Phòng và điều trị hơi thở “có mùi”

ANTĐ -Hơi thở có mùi hay trong y học thường gọi là chứng hôi miệng là một tình trạng rất hay gặp.

Mặc dù chứng hôi miệng không nguy hiểm tới tính mạng song rõ ràng là nó có tác động không tốt tới các tương tác xã hội của mỗi người. Với một số người thì thỉnh thoảng mới bị hôi miệng song đối với một số người khác thì đây có thể là một vấn đề mạn tính. Chứng hôi miệng có thể do vệ sinh răng miệng kém, một số loại thức ăn hay một số bệnh y khoa tiềm ẩn nào đó gây ra. Đánh răng, súc miệng hay xịt nước thơm chỉ là những giải pháp tạm thời. Tuy nhiên, một số bước đơn giản sau đây cũng có thể giúp phòng và hạn chế hiệu quả chứng hôi miệng.

Vệ sinh răng miệng tốt

Vệ sinh răng miệng tốt là rất quan trọng để có lợi và răng khỏe và phòng tránh chứng hôi miệng. Khi các mảng thức ăn vẫn có ở quanh răng và lợi, chúng sẽ bắt đầu phân hủy và khiến hơi thở có mùi hôi.

- Hãy đánh răng ít nhất 2 lần/ngày trong thời gian từ 2-3 phút mỗi lần. Nên đánh răng sau khi ăn để loại bỏ những mảng bám của thức ăn.

- Sử dụng chỉ tơ nha khoa ít nhất 1 lần/ngày để loại bỏ các mảng thức ăn còn bám lại giữa các kẽ răng mà bàn chải đánh răng không thể loại bỏ.

- 3-4 tháng thay bàn chải đánh