Phục hồi sản xuất

ANTĐ - Sau thời gian đình trệ sản xuất, nhập khẩu giảm, nhiều nguyên vật liệu phục vụ sản xuất đã được nhập trở lại. 

Các sản phẩm điện tử, điện lạnh bắt đầu vào mùa tiêu thụ

Theo số liệu của Bộ Công Thương, quý I-2013, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 29,2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 16,1 tỷ USD, tăng 25,5% và chiếm 55,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp FDI vẫn sản xuất kinh doanh khá tốt. Biểu hiện là kim ngạch xuất khẩu của nhóm này chiếm tỷ lệ lớn. Nếu không kể dầu thô, xuất khẩu của khối này tăng 27,1%, cao hơn mức tăng trung bình 19,7% của cả nước. Các mặt hàng xuất khẩu điển hình là: máy tính và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép... Sự kiện Samsung mở thêm nhà máy ở Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD để sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện tử mới đây cũng chứng tỏ trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp FDI vẫn “ăn nên làm ra” và mở rộng sản xuất. 

Không riêng khối doanh nghiệp FDI, sản xuất của các doanh nghiệp trong nước cũng bắt đầu phục hồi khi cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng. Cụ thể, xuất khẩu của nhóm này tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi năm 2012, con số này chỉ dừng ở mức 5,1%. Tương tự, nhập khẩu của khối này đã tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi 3 tháng đầu năm 2012, nhập khẩu sụt giảm 10,7%. Các mặt hàng nhập khẩu phần lớn là nguyên liệu sản xuất. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết: “Đây là dấu hiệu tốt cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc đẩy mạnh xuất khẩu. Nhà nước cần quan tâm tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp trong nước để khôi phục sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu”.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, một số ngành sản xuất: dệt may, da giày, linh kiện điện tử có tín hiệu phục hồi tốt khi 3 tháng đầu năm nay, thị trường xuất khẩu dần được phục hồi và có mức tăng trưởng. Nhiều doanh nghiệp thuộc ngành này đã có đơn hàng ổn định sản xuất đến hết quý II, thậm chí quý III-2013. “Tại nhiều doanh nghiệp, nhu cầu đơn hàng vẫn rất cao. Các doanh nghiệp phải đàm phán để có các đơn hàng lớn”- Bộ Công Thương cho hay. 

Ngay từ những ngày nắng nóng sớm đầu hè này, các siêu thị điện máy, điện lạnh cho biết, khách hàng đã ùn ùn kéo đến mua các thiết bị điện lạnh, đề phòng nắng nóng. Hàng hóa lưu thông tốt là tiền đề thúc đẩy sản xuất.