Phương pháp xử án có một không hai của Vua Tự Đức

ANTĐ - Vua Tự Đức là vị vua nổi tiếng về vốn kiến thức văn hóa lẫn kinh tế. Ông cũng là người trực tiếp xử nhiều vụ án. Những phương pháp xử của ông độc đáo khiến nhiều người ngỡ ngàng. Kẻ phạm tội cũng tâm phục khẩu phục nhưng nhiều quan lớn trong triều đình cũng mang lòng ấm ức. Dù còn nhiều những thị phi, xong không thể phủ nhận ông đã đóng góp một phần công sức không nhỏ cho một giai đoạn nhất định của lịch sử triều đại phong kiến Việt Nam.

Phương pháp xử án có một không hai của Vua Tự Đức ảnh 1Vua Tự Đức (ngồi) trong một phiên xử quan đại thần

Cảm hóa bằng thơ không được thì quyết liệt xử nghiêm

Vua Tự Đức có thời gian trị vì từ năm 1847 đến 1883. Trong quãng thời gian đó, có không ít biến cố lịch sử cũng như những dấu mốc đáng ghi tạc đã xảy ra. Triều đại của ông đánh dấu nhiều biến đổi với vận mệnh Đại Nam. Trong tài liệu chính sử về thời kỳ triều đại vua Tự Đức có đoạn chép lại dòng tâm sự của vua Tự Đức rằng: “Bao nhiêu trận chiến, bao nhiêu kế sách, bao buổi thiết triều đều có thể nhẹ nhàng qua đi nhưng nỗi niềm làm ta phải trằn trọc nhiều đêm không yên giấc đó là vụ án Hồng Bảo. Đường đường là vua một nước mà có lúc cũng phải yếu mềm trước một tội đồ, khi không muốn sự bất an để lại trong lòng muôn dân”. Sau khi xử xong vụ án Hồng Bảo này, từ nỗi niềm đó, vua Tự Đức còn trút ra nhiều câu thơ đầy tính thế sự.

 Nguyễn Hồng Bảo (còn có sách chép là Nguyễn Phước Hồng Bảo) là con trai trưởng của vua Thiệu Trị và quý phi Đinh Thị Hạnh. Nguyễn Phúc Hồng Nhậm-tức vua Tự Đức là con thứ hai. Theo lệ thường thì Hồng Bảo sẽ được lập ngôi thái tử và nối dõi ngai vàng. Nhưng từ nhỏ, Hồng Bảo chỉ thích ham chơi, không tu rèn kinh sử. Trong khi đó người em trai của mình là Hồng Nhậm lại cần mẫn và có trí mưu cầu việc lớn. Thế nên trước khi băng hà, vua Thiệu Trị âm thầm lập di chúc truyền ngôi báu cho Hồng Nhậm. Quá bất mãn trước bản di chúc của vua cha, Hồng Bảo đã lập mưu đồ lật đổ em trai của mình là vua Tự Đức. Sau khi lôi kéo nhiều bè phái, Hồng Bảo âm mưu sang phương Tây để cầu cứu thêm sự trợ giúp. 

Điều tra chính xác điều này, vua Tự Đức đã “xử” Hồng Bảo bằng cách dùng 106 câu thơ nói về tính nhân nghĩa của vua-tôi, của tình máu mủ để cảm hóa. 3 tên phản nghịch theo Hồng Bảo khi ấy là Trần Phúc, Lê Trùng, Nguyễn Lực cũng được vua Tự Đức cảm hóa bằng lòng nhân từ. Suốt buổi xử tội, ông đều dùng ngôn ngữ để khuyên răn. Không những thế, vua Tự Đức còn ban cho những người mắc sai lầm này vàng bạc châu báu để cuộc sống ổn định và quay lại phục vụ triều đình.

Đã được ân chuẩn, tha cho tội phản nghịch và ban cho bổng lộc nhưng vài năm sau đó, Hồng Bảo lại tiếp tục cũng các bè phái của mình lật đổ vua Tự Đức. Tiếp tục dùng thơ để cảm hóa. Nhưng xét thấy, khó có thể cải tà quy chính được những phần tử này nên vua Tự Đức đã quyết định tru di tam tộc với các đại thần phản nghịch lần thứ hai. Riêng với Hồng Bảo thì không cho mang họ Nguyễn nữa, xem như không còn dòng dõi. Sau đó ông cho xây riêng một ngục thất để nhốt Hồng Bảo suốt đời. Về cách xử vụ án này, trong sách Đại nam thập lục có ghi: Các quan trong triều đều muốn xử chém ngay nhưng vua Tự Đức vẫn dùng thơ để cảm hóa trước, không được mới quyết liệt xử sau. Đó là vào năm Giáp Dần 1854. Hồng Bảo không sửa chữa mà còn mưu phản nghịch. Khi bị giam vào ngục đã thắt cổ tự vẫn. Còn trai, con gái của Hồng Bảo đều bị tước hết bổng lộc, chức tước. Những kẻ dự mưu cùng Hồng Bảo như Tôn Thất Bật, Đào Trí Phú… không hối cải, vua đã cho ngồi đối thoại để nhận ra lỗi lầm nhưng vẫn lao vào bụi tối nên bị lăng trì xử tử, tịch thu mọi gia sản, nô tì…”  

Tiếp tục sau đó, Tôn Hải là một võ tướng cũng phạm tội phản nghịch. Nhưng không như các ông vua khác mang ra chém ngay mà vua Tự Đức gọi Tôn Hải đến dùng cơm cùng nhà vua sau đó bắt Tôn Hải phân tích rõ lí do phạm tội rồi mới xử. Trong các vụ xử này, có lẽ với Hồng Bảo là vua Tự Đức nhói buốt tâm can nhất vì đó chính là anh em ruột của mình. Trong lúc cho an táng Hồng Bảo ông có ngâm hai câu thơ rằng: Ngọt bùi sao chẳng cùng san sẻ/ Mà nỡ đau thương cốt nhục này… Sau này hậu thế và nhiều người chép sử cũng đánh giá rất sâu sắc và ấn tượng về cách xử án thấu tình này của vua Tự Đức.

