Hoàng hậu Nam Phương
Mảnh đất thiêng sản sinh ra người đẹp
Những biến cố của cuộc đời cùng bao năm tháng gian khổ của chiến tranh đã qua đi, rất lâu. Thế nhưng, đến giờ trong ký ức của ông Nguyễn Văn Các (92 tuổi) sống bên dòng sông Tiền này thì mảnh đất Tiền Giang vẫn có một sức mạnh riêng. Từ xưa, người ta tin vào chính mạch nguồn của dòng sông này đã tắm gội và sản sinh ra những thiếu nữ đẹp nức tiếng xứ miệt vườn. Niềm tin này càng được củng cố khi chính mảnh đất này có nhiều bà hoàng và đệ nhất phu nhất.
Ông Các tâm sự rằng: sông Tiền hay còn gọi là sông Mĩ Tho ngày xưa mạch nước luôn trong veo, không hề có gợn đục. Ngày ấy người ta chỉ việc ra sông múc nước về uống chứ chẳng cần đun nấu gì cả. Những cái giếng được người dân đào để sử dụng đều có mạch chảy từ sông vào, lọc qua những lớp đất cát nên rất ngọt lành. Từ nhỏ, các thiếu nữ Tiền Giang đã đắm mình tắm táp trên dòng sông này nên có làn da mịn màng và quyến rũ hơn các vùng đất khác. Sau này người ta không còn ra sông tắm nhiều nữa, nhưng nguồn nước trong giếng cũng là từ sông cả thôi”. Cụ Trần Văn Bảo còn tin rằng; mảnh đất này thiêng lắm vì nhà ai cũng có tục thờ thổ địa và thần sông với ước mong những người sinh ra ở đây được khỏe mạnh, nhất là các thiếu nữ. Thế nên chẳng bao giờ có chuyện con gái xứ Gò Công này muộn hay ế chồng cả.
Nhiều người lớn tuổi ở Tiền Giang cũng khẳng định với tôi rằng, ai đến đây du lịch mà không bớt chút thời gian đắm đuối với sông Tiền thì chuyến đi đó mất đi rất nhiều ý nghĩa. Suốt hai cuộc chiến tranh, sông chứng kiến hàng trăm trận càn quét của kẻ thù. Giờ, bao năm sau ngày hòa bình, ngoài vai trò minh chứng cho lịch sử, dòng sông còn chở trên mình những nét văn hóa đặc sắc của địa phương với các hoạt động lễ hội rất ý nghĩa, kể cả những cuộc buôn bán bên sông. Nét đẹp này ngày càng trở nên sống động. Nhìn từ phía nào, sông Tiền cũng mê đắm, quyến rũ lòng người. Có lẽ, cũng bởi quá yêu dòng sông nên sáng nào hai bên bờ, người ta cũng ngồi kín bên các quán cà phê để chiêm nghiệm sự thanh bình, để nhớ về một thời đã đi qua nhưng chưa bao giờ trôi vào quên lãng.
Bà hoàng Từ Dụ
Các bà hoàng đi vào thiên sử và lời khuyên Bảo Đại thoái vị
Cũng bởi niềm tin này mà nhiều người già ở Tiền Giang cho rằng để có vẻ đẹp mê đắm nhà vua thì chính các bà hoàng ở Tiền Giang cũng đã có hàng trăm lần đắm đuối cùng mạch nguồn tươi mát của sông Tiền. Đầu tên đó là Hoàng Thái hậu Từ Dụ. Ông Nguyễn Khoa, người chuyên nghiên cứu về văn hóa các tỉnh miền Tây cho rằng: bà hoàng Từ Dụ sau này được người ta đọc chệch thành Từ Dũ. Từ nhỏ, Từ Dũ cũng đã không ít lần tắm trên sông Tiền. Từ Dũ tên thật là Phạm Thị Hằng (sinh năm 1810, tại Gò Công). Từ lúc tấm bé, Từ Dũ đã nổi tiếng là cô gái ngoan hiền và biết cả một số nghề thủ công như thêu thùa. Đây là một trong những cô gái hiếm hoi thạo nghề này vào thời điểm đó.
Cũng bởi đức tính này nên Từ Dũ trưởng thành trước tuổi. Chớm bước sang tuổi 15 bà đã thành một thiếu nữ đẹp nức tiếng. Lúc này, trong một lần tình cờ cùng cha bà ra kinh thành Huế chơi, bà ngay lập tức lọt vào tầm ngắm và được tuyển làm phi cho Hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông, con Vua Minh Mạng. Do tính nết hiền hậu nên bà rất được hoàng tử ân sủng, chẳng bao lâu sinh ra Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, chính là Vua Tự Đức sau này. Năm 1841, Hoàng tử Miên Tông lên ngôi bà được phong làm Nhất giai phi. Sau bao thăng trầm, sau khi Vua Miên Tông băng hà, năm 1849, bà lên ngôi Hoàng Thái hậu. Năm 1883, vua Tự Đức băng hà, bà tiếp tục được phong lên chức Thái Hoàng Thái hậu.
Ông Nguyễn Cao Chung, một người họ hàng xa xôi của bà hoàng Từ Dũ bộc bạch, các đời vua đều rất tôn quý bà, nhất là Vua Tự Đức. Hàng trăm lần bà đã khuyên các vị vua tránh những việc làm sai trái và gây hại cho dân. Do nổi tiếng thương dân, một lòng vị tha nên hiện nay Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh chính là đặt theo tên của bà.
