Phụ nữ “nuôi” nửa nhân loại

ANTĐ - Phụ nữ không chỉ đảm nhận vai trò trong gia đình, mà còn phải có vị trí trong quá trình phát triển thế giới, thậm chí cả trong giải quyết mâu thuẫn và xây dựng hòa bình.

Một hội nghị của LHQ nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ

Một báo của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết dân số thế giới hiện đã lên tới 7 tỷ người, trong đó gần một nửa là phụ nữ. Cũng theo báo cáo này, cuộc sống của người phụ nữ đang dần được cải thiện. Rất nhiều phụ nữ đã trở thành “trụ cột” gia đình. Họ tìm cách kiếm tiền nuôi sống gia đình trong những thời điểm khó khăn, tự tin hơn trong cuộc sống và trở nên độc lập về kinh tế. Nhiều phụ nữ đã trở thành nhà các nhà lãnh đạo, các nhà hoạt động xã hội bảo vệ quyền lợi phụ nữ.

Những chuyển biến đó là thực tế đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể về vai trò của phụ nữ trong phát triển, nhất là kinh tế, chưa phải đã sáng sủa. Thống kê của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) cho biết phụ nữ chỉ chiếm 21,3% số ghế nghị sĩ quốc hội các nước thuộc Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu, 18% ở châu Á, 13% ở các nước Thái Bình Dương, 18,1% ở các nước Nam sa mạc Sahara châu Phi, 21,7% ở Mỹ. Theo thống kê tại 70 nước, phụ nữ hiện chỉ chiếm 27% số chức vụ có ảnh huởng hoặc trong cơ cấu hoạch định chính sách nói chung con số này ở châu Á là 15% và Trung Đông là 9%.

Trong lĩnh vực kinh tế cũng vậy. Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), phụ nữ chỉ chiếm 2% số các tổng giám đốc trong 500 công ty lớn nhất của Mỹ. Hơn 46% số công ty lớn trong OECD không có nữ trong ban điều hành, 23% số công ty chỉ có 1 nữ trong ban điều hành. Ở Mỹ, phụ nữ chiếm 75% lao động trong ngành tài chính nhưng chỉ chiếm 12,6% số chức vụ trong ban lãnh đạo 50 ngân hàng thương mại hàng đầu và chỉ có 8 nữ trong số tổng giám đốc 100 liên minh tín dụng lớn nhất ở Mỹ.

Tất nhiên, với đặc thù về giới tính, phụ nữ có những hạn chế.

Tuy nhiên, đó không phải là lý do chủ yếu khiến vai trò của phụ nữ trong phát triển mờ nhạt đến vậy. Thế giới cần phải có những thay đổi trong chính sách để nâng cao vai trò của phụ nữ trong các vấn đề mang tính toàn cầu. Nhiều sáng kiến và quyết sách đã được đưa ra. Khẳng định thực tế phụ nữ gánh vác đa số công việc trong sản xuất nông nghiệp và trên phạm vi toàn cầu họ sản xuất hơn một nửa sản lượng lương thực, thực phẩm, Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp cho biết sẽ ưu tiên trao quyền kinh tế cho phụ nữ nông thôn thông qua hỗ trợ phụ nữ phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo việc làm tăng thu nhập và tiếp cận các lợi ích giáo dục, y tế, đào tạo và lập các tổ chức tín dụng nhỏ.

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) thì khẳng định bình đẳng giới có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội trong cộng APEC. Diễn đàn này kiến nghị xem xét toàn diện để có những điều chỉnh về mặt pháp lý, luật lệ và các thủ tục của ngân hàng nhằm tạo thuận lợi cho phụ nữ quyền tiếp cận bình đẳng các nguồn vốn và dịch vụ tài chính, trong đó ưu tiên cho những phụ nữ là các chủ đầu tư và chủ doanh nghiệp.

Trên quy mô toàn cầu, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định phụ nữ là “đối tác không thể thay thế” trong tất cả các lĩnh vực gìn giữ, kiến tạo và củng cố hòa bình, từ hòa giải đến phục hồi kinh tế và đoàn kết xã hội.