Quả bom WikiLeaks
(ANTĐ) - Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã phải chấn động trước những thông tin mật vô cùng nhạy cảm liên quan tới các hoạt động ngoại giao của Mỹ mà trang web WikiLeaks công bố ngày 28-11.
Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange lại một lần nữa cho công bố các tài liệu mật của Mỹ |
Dù đã được các nhà ngoại giao Mỹ “rào trước” song lãnh đạo nhiều quốc gia vẫn không khỏi bất ngờ trước những thông tin mà WikiLeaks tiết lộ công khai. Có thể nói nội dung 250.000 văn thư ngoại giao của Mỹ đã phơi bày những thông tin đầy nhạy cảm và “tế nhị” vốn chỉ được lưu truyền “nội bộ” ngành ngoại giao Mỹ.
Theo tiết lộ của WikiLeaks được đồng loạt đăng trên các nhật báo lớn nhất thế giới như Thời báo New York của Mỹ, Người bảo vệ của Anh hay Der Spiegel của Đức, Quốc vương Arabia Saudi Abdullah bin Abd al-Aziz cùng các nhà lãnh đạo Israel và nhiều đồng minh khác của Mỹ từng hối thúc Washington tấn công quân sự nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran.
Cũng vì lo sợ uranium tinh chế từ các lò phản ứng hạt nhân của Pakistan lọt vào tay khủng bố mà tình báo Mỹ đã tìm cách bí mật tháo dỡ nguyên liệu hạt nhân khỏi các lò phản ứng của đồng minh.
Tờ Thời báo New York trích dẫn tài liệu của WikiLeaks cho biết, tình báo Mỹ tin rằng Iran đã sở hữu hàng chục tên lửa BM-25 hiện đại với tầm bắn 3.000 km có thể tấn công nhiều Thủ đô ở châu Âu.
Cho rằng những tên lửa này có nguồn gốc từ CHDCND Triều Tiên nên Washington đã yêu cầu Trung Quốc ngăn chặn những chuyến hàng chuyển giao các bộ phận tên lửa từ Triều Tiên tới Iran.
Giới ngoại giao Mỹ cũng tỏ ra nghi ngờ chính quyền Tổng thống Hamid Karzai mà họ hậu thuẫn tại Afghanistan là một chính thể tham nhũng và buôn lậu ma tuý.
Nhận định này xuất phát từ việc Cơ quan Chống ma túy của Mỹ phát hiện Phó Tổng Thống Afghanistan Ahmed Zia Massoud khi đến thăm Các tiểu vương quốc Arập năm 2009 đã mang theo người tới 52 triệu USD tiền mặt.
Tờ Người bảo vệ công bố các văn thư ngoại giao khác cho thấy giới chức Mỹ đã được lệnh bí mật theo dõi các nhà lãnh đạo tại LHQ theo một chỉ thị được ký tên Hillary Rodham Clinton năm 2009. Trong hàng trăm nghìn tài liệu mật của Mỹ, có rất nhiều văn thư đề cập tới các nhà lãnh đạo trên thế giới như nhà lãnh đạo Libya Moamer Kadhafi, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy...
Thậm chí trong đó, một nhà ngoại giao Mỹ còn miêu tả Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi là “cẩu thả, tự phụ và là một nhà lãnh đạo châu Âu thiếu hiệu quả thời hiện đại”.
Công chúng, vốn chỉ quen với những hình ảnh hào nhoáng cùng cái bắt tay và nụ cười thường trực trong các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo Mỹ với lãnh đạo thế giới, đã thật sự bị sốc trước những thông tin mà WikiLeaks tiết lộ. Phía sau của những cái bắt tay và nụ cười ấy là những sự thật trần trụi của Mỹ cũng như trong quan hệ của Mỹ với nhiều quốc gia khác.
Chính vì thế mà sức tàn phá của vụ việc này thật ghê gớm, lớn hơn nhiều lần so với 2 lần công bố những tài liệu mật về các cuộc chiến Afghanistan và Iraq. Nói như thừa nhận của Người phát ngôn Robert Gibbs, những thông tin này có thể gây ảnh hưởng sâu sắc không chỉ tới lợi ích chính sách đối ngoại của Washington mà còn tác động tới đồng minh và bạn bè của Mỹ trên toàn thế giới.
Hoàng Tuấn