- "Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy"
- Chặn nguồn phát sinh tội phạm, đánh sập các tụ điểm ma túy
- Máu đổ giữa thời bình, để bớt đi những vùng đất dữ
Đại úy Bùi Thị Hạnh trong một cuộc họp nghiệp vụ với Đội CSĐT tội phạm về ma túy CAQ Đống Đa
Đại úy Bùi Thị Hạnh bảo, là nói vui tếu táo thế thôi chứ thú thực đôi lúc nghĩ cũng chạnh lòng. Đã là phụ nữ thì ai cũng muốn hướng về gia đình, con cái. Nhiều lúc ngập lụt trong các vụ án, không có thời gian chăm sóc chồng con, nhìn sang nhà người khác thấy các bà vợ cơm dẻo canh ngọt cho gia đình, tự mình cũng thấy tủi thân ghê gớm. Nhưng nghĩ đi thì cũng nghĩ lại, không làm thì thôi, còn đã chọn cái nghề này thì phải cố gắng đến cùng. “Cũng may, ở nhà chồng luôn sẵn sàng chia sẻ gánh vác “hậu phương” nên tôi mới có điều kiện công tác được”, nữ cảnh sát chống ma túy chia sẻ.
Nghề chọn người…
Nếu ai lần đầu tiếp xúc hẳn không thể nghĩ người phụ nữ luôn có nụ cười rụt rè, bẽn lẽn này là một khắc tinh của tội phạm ma túy tại CAQ Đống Đa. Nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Đại úy Hạnh cười: “Thực ra tôi cũng chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ trở thành lính ma túy đâu. Nhưng có lẽ là nghề chọn người. Ngày mới ra trường được phân về CAQ, các lãnh đạo bảo, Đội ma túy đang thiếu người, thôi cứ cho về đấy tạm một thời gian để rèn luyện. Thế là rèn luôn từ lúc đó đến bây giờ, cũng hơn 10 năm rồi đấy”.
“Trong số 4 vụ án của tôi được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen thì có một vụ hồi năm 2016. Vụ này khá lớn vì đơn vị thu được hàng nghìn viên ma túy tổng hợp từ các đối tượng và bản thân tôi đã làm rõ được toàn bộ lời khai của đối tượng cầm đầu đường dây là Hoàng Thúy Hằng quê ở Quảng Ninh. Dù kẻ phạm tội phải trả giá vì pháp luật luôn công bằng với tất cả mọi người. Nhưng mỗi khi nghĩ đến cô gái này, nghĩ đến những đứa con nheo nhóc không người chăm bẵm khi mẹ đi thụ án, không hiểu sao tôi cứ nghĩ đến con mình và cảm thấy rất xót xa cho lũ trẻ”.
Đại úy Bùi Thị Hạnh (Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, CAQ Đống Đa, Hà Nội)
Người ta vẫn bảo, trong ngành Công an, cực nhất là hình sự và ma túy không sai chút nào. Hạnh về hôm trước thì hôm sau được huy động ngay vào một vụ khó nhằn. Số là đúng hôm đó đơn vị đang tập trung phá một chuyên án mua bán chất ma túy. Hồ sơ, tài liệu đã xong, mẻ lưới đã được giăng sẵn, công việc của các trinh sát là bám sát đối tượng và đợi thời cơ để... cất vó. Yêu cầu nhiệm vụ là phải bắt quả tang, nhanh, gọn, không được để xảy ra thương tích.
Hôm ấy, cô sinh viên Hạnh mới ra trường được giao nhiệm vụ đóng giả đôi tình nhân cùng một đồng nghiệp ngồi uống cà phê rồi tản bộ dọc Văn Miếu đến gần nửa đêm. “Phải nói là lúc ấy tôi run lắm, suốt mấy tiếng đồng hồ mai phục, đầu óc lúc nào cũng căng ra để nghĩ các tình huống bất thường và tự đưa ra phương án xử lý nên thấy thời gian trôi rất nhanh” - Đại úy Hạnh nhớ lại.
Thế rồi cuối cùng đối tượng cũng xuất hiện. Mới nhìn qua thì ai cũng nghĩ đó là một đôi vợ chồng thong dong dạo phố như bao người bình thường, chỉ có điều là họ luôn đảo mắt quan sát xung quanh với dáng vẻ bồn chồn. Đến đúng khu vực Quốc Tử Giám, cặp vợ chồng nọ dừng lại bên vỉa hè, lúc ấy xuất hiện một thanh niên cũng từ đâu tiến lại. Họ trao nhau một gói gì đó dưới tán cây khuất ánh đèn. Không ai để ý đến đôi tình nhân đang tay trong tay tản bộ từ hướng ngược lại.
Đúng lúc gói đồ kia được cất vào túi thì cặp tình nhân buông tay nhau ra rồi đồng loạt nhào tới khiến cả 3 đối tượng ngỡ ngàng đến mức không kịp phản ứng. Cô sinh viên Hạnh bẻ quặt tay người vợ ra phía sau trong khi nam đồng nghiệp đi cùng bập “tách” chiếc còng số 8 vào tay gã chồng. Cũng chỉ vài giây tiếp theo, các mũi trinh sát hóa trang gần đó cũng ập lại trong sự chết trân của nhóm đối tượng đang mua bán ma túy. Vụ bắt giữ gọn đến mức người đi đường còn chẳng kịp hiểu điều gì đang xảy ra.
