Phụ nữ không chỉ biết lo cái ăn, cái mặc

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10

Phụ nữ không chỉ biết lo cái ăn, cái mặc

Chị Lý Mỹ Ly - Trường Tiểu học nội trú số 1 huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu:

“Nhiều học sinh Hà Nhì vẫn chưa ý thức học để làm gì”

Người dân tộc Hà Nhì vẫn còn trọng nam khinh nữ nên đa số học sinh nữ không muốn đến trường. Chính vì vậy để làm thay đổi cách tư duy này đối với người dân nơi đây thực sự rất khó khăn. Họ luôn quan niệm phụ nữ độ tuổi 15-16  thì phải lập gia đình. Và đến giờ vẫn còn nhiều học sinh chưa ý thức được mình học để làm gì.

Đây chính là một trong những nguyên nhân các thầy giáo, cô giáo như tôi rất vất vả trong việc thuyết phục được các em đến trường. 100% học sinh dân tộc đều thuộc diện khó khăn. Cái ăn, cái mặc chưa đầy đủ nói gì đến điều kiện học tập.

Đi học mà không có sách giáo khoa thì không thể học được, trong khi hầu hết học sinh đều không có đầy đủ sách để học. Chúng tôi phải lặn lội đi tìm từng quyển sách cũ cho các em. Giờ này trường lại có hai học sinh bỏ học, chúng tôi sẽ phải đến tận nhà các em để đưa các em lại trường. Có được lòng quyết tâm chính là nhờ gia đình tôi.

Từ nhỏ, 7 anh chị em trong nhà luôn biết bảo ban nhau học hành khi có  mẹ luôn nhắc nhở, việc học là cả đời dù mẹ không biết chữ. Ngày ấy gia đình rất khó khăn, bố mẹ đã phải đi vay nợ để trang trải tiền học cho chúng tôi.

Khi anh em biết tin, mẹ chỉ nói: bố, mẹ cố gắng cho các con học tập để mang cái chữ về người dân tộc Hà Nhì. Chỉ có cái chữ mới có thể giúp bà con thoát nghèo.

Bà Dương Thị Mỵ - dân tộc Mông, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng:

“Không muốn con mình khổ như mình chỉ có cách cho con đi học”

Vì cuộc sống lam lũ, bố mẹ tôi không được đi học ở các trường lớp, chỉ được học xóa mù chữ ở thôn bản. Được tuyên truyền vận động rằng muốn thoát khỏi đói nghèo thì phải biết chữ, có thương con và mong con có tương lai tốt đẹp hơn thì phải cho con đi học nên với suy nghĩ rất đơn giản “không muốn con mình khổ như mình chỉ bằng cách cho con đi học”, bố mẹ tôi đã chịu đựng và vượt qua vô vàn khó khăn để 5 anh chị em tôi đều được đi học ở trường xã, trường huyện…

Bố mẹ tôi thường xuyên phải thức dậy từ 3, 4 giờ sáng để lo bữa sáng và bữa cơm ngô ăn trưa rồi đưa các con xuống núi đi học đến 5, 6 giờ chiều lại đốt đuốc đón con về nhà. Noi gương bố mẹ, nên mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng tôi đã cố gắng động viên, tạo mọi điều kiện và bảo ban các con có ý thức học tập.

Hai cháu nhà tôi luôn tự giác sắp xếp thời gian học tập, chăm chỉ giúp đỡ bố mẹ. Năm học cuối cấp 2 cả Quỳnh và Trang đều được nhà trường chọn đi dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đạt giải học sinh giỏi của tỉnh Cao Bằng (từ 1 đến 2 môn).

Năm học 2006 - 2007 cháu Quỳnh còn đạt học sinh giỏi lớp 12 của tỉnh Thái Nguyên. Phấn đấu cho con cái gia đình mình học hành đến nơi đến chốn nhưng tôi vẫn còn nhiều băn khoăn.

Cũng nhiều người giống như tôi sinh ra trong gia đình nông dân đói nghèo, sống du canh du cư trên các đỉnh núi cao, xa đường cái, xa chợ, xa trường học, bà con các dân tộc ít người vẫn còn đói nghèo về vật chất, đói chữ. Con em dân tộc sinh sống lẻ tẻ ở trên triền núi cao, chưa có điều kiện đến lớp đến trường để học tập.

Là một người dân tộc ít người, tôi mong mỏi các cấp ngành quan tâm nhiều hơn nữa, có những chủ trương chính sách thiết thực để đồng bào không thiếu cái ăn, cái mặc và nhất là cái chữ.   

Duy Anh (Ghi)