những chiếc xe máy hỏng, cột bê tông, dây cáp... Máy chạy bằng xăng, gồm các bộ phận chính như tay ga, cần số, bàn đạp và được lắp đặt thêm hệ thống phanh tay, số lùi, cáp treo, máy điều khiển, giá đỡ, trụ chống…

Địa điểm đặt máy là ở bãi đất rộng hai bên bờ sông. Điểm chốt là những đầu dây buộc chặt vào cọc bê tông được chôn sâu xuống đất ở hai bên bờ. Chỗ ngồi trên “cáp treo” là một tấm  sắt buộc dây bốn góc treo lên cáp giống như chiếc xích đu. Các dây cáp được căng ngang dòng sông, một đầu nối với bánh đà của động cơ xe máy đồng thời treo giá đỡ ở các dây này. Khi có người ngồi lên, ở bờ bên này, người điều khiển cáp nổ máy tăng ga, động cơ hoạt động khiến bánh đà quay, sợi dây chuyển động theo chiều của cần số đã gài sẵn kéo theo giá đỡ dịch chuyển.  Người điều khiển 1 tay giữ ga, 1 tay giữ phanh, điều chỉnh tốc độ bằng cách tăng hay giảm ga. Khi khách sang đến bờ bên kia,  chủ cỗ máy chỉ cần dùng cần gạt tắt máy. Quá trình di chuyển tương tự như đi cáp treo. Tuy vậy chỗ người ngồi chỉ là tấm ván, không có thành bảo vệ nên khi cáp di chuyển nhanh sẽ xoay khá mạnh, người ngồi trên đó nếu không bám chắc sẽ có nguy cơ bị rơi xuống sông.

Lâu rồi thành quen(!?)

Được biết toàn thôn Mai Châu hiện có tất cả 3 “cỗ máy” được lắp đặt ở 3 điểm khác nhau. Những cỗ máy này phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển phân bón, nông sản của người dân từ bên này bờ sông sang bãi canh tác và ngược lại. Trung bình mỗi ngày có hàng chục lượt người dân đi làm qua sông bằng “cỗ máy” này. 

“Ban đầu ngồi trên máy qua sông tôi cũng hơi run nhưng lâu dần thành quen. Tuy nhiên, nhờ có chiếc máy này, việc vận chuyển hoa quả, nông sản cũng rất thuận tiện, không bị dập nát như trước. Chúng tôi mong những cỗ máy này được bảo dưỡng thường xuyên để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc” - chị Nguyễn Thị T - một người dân địa phương chia sẻ.

Về vấn đề trên, ông Vương Ngọc Chi - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Mạch cho biết việc người dân dùng cáp treo để qua sông xuất phát từ nguyện vọng của chính họ. Tuy vậy, để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân, UBND xã  nhắc nhở các cá nhân, hộ gia đình thường xuyên kiểm tra dây cáp và động cơ, nếu phát hiện có dấu hiệu bị cũ mòn phải lập tức thay mới. Bên cạnh đó tại vị trí người ngồi phải có thành cao để đảm bảo không bị rơi xuống sông khi cáp vận hành”.