Ngay lập tức, tất cả các đối tượng được đưa về trụ sở CAQ, nhưng công việc chưa phải đã hết. Lần đầu tiên Hạnh được phân công khai thác nóng đối tượng nữ để mở rộng điều tra. Hai giờ đồng hồ sau, dựa trên lời khai khai thác được, CAQ Đống Đa đủ cơ sở để bắt tiếp 2 đối tượng khác là đầu nậu buôn bán ma túy của Hà Nội.
Cho tới khi kết thúc công việc Hạnh mới thở phào, nhưng nhìn đồng hồ đã chỉ 5h30 sáng. Mọi người lại lục tục thay quân phục để chuẩn bị cho cuộc họp giao ban đầu giờ. “Vậy là trắng một đêm. Bây giờ nhắc lại chuyện cũ, anh em trong đơn vị vẫn gọi đó là vụ án để tôi “súc miệng”, thử xem khả năng của cô sinh viên chuyên ngành điều tra thế nào. Cũng may là vụ đầu tiên tôi không bị vấp” - Hạnh nói.
Và những câu chuyện buồn vui
Chừng ấy thời gian theo các vụ án ma túy, đến bây giờ chính bản thân Đại úy Hạnh cũng không nhớ nổi mình đã tham gia phá bao nhiêu vụ, bắt bao nhiêu đối tượng. Việc đi đêm về hôm của chị đến nay đã thành quen trong cái gia đình bé nhỏ. Lũ trẻ cũng không còn khóc đòi mẹ mỗi khi đêm về mà chỉ còn mỗi người cha với tiếng nựng con.
Hạnh nói với tôi, nhưng có lẽ cũng là để tự an ủi mình: “Chồng tôi từ khi yêu nhau hồi sinh viên đã biết đến tính chất công việc của ngành Công an nên không bao giờ trách móc vợ. Bố tôi thậm chí còn ủng hộ công việc của con gái. Ông xuất thân là lính nên cách nghĩ cũng rất bộ đội. Hậu phương như thế mà mình công tác không nên hồn thì còn ra làm sao?”.
Trong 10 năm công tác, nhờ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên Hạnh đã dành được sự tín nhiệm của cấp trên và được bổ nhiệm làm Phó Đội trưởng. Năm 2017, chị còn vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về các thành tích trong công tác phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên đằng sau những vinh dự ấy, người nữ Đội phó cũng còn nhiều những trăn trở ẩn khuất đầy xót xa về chính các đối tượng của mình.
Giọng Hạnh chợt chùng xuống: “Trong số 4 vụ án của tôi được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen thì có một vụ hồi năm 2016. Vụ này khá lớn vì đơn vị thu được hàng nghìn viên ma túy tổng hợp từ các đối tượng và bản thân tôi đã làm rõ được toàn bộ lời khai của đối tượng cầm đầu đường dây là Hoàng Thúy Hằng quê ở Quảng Ninh. Dù kẻ phạm tội phải trả giá vì pháp luật luôn công bằng với tất cả mọi người. Nhưng mỗi khi nghĩ đến cô gái này, nghĩ đến những đứa con nheo nhóc không người chăm bẵm khi mẹ đi thụ án, không hiểu sao tôi cứ nghĩ đến con mình và cảm thấy rất xót xa cho lũ trẻ”.
Giữa năm 2016, sau khi lập chuyên án và tổ chức theo dõi, CAQ Đống Đa đã bắt giữ được Hằng. Thế nhưng khi được đưa về trụ sở, Hằng ngang nhiên tuyên bố, kể cả có chết công an cũng đừng hòng moi được chút lời khai nào của cô ta. Thậm chí khi gặp cán bộ hỏi cung, Hằng nhơn nhơn thách thức hoặc giở bài: không khai, không biết và im lặng. Lừa lúc cán bộ không để ý, Hằng còn lao đầu vào tường dọa tự sát khiến cán bộ chỉ biết lắc đầu.
Cuối cùng đối tượng được giao cho Đại úy Hạnh. Nghiên cứu hồ sơ của Hằng, Đại úy Hạnh mới biết cô ta đang phải nuôi 5 đứa con, 1 đứa cháu. Gia cảnh của đối tượng cũng hết sức bi đát. Mẹ buôn ma túy và đang đi tù, em thì ngáo đá đến mức phải nhập viện tâm thần, chồng cũng là dân lưu manh khét tiếng.
Khi chưa bị bắt, một mình Hằng phải cưu mang cái đại gia đình ấy bằng cách đi buôn ma túy kiếm tiền. Nay vào trại, chắc những “toa tàu” phía sau kia sẽ mất chỗ dựa. Nhưng hành vi vi phạm pháp luật không có chỗ cho sự bao biện. Nắm chắc về đối tượng, Đại úy Hạnh bắt đầu công việc của mình. Và sau 4 giờ đồng hồ làm việc, từ một kẻ rắn mặt nhất trong đường dây ma túy bị bắt, Hằng đã tự nguyện khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội cũng các đối tượng liên quan.
Vụ án được khép lại, kẻ gieo rắc cái chết phải trả giá. Nhưng sau niềm vui hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và báo cáo kết quả với cấp trên thì người lính lại trở về với vai trò của một người mẹ. Và những người mẹ thì lúc nào cũng nghĩ đến những đứa trẻ để rồi lại thổn thức với trái tim của chính mình.