Phương pháp xử án có một không hai của Vua Tự Đức ảnh 2Lăng Tự Đức tráng lệ như một công viên

Không phân biệt hèn-sang khi định tội

Nhiều dấu ấn của vua Tự Đức để lại trong việc xử án nữa là tuyệt đối không phân biệt sang-hèn khi luận tội. Một trong những vụ án nổi tiếng là “Dân phá cửa quan”. Cậy là quan to trong triều, Nguyễn Lương Thành ra sức ức hiếp dân và còn phá nhiều hoa viên của các thương gia ven kinh thành. Kiện mãi không được, những người dân này bèn dùng đến kế phá lại nhà quan. Khi Nguyễn Lương Thành tính cấp tốc mang quân đến để trừng trị các vị dân sơ, vua Tự Đức biết chuyện đã hạ chỉ cho Bộ hình xử lí cho hai bên hòa nhau và ra cáo thị, không được quấy nhiễu lẫn nhau nữa. 

Một vụ án khác nữa là vụ “Chó cắn hạc vua”. Trong tiệc sinh nhật của mình, vua Tự Đức được hoàng đế nhà Thanh (Trung Quốc) tặng cho một con hạc quý, biết nghe mọi lời nói của người nuôi. Nhà vua rất thích và còn phong tước “Hạc hoàng tử”. Một ngày, hạc quý đi lạc khỏi cung cấm bị chó nhà dân cắn chết. Ban đầu nghe sàm tấu của các quan rằng; phải xử chết người chủ nuôi chó. Quan nhị phẩm Phạm Đan Quế vốn là người chính trực khi biết chuyện oái oăm đã cản lại và dâng lên vua Tự Đức một bản tấu rằng; Hạc chăng biết nói/ Chó không biết chữ thánh hiền/ Hạc vào nhà dân/ Chó ở chung với chủ/ Nên ắt phải canh nhà cho chủ/ Chim, thú đánh nhau/ Tối sáng không rõ/ Chó cắn chết hạc/ Sao tội lại quy cho chủ/ Nếu hạc mổ chết chó/ Tội xử làm sao/ Sang - hèn cũng cần thấu lí… Nghe xong bản tấu, như thấy lòng mình sáng ra, lập tức vua không xử tội gia đình người chủ có chó cắn chết hạc quý nữa. 

Năm 1871, trong cuộc chiến chống lại quân Pháp xâm lăng bờ cõi, nhiều hoàng thân được cử ra trận thất bại đều được vua Tự Đức luận tội và xử một cách công minh. Quan án sát Ninh Bình là Phạm Đăng Tuấn cũng liên tục thất trận. Có 21 bản sớ tâu lên vua hãy chém đầu Phạm Đăng Tuấn. Trước sức ép của các quan quân, vua Tự Đức vẫn cho lệnh triệu Phạm Đăng Tuấn về cung. Khi về đến cung Phạm Đăng Tuấn dẫn thêm đứa con gái của mình. Đứa con gái này một mực xin tha cho cha. Để làm yên lòng các quan đại thần khác, vua Tự Đức đã mở cuộc xử tội công khai. Nhưng ông lại thiên về phân tích thế trận của kẻ địch mạnh hơn, Phạm Đặng Tuấn từng có nhiều công trạng. Cuối cùng ông quyết định tha tội chết và đày Phạm Đăng Tuấn lên biên ải phía Bắc. 

Điều đặc biệt nữa là trong nhiều vụ xử án của mình, chính những bản tấu can dán kịp thời và chí lí của các viên quan được vua Tự Đức xem đó là một tiêu chí để đánh giá nhân tài. Trong vụ án “hải tặc” nhiều tên phản nghịch câu kết với kẻ gian ngoài nước phá vùng Quảng Nam-Quảng Ngãi. Quan quân triều đình, ai cũng hèn nhát không muốn bày tỏ kế sách để quân sư cho vua. Lúc này, viên quan Trần Duy Nhượng đã dâng lên một bản tấu dài gần một vạn chữ khuyên nhà vua nên xử mềm mỏng để giữ lấy tình hòa hảo bang giao. Thấy có lí, vua liền ban cho Trần Duy Nhượng được thăng chức. Trong bản chiếu của mình, vua Tự Đức nói: “Ta nghĩ rằng: Chọn người phục vụ chính quyền, hãy tra sổ sách chép công cán. Cân nhắc tài năng̣ để đặt vào địa vị, nên xét cái năng lực xử việc. Xét ngươi Trần Hưng Nhượng: Văn học xem đủ; Tài khí đáng dùng; Vốn có mưu cơ, biết làm, biết giữ, thuật quyền chính nắm đà thật hợp. Thêm nết thanh liêm, cẩn thận, chăm chỉ, kẻ làm quan gương đáng nên soi. Làm việc mẫn cán, bao nhiêu công lao tích đọng. Thẻ bài xứng đáng giơ cao chốn sân đình. Vậy cho đặc thụ chức Phụng nghị đại phu Hộ bộ thưởng lộc Thanh lại ty, Viên ngoại lang”.