- Hơn 3.000 cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập huyện xã chưa được giải quyết chế độ
- Đề xuất quy định mới về trợ cấp với cán bộ dôi dư sau sáp nhập huyện, xã
![]() |
Từ nay tới năm 2025, cả nước sẽ có 52 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.037 đơn vị cấp xã thuộc diện phải sắp xếp |
Bộ Nội vụ vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Theo dự thảo, tiêu chuẩn của huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng là dân số 120.000, diện tích 450 km2. Với xã vùng cao, tiêu chuẩn dân số là 5.000, diện tích từ 50 km2; xã đồng bằng là dân số 8.000, diện tích từ 30 km2.
Bộ Nội vụ đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã có đồng thời hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định.
Đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định cũng thuộc diện sắp xếp, sáp nhập.
Tiếp theo đến năm 2030, sẽ hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% hoặc dưới 300% quy định.
Trong giai đoạn này, đối với những đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích và quy mô dân số dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định... cũng thuộc diện sắp xếp, sáp nhập.
Theo tính toán của Bộ Nội vụ, từ nay tới năm 2025, dự kiến sẽ có 52 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.037 đơn vị cấp xã trên cả nước thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập.
Bộ đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc soạn thảo, trình dự thảo nghị quyết theo thủ tục rút gọn đồng thời với quá trình xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.