Góp ý vào dự thảo các Văn kiện Đại hội XI của Đảng:
“Phủ sóng” an sinh xã hội
(ANTĐ) - Một trong những định hướng bổ sung cho Cương lĩnh 1991 của Đảng để trình Đại hội XI là phát triển văn hoá, xây dựng con người, thực hiện chính sách xã hội. Theo đó, cần xây dựng chính sách điều tiết hợp lý thu nhập. Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với giảm nghèo bền vững; hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội; chú trọng cải thiện sống, lao động, làm việc và học tập của các tầng lớp nhân dân.
Trong tiến trình phát triển bền vững của nước ta, có ba trụ cột: nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và an sinh xã hội. Chức năng chính của an sinh xã hội là cung cấp phúc lợi tối thiểu và đồng thời cung cấp phúc lợi cao hơn để phục vụ cho các nhu cầu lớn hơn của người dân với việc phân phối của người giàu hơn cho người nghèo hơn ở mức độ đã được chấp nhận. Tất nhiên, điều này rất khó làm hài lòng tất cả mọi người đóng góp trên cơ sở tự nguyện. Thiết lập chế độ an sinh xã hội hữu hiệu phải được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của người lãnh đạo trong quá trình hiện thực hoá mục tiêu xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Nếu không xây dựng được hệ thống an sinh xã hội vững chắc làm nền móng thì khó có thể xây dựng xã hội dân chủ, công bằng. Trong thời kỳ phát triển đất nước, cương lĩnh của Đảng thay đổi phù hợp với mục tiêu, định hướng của từng giai đoạn. Song mục tiêu cuối cùng, bất di bất dịch luôn là cho dân, vì dân, vì con người. Không thể coi một đất nước tăng trưởng GDP liên tục trong nhiều năm từ 6-7% mà phần lớn nông dân và người lao động tự do vẫn phải vắt kiệt mồ hôi lo từng miếng cơm, manh áo hàng ngày. Bởi vậy xây dựng chế độ an sinh xã hội công bằng, là nhiệm vụ sống còn của Đảng, Chính phủ.
Thực ra chủ trương đã được khẳng định, đường lối đã được vạch ra, biện pháp đã có, song thực tế còn phải tiếp tục hiện thực hoá bằng một loạt biện pháp, đặc biệt là hoàn thiện khung pháp lý hiện còn khá lỏng lẻo, sơ sài với “xương sống” là văn bản Luật Bảo hiểm xã hội chứa đựng nhiều quy định khá chung chung. Ở các nước phát triển, nhà cầm quyền giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức xây dựng và vận hàng hệ thống an sinh xã hội. Một trong những nguyên tắc cơ bản của hệ thống đó, là sau một thời gian làm việc, mọi người lao động trong xã hội ở mọi ngành nghề, không phân biệt trong nhà nước hay ngoài nhà nước đều có quyền nghỉ hưu, mà không bắt buộc phải tiếp tục bỏ sức ra lao động để nuôi sống bản thân, cũng không phải trông cậy vào con cháu nuôi dưỡng.
Trong hoàn cảnh, điều kiện hiện tại của xã hội Việt Nam, về hưu, hưởng lương hưu là điều quá xa vời với nông dân và người lao động tự do. Phúc lợi xã hội, lương hưu, là một phần của cải do xã hội tạo ra và được tích luỹ trong ngân quỹ công cộng. Ai tham gia tạo ra của cải vật chất cho xã hội như người lao động, người chủ và Nhà nước đều có nghĩa vụ đóng góp vào quỹ này. Kinh nghiệm của nhiều nước là trao cho hội nông dân, hội nghề nghiệp do người lao động tự nguyện lập ra quỹ an sinh xã hội quyền chia sẻ trách nhiệm nộp phí bảo hiểm, kêu gọi chính quyền, tổ chức, cá nhân hỗ trợ hội viên nộp phí bảo hiểm.
Chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước được cụ thể hoá qua tỷ lệ giảm nghèo từ 58% xuống còn hơn 10% là tốc độ siêu nhanh. Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng, tỷ lệ túi tiền người dân phải chi cho y tế, giáo dục trên tổng chi của Nhà nước thuộc loại cao nhất khu vực. “Phủ sóng” hệ thống an sinh xã hội, để mọi người dân được tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội, bảo hiểm xã hội, trong đó có hưu trí, rõ ràng là một thách thức không nhỏ ngay trước mắt và lâu dài.
Huy Thạc