Phú Quốc - đảo Vàng

(ANTĐ) - Ai đã gọi đảo Vàng hay đảo Ngọc đặt cho Phú Quốc chắc chắn không chỉ vì ráng chiều lộng lẫy mà cùng với sắc nước hương trời còn biết bao tài nguyên thiên nhiên tiềm ẩn.

Phú Quốc - đảo Vàng

Kỳ 1: Đường ra đảo

(ANTĐ) - Ai đã gọi đảo Vàng hay đảo Ngọc đặt cho Phú Quốc chắc chắn không chỉ vì ráng chiều lộng lẫy mà cùng với sắc nước hương trời còn biết bao tài nguyên thiên nhiên tiềm ẩn.

Những con tàu cao tốc của các hãng Tramexco, Superdon, Vietrosko... như con thoi trên vùng vịnh quanh năm ngời sáng chở khách du lịch từ Rạch Giá, Hà Tiên tới cảng An Thới phía cực Nam hòn đảo.

Bạn có thể nghỉ ngay tại những khách sạn nơi đây để tham quan thị trấn, thưởng thức hải sản, tham quan các khu rừng và bãi tắm thiên nhiên, đặc biệt thăm khu di tích nhà lao Cây Dừa cách chừng hai cây số.

Đây là khu trại giam do thực dân Pháp xây dựng trên diện tích chừng 20ha. Năm 1956, Ngô Đình Diệm sửa sang và lập thành trại huấn chính Cây Dừa. Năm 1967, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tổ chức thành nhà giam quân sự lớn nhất có lúc giam giữ tới 40.000 người và khoảng 4.000 trong số đó đã vĩnh viễn không bao giờ trở về.

Lịch sử nhà lao Cây Dừa đau thương, buốt nhói và cũng là bản anh hùng ca bất tử mà các thế hệ con cháu Việt Nam chúng ta đời đời ghi vào tâm khảm. ở nhà lao Cây Dừa trên đảo Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang những người lính con cháu Bác Hồ bị giam cầm vẫn không ngừng phát huy ý chí giữ vững khí tiết.

Phú Quốc cách Hà Tiên 45km, cách thị xã Rạch Giá 120km, diện tích tự nhiên 593km2, dân số 75 vạn người. Chiều dài từ Bắc xuống Nam đảo 50km, nơi rộng nhất ở phía Bắc 25km, địa hình thoai thoải với 99 ngọn đồi nhấp nhô. Thiên nhiên dành cho Phú Quốc sự trù phú hiếm hoi. 

Ở đây có biển, hồ, sông, núi, đồng bằng, rừng rậm với nhiều muông thú. Phú Quốc có lịch sử khai hoang lập ấp khá sớm so với các vùng khác thuộc lưu vực sông Cửu Long. Năm 1708 Mạc Cửu dâng biểu sáp nhập vùng đất Hà Tiên thuở ấy, bao gồm cả Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá, An Giang vào với chúa Đàng Trong và trở thành vùng đất máu thịt phía cực Nam của Tổ quốc.

Phú Quốc còn lưu giữ dấu tích của Gia Long những năm trôi dạt, đó là giếng Ngự hay giếng Tiên, tương truyền do Nguyễn ánh chỉ mũi kiếm thần vào mặt đất khô cằn cho nước ngọt tung lên mà thành. Phú Quốc có đền thờ Nguyễn Trung Trực ở mỏm cực Bắc nhìn ra biển kỷ niệm ngày ông và nghĩa quân rút khỏi Hòn Chông vượt biển ra đảo cố thủ.

Sau một trăm ngày cầm cự ông bị bao vây và trận chiến quyết tử diễn ra từ sông Cửa Cạn đến bãi Ông Lang thì ông sa vào tay giặc. Thực dân Pháp đem mọi kế dụ dỗ mua chuộc, ông đều khẳng khái tuyên bố: Khi nào cỏ nước Nam còn thì người Nam còn đánh đuổi thực dân xâm lược. Ông bị hành quyết tại Rạch Giá ngày 27-10-1868.

Mọi ngành kinh tế ở Phú Quốc đều đang phát triển theo định hướng để Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao. Các đề án về quy hoạch tổng thể phát triển KTXH đảo Phú Quốc, quy hoạch phát triển hệ thống giao thông, quy hoạch phát triển du lịch bền vững... đang được đệ trình hoặc đã được phép thực thi.

Bờ biển An Thới - đảo Phú Quốc Trước đền thờ Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá Bờ biển An Thới - đảo Phú Quốc Trước đền thờ Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá
Bờ biển An Thới - đảo Phú Quốc                                       Trước đền thờ Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá

Tháng 11-2003, tiến sĩ Vacma - Đại diện tổ chức du lịch thế giới khu vực châu á Thái Bình Dương đã dẫn đầu đoàn đại biểu ra thăm Phú Quốc và ngày 14-11-2003 đã ký với Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang văn bản thỏa thuận thực hiện dự án VIE/02/107 – Quy hoạch phát triển du lịch bền vững đảo.

Thời chống Pháp cũng như chống Mỹ các vùng rừng già Khu Tượng, ngã ba Mu Rùa, Cửa Cạn... đều là căn cứ cách mạng mà địch dù tập trung thêm quân cũng không thể vào nổi. ở đó có cơ quan chỉ huy kháng chiến của đảo, có các lớp huấn luyện và có công binh xưởng sửa chữa và sản xuất vũ khí tự tạo.

Những ngày ở Phú Quốc tôi đã phóng xe máy đến nhà ông Ba Toản gần khu rừng quốc gia tiếc là không gặp. Ông Toản người Thái Bình, vào Nam chiến đấu rồi bị bắt và giam ở Phú Quốc tại nhà lao Cây Dừa. Ông cùng một số anh em vượt ngục tìm về được căn cứ kháng chiến của đảo, sát cánh cùng nhân dân trên đảo đánh giặc cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Non nước một nhà, ông về Thái Bình đưa vợ con vào đây làm ăn sinh sống cùng với người dân địa phương. Tôi đã gặp ông Hồ Văn Đông, còn gọi là Sáu Bửu ở xã Gành Dầu nghe ông kể say sưa về những ngày đánh Pháp và đánh Mỹ.

Tôi đã gặp ở trụ sở Hội Cựu chiến binh huyện đảo Phú Quốc các ông Nguyễn Văn Luân, Huỳnh Văn Em và Phạm Thế Hiển, mỗi người mỗi vẻ nhưng đều có những tháng năm oanh liệt sống và chiến đấu cùng người dân trên đảo. Phú Quốc một thời chỉ có ba xã là Cửa Dương ở phía Bắc, Hàm Ninh ở phía Đông và Dương Tơ ở phía Nam.

Vào năm tháng ác liệt của chiến tranh chống Mỹ, kẻ thù đã tăng cường cho Phú Quốc bốn đại đội lính biệt kích càn quét liên tục hai mươi ngày đêm một khu Dương Tơ. Đơn vị du kích hai mươi tay súng do Vũ Ngọc Quí tức Hai Sửu chỉ huy trong đó có Huỳnh Văn Em chiến đấu anh dũng và rút về căn cứ Du Hương - Suối Lớn an toàn.

Vị Đại tá về hưu Nguyễn Văn Luận lại khác. Ông sinh năm 1930, ở thị trấn Dương Đông, tham gia cách mạng năm 1945 khi mới mười lăm tuổi. Ông nhập ngũ năm 1946 và chiến đấu ở trên đảo cho tới ngày tập kết ra Bắc theo Hiệp định Geneva năm 1954 về Đông Dương.

Đất trời đã để lại cho Phú Quốc tới tận hôm nay những cánh rừng ở phía Bắc đảo rộng tới 8.700ha với 530 loài thực vật, 365 loài chim, 150 loài động vật trong đó nhiều loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.

Nơi tập trung hệ sinh cảnh rừng của cả nước như rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng nham, rừng cỏ tranh, rừng thứ sinh và rừng nguyên sinh. Cùng với khá nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh như chùa Sư Muôn, Dinh Cậu, Hội quán Cao Đài, đình thần Dương Đông, Sừng Hưng cổ tự, Bãi Sao, Suối Tranh... Phú Quốc còn có hạt tiêu nổi tiếng và nước mắm lẫy lừng, đặc biệt nước mắm lú - thứ nước mắm chôn ba tháng trong lòng đất, uống một ngụm, lao xuống nước có thể kéo dài hơi lặn được gấp đôi, những vi khuẩn gây ra ho hen chạm vào phải chết sặc...

Phú Quốc tiềm ẩn bao nguồn tài sản chưa được khai thác hoặc chưa được phát huy. Cây cối làm sao được bảo tồn và trồng mới? Các cơ sở hạ tầng làm sao được mở mang? Những danh lam thắng cảnh làm sao được giữ gìn tôn tạo?

Và con người tới định cư, đã đành phải đông lên, nhưng làm sao để chớ đánh mất những gì thiên nhiên ban tặng. Như lời ông Scuart trong đoàn du lịch thế giới là không nên đua nhau xây nhà thật nhiều tầng, mà nên quý lấy cây xanh, đừng làm đục ráng chiều, để Phú Quốc nổi tiếng như khu Khẹt của Thái Lan như Bali của Indonesia hay đâu đó trên khắp thế gian nhưng vẫn cứ phải là Phú Quốc.

Tô Đức Chiêu