Sau này cũng bên dòng sông Tiền này, Vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam cũng đã bị mê đắm bởi vẻ đẹp của cô thiếu nữ Nguyễn Hữu Thị Lan - chính là Nam Phương Hoàng Hậu sau này. Sống bên sông Tiền, ăn uống từ mạch nguồn nước sông Tiền, Nguyễn Hữu Thị Lan cũng thông minh từ nhỏ. Năm 13 tuổi, Nguyễn Hữu Thị Lan được gia đình cho sang Pháp học tại trường Couvent des Oiseaux. Sau đó ít lâu, khi bước vào tuổi 19 bà đoạt giải Hoa hậu Đông Dương với các tiêu chí nhân từ và hiền hậu. Quá mê đắm, nhớ nhung trước vẻ đẹp này của Thị Lan, năm 1934, Vua Bảo Đại đã vượt qua mọi rào cản từ những người trong hoàng tộc quyết định rước bà về cung đình Huế làm Hoàng hậu. Là người có trí thức Tây học lại nhận diện được thời cuộc nên khi biết cách mạng đang ngày càng mạnh lên, sự tồn tại của chế độ phong kiến đã không còn phù hợp nên đã có trên 5 lần Nam Phương Hoàng hậu một mực khuyên Bảo Đại nên thoái vị. Sau nhiều ngày nghiền ngẫm, cuối cùng Bảo Đại đã nghe theo lời Nam Phương Hoàng Hậu trao kiếm và ấn cho cách mạng.
Căn nhà của đệ nhất phu nhân cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở Tiền Giang
Những phu nhân giản dị
Sau hai bà hoàng nổi tiếng trên, cũng bên dòng sông Tiền này còn sản sinh ra hai một phu nhân giản dị và tài đức vẹn toàn. Ở huyện Châu Thành hiện nay hầu như ai cũng truyền tụng đức tính giản dị, bao dung mà sắc sảo của cô giáo giỏi Tiền Giang hồi đó, bà Đoàn Thị Giàu. Trong những năm tháng hoạt động cách mạng gian khổ, Chủ tịch Tôn Đức Thắng cảm động trước sự tận tình giúp đỡ cũng như đức tính bao dung, chu đáo của bà nên đã quyết định cưới làm vợ. Sau khi trở thành phu nhân Chủ tịch Tôn Đức Thắng, bà Giàu vẫn miệt mài đi làm từ thiện và rất gần gũi với những người dân lao động ở Tiền Giang.
Ông Trần Văn Nam, một cán bộ cách mạng đã nghỉ hưu ở huyện Châu Thành nhớ lại: Hồi đó tôi còn rất trẻ, mới chừng 16 tuổi, cô giáo Giàu không những dạy học giỏi mà đối với chúng tôi còn như một người hướng dẫn, định hứng và “tiếp lửa” tinh thần cách mạng nữa. Ai cũng quý mến đức tính của bà. Đặc biệt lòng chung thủy của bà dành cho nhà cách mạng Tôn Đức Thắng (khi chưa làm Chủ tịch nước) đến giờ vẫn làm nhiều người tâm phục. Nhiều năm bặt tin chồng, có lúc còn nhận được tin độc địa của quân địch là chồng đã bị bắn chết ở Côn Đảo. Thế nhưng ai nói gì bà vẫn một lòng nuôi con và chờ đợi đằng đẵng suốt gần 30 năm. Mãi đến năm 1954 bà mới có được những ngày trọn vẹn ở bên chăm sóc cho Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, năm 1974 bà qua đời do bệnh nặng.
Bên dòng sông Tiền hiền hòa này, thời chiến tranh còn có một phu nhân có vẻ đẹp đài các của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu. Bà chính là Nguyễn Thị Mai Anh. Ông Nguyễn Khoa cho rằng, bà Mai Anh có được vẻ hồn hậu cũng bởi ảnh hưởng từ nếp sống của những người sống bên sông Tiền. Ngày ông Thiệu làm lễ tôn bà ấy làm đệ nhất phu nhân rất rình rang. Khác với ông Thiệu, bà Mai Anh có lối sống rất giản dị, không ít lần đã đã mạnh dạn khuyên ông Thiệu nên đầu từ bỏ những hành động tội ác của mình nên người dân cũng đã rộng lòng lượng thứ cho bà ấy khi về làm phu nhân của Thiệu.
Đánh thức những vẻ đẹp và lòng bao dung
Như một cách ôn lại các nét đẹp của những bài hoàng và các đệ nhất phu nhân xưa, hàng năm những người dân bên dòng sông Tiền đều tổ chức các buổi giao lưu để ôn lại các đức tính của các bà. Đặc biệt, tại xã Long Hưng, thị xã Gò Công vẫn còn di tích Lăng Hoàng Gia là nơi yên nghỉ của những người quá cố thuộc dòng họ Phạm Đăng - tổ tiên của Hoàng Thái hậu Từ Dũ. Cách di tích này không xa có một chiếc giếng do chính bà hoàng Từ Dũ khai hoang và góp phần khơi đào, nay quanh năm nước ngọt trong vắt. Người dân, nhất là các thiếu nữ thường đến múc nước về uống. Họ tin, uống nước này sẽ được bà hoàng ban cho thêm nhiều nét quyến rũ, hồn hậu.
Thật bất ngờ khi rất nhiều thiếu nữ bên dòng sông này đều thuộc làu các quy tắc về công-dung-ngôn-hạnh của người phụ nữ xưa. Cảm xúc về sông Tiền về nét đẹp của những bà hoàng xưa như ăn sâu vào nếp nghĩ, luôn thường trực trong tiềm thức của họ. Họ bảo, sông Tiền chính là nơi để họ thương, họ nhớ như nhớ về ngôi nhà thân thiết của chính mình vậy. Dường như khi đó, sông Tiền đã hóa thành một sinh thể chứ không còn là tự nhiên nữa, có người đi xa nhớ quá, lâu lâu lại quay về nhìn ngắm như ngắm người tình vậy.