Phóng viên giáo dục kiêm “tư vấn viên” tuyển sinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mỗi năm vào mùa tuyển sinh, ngoài công việc đưa thông tin sớm nhất tới bạn đọc thì phóng viên được phân công theo dõi lĩnh vực giáo dục lại được kiêm thêm một nhiệm vụ khá thú vị - đó là “tư vấn viên” chọn trường, chọn nghề…
Nhà báo Vinh Hương

Nhà báo Vinh Hương

“Năm nay thi mấy môn?”

Không ở đâu thông tin về kỳ thi vào lớp 10 công lập lại “nóng” như ở Hà Nội. Với số trường gần như không thay đổi trong các quận nội đô nhưng lượng học sinh lại tăng nhanh hàng năm khiến cho việc kiếm được một suất vào trường công lập trở thành mối quan tâm hàng đầu của các gia đình có con em đến độ tuổi chuyển cấp từ THCS lên THPT.

Một trong những câu hỏi mà phóng viên theo dõi giáo dục luôn nhận được ngay khi năm học mới bắt đầu là: “Năm nay có tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập không? Năm nay Hà Nội sẽ thi mấy môn…”.

Việc chỉ có khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS có cơ hội được học tiếp trong các trường THPT công lập đã khiến nhiều phụ huynh cảm thấy thiệt thòi cho con em mình khi cơ hội tính ra cứ khoảng 2 em thì có một em được học công lập - đó là tính trên bình diện chung toàn thành phố. Còn nếu mổ xẻ kỹ thì cơ hội với những học sinh trong quận lõi còn ít hơn nhiều vì như Cầu Giấy có cả chục trường THCS nhưng lên THPT thì lại chỉ có 2 trường THPT công lập là Yên Hòa và Cầu Giấy…

Các kỳ thi luôn tạo sức ép lớn tới cả bậc phụ huynh và các em học sinh

Các kỳ thi luôn tạo sức ép lớn tới cả bậc phụ huynh và các em học sinh

Với tình trạng đất chật người đông, việc tăng chỉ tiêu công lập là bài toán khó có lời giải với Hà Nội trong thời gian trước mắt. Với các phương án thi vào lớp 10 của Hà Nội, năm nào phóng viên giáo dục cũng được “phỏng vấn” xem năm nay dự kiến thi mấy môn, nếu thi môn thứ tư thì sẽ thi môn nào? Điều này quả thật dù có bám sát sở, ngành đến đâu cũng không thể trả lời cụ thể khi mà ngay cả lãnh đạo ngành Giáo dục cũng chưa thể quyết định trước tháng 3 hàng năm.

Khi được ngành Giáo dục tham vấn về định hướng truyền thông và dư luận xã hội đối với phương án thi của Hà Nội, phóng viên giáo dục chúng tôi mới thấy được những vấn đề mà kỳ thi này có thể ảnh hưởng tới. Việc thi mấy môn, thi những môn nào luôn khiến các nhà quản lý giáo dục phải cân nhắc bởi tình trạng học gì thi nấy đã thành luật bất thành văn của giáo viên, phụ huynh, học sinh hiện nay.

Một quyết định thiếu tính toán kỹ lưỡng về phương án thi vào lớp 10 sẽ kéo theo những hệ quả khó đong đếm trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện của hàng trăm nghìn học sinh THCS.

Trắc trở đường vào công lập

Để chọn trường cho con vào lớp 10, bạn tôi, chị Nguyễn Mỹ Hạnh (quận Ba Đình, TP Hà Nội) đã phải cân nhắc kỹ từng trường, dựa vào điểm chuẩn các năm trước và tư vấn của giáo viên và của cả phóng viên giáo dục là tôi - người được cho là gắn bó với ngành nhiều năm. Mặc dù sức học của con chỉ ở mức trung bình khá nhưng với kết quả khảo sát của trường xung quanh mức 37 điểm, gia đình vẫn mong muốn con nỗ lực để được học công lập. Tuy nhiên, gia đình lại được giáo viên chủ nhiệm tư vấn cần tìm cho con một chỗ trong trường tư thục thay vì dự thi vào lớp 10 công lập.

“Mặc dù cô không đưa ra yêu cầu bắt buộc nhưng gia đình và con đều hiểu là con không nên đăng ký dự thi vào lớp 10. Đáng nói là với mức điểm trên, con vẫn có cơ hội vào một trường công tốp dưới, tuy nhiên khi bàn với con thì con tỏ ra lo lắng và thiếu tin tưởng vào bản thân nên nhất định không chịu đăng ký dự thi lớp 10”- chị Hạnh chia sẻ. Với tình trạng này, chị Hạnh bắt buộc phải tìm và đăng ký một suất vào trường ngoài công lập và chấp nhận con không tham gia thi lớp 10 dù gia đình thực sự có nguyện vọng học công lập. Câu chuyện của chị Hạnh cũng có thể lặp lại với không ít phụ huynh với tình huống tương tự.

Dù ngành Giáo dục vẫn khẳng định không đánh giá thi đua thành tích các trường theo tỷ lệ học sinh đỗ công lập nhưng thực tế, các trường vẫn lấy tỷ lệ này để so sánh lẫn nhau trong cùng địa bàn vào mỗi kỳ tuyển sinh đầu cấp. Muốn tuyển được học sinh đầu vào cao, các trường phải có thành tích tốt để phụ huynh tin tưởng gửi con em mình nên lâu nay tỷ lệ đỗ vào trường THPT công lập, trường chuyên vẫn là thước đó chất lượng, uy tín của các trường THCS. Chính vì vậy, việc định hướng, tư vấn chọn trường cho học sinh lớp 9 có thể biến tướng thành một dạng “vận động” phụ huynh học sinh “tự nguyện” không tham gia thi lớp 10 công lập để không kéo thành tích của trường, của giáo viên xuống. Trước thực trạng này, phóng viên giáo dục vẫn tích cực phản hồi với các cấp quản lý để có những can thiệp kịp thời giúp các con được dự thi đúng quyền lợi của mình. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng dám đứng ra phản ánh với báo chí và thiệt thòi vẫn rơi vào các gia đình này khi không thể thẳng thắn đòi hỏi quyền chính đáng được dự thi của con trước sự vận động của nhà trường.

Với những thông tin có được trong quá trình theo dõi lĩnh vực giáo dục, bản thân tôi nhận thấy không có mô hình trường học nào là hoàn hảo như các bậc phụ huynh mong muốn, chỉ có môi trường giáo dục nào phù hợp nhất với con em mình. Nếu như các bậc phụ huynh chịu khó bỏ nhiều thời gian hơn đến tìm hiểu trực tiếp các ngôi trường mà mình quan tâm thì dù là công lập hay tư thục cũng đều có những mô hình giáo dục thực sự đem lại hiệu quả cho con em mình thay vì cứ phải đặt một mục tiêu duy nhất là trường chuyên, lớp chọn, trường có tiếng…