Phúc thẩm vụ án Tàng Keangnam, thêm đối tượng nhận án tử

ANTD.VN - Sau 3 ngày xét xử tại Trại Tạm giam – CAT Bắc Ninh, chiều 24-3, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết về vụ án Tráng A Tàng (tức Tàng Keangnam) cùng đồng bọn. 

Cụ thể, với tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy”, theo khoản 4, Điều 194-BLHS, Tráng A Tàng (SN 1982, tức Tàng Keangnam), Tráng A Nếnh (SN 1991, em nuôi Tàng Keangnam), Giàng A Chờ (SN 1971, Phó bản Lũng Xá), Giàng A Nhà (SN 1984, em vợ Tàng), Sùng A Lánh (SN 1974), Sồng A Nếnh (SN 1973), Vũ Văn Lâm (SN 1968) và Tráng A Mùa (SN 1971) cùng bị tuyên phạt mức án tử hình.

Các bị cáo tiếp theo là Giàng Thị Sua (SN 1984, vợ Tàng), Tráng A Chư (SN 1958, bố đẻ Tàng Keangnam) cùng bị HĐXX phúc thẩm tuyên phạt mức án chung thân cùng về tội danh trên. Riêng Tráng A Ký (SN 1972) đã bị TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên tổng mức hình phạt là tử hình cùng với một bản án khác cũng về tội danh ma túy nhưng không có kháng cáo nên không được cấp phúc thẩm xem xét. 

Tráng A Tàng (tức Tàng Keangnam) tại phiên tòa phúc thẩm

Đặc biệt, Lương Thị Thảo (SN 1979) – đối tác xuyên suốt của Tàng Keangnam trong quá trình mua bán trái phép chất ma túy diễn ra một thời gian dài, tuy không kháng cáo song vẫn bị đưa ra xét xử tại phiên tòa phúc thẩm do có kháng nghị của cơ quan truy tố, theo hướng tăng nặng mức hình phạt.

Và kết thúc 3 ngày xét xử liên tục, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định chấp nhận kháng nghị của VKS khi tăng nặng hình phạt của Lương Thị Thảo từ mức án chung thân lên tử hình về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Như vậy, sau 2 cấp tòa xử Tàng Keangnam cùng đồng phạm thì số lượng bị cáo bị tuyên phạt mức án cao nhất lên tới 10/12 bị cáo.    

Trước khi lần lượt áp dụng các mức án nghiêm khắc nêu trên, TAND Cấp cao tại Hà Nội nhận định, mặc dù hầu hết kháng cáo của các bị cáo là kêu oan và Tráng A Tàng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, song không có căn cứ để chấp nhận. Do đó, cần thiết phải bác kháng cáo của các bị cáo, đồng thời giữ nguyên hình phạt tại bản án sơ thẩm. 

Bởi lẽ căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai của Lương Thị Thảo cùng các chứng cứ thu thập có đủ cơ sở để khẳng định, các bị cáo đã buôn bán số lượng ma túy đặc biệt lớn và diễn ra trong một thời gian dài. Hoạt động tội phạm của các bị cáo cấu kết rất chặt chẽ. Mặt khác, các đối tượng tham gia đường dây ma túy của Tàng phần lớn có quan hệ huyết thống, họ hàng với nhau. 

HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa ra các phán quyết về vụ án Tàng Keangnam cùng đồng phạm

Cụ thể, trưa 26-7-2013, tại quốc lộ 1 A, thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh, lực lượng công an phát hiện, bắt quả tang Tráng A Tàng, Tráng A Nếnh và Giàng Thị Sua vận chuyển trái phép 265 bánh heroin tới Bắc Giang để bán cho Lương Thị Thảo. Mở rộng vụ án, CQĐT lần lượt bắt giữ thêm 9 đối tượng liên quan.

Và theo tài liệu điều tra có đủ cơ sở xác định, từ tháng 6-2009 đến khi bị triệt phá, Tráng A Tàng cùng đồng bọn đã mua bán tổng cộng 1.791 bánh heroin và hơn 550 viên ma túy tổng hợp. Trong 13 lần mua bán ma túy với nhau, Tàng Keangnam giữ vai trò đầu mối cung cấp, còn Thảo đảm nhiệm việc tiêu thụ với lần ít cũng lên tới 40 bánh heroin và lần nhiều nhất là 265 bánh.

Đối với nhánh buôn bán trái phép chất ma túy liên quan tới đường dây của Tàng Keangnam và do Giàng A Nhà phát triển, HĐXX phúc thẩm nhận định, từ đầu năm 2011 đến khi bị bắt giữ, bị cáo này cùng đồng bọn đã mua bán trót lọt tổng cộng 390 bánh heroin cùng 80 viên ma túy tổng hợp.

Trong số ma túy này, Nhà trực tiếp tham gia mua bán và thu lời bất chính trên tổng số 310 bánh heroin. Còn Sùng A Lánh tham gia tiêu thụ trót lọt 200 bánh “hàng trắng”. Tiếp đến là Sồng A Nếnh, Tráng A Mùa, Vũ Văn Lâm và Tráng A Ký.

Cũng theo HĐXX phúc thẩm, triệt phá đường dây mua bán trái phép chất ma túy Tàng Keangnam cầm đầu, CQĐT cũng đã làm rõ vai trò tội phạm của một số đối tượng liên quan, trong đó có Giàng A Đua, Giàng A Chứ là bố vợ và anh vợ Tàng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa bắt được các đối tượng này nên cần tiếp tục truy xét để sớm đưa ra xử lý trước pháp luật.

Sau cùng, TAND Cấp cao tại Hà Nội khẳng định, ma túy là chất gây nghiện bị pháp luật nghiêm cấm mua bán, vận chuyển và tàng trữ dưới mọi hình thức. Tráng A Tàng cùng đồng bọn đều nhận thức rất rõ về tác hại của ma túy và quy định của pháp luật, song do hám lợi nên các bị cáo vẫn bất chấp tất cả để buôn bán số lượng heroin đặc biệt lớn. Vì thế, việc áp dụng những hình phạt đích đáng, nghiêm khắc với các bị cáo trong vụ án này là cần thiết để vừa bảo đảm tính trừng phạt của pháp luật, lại vừa bảo đảm công tác phòng ngừa tội phạm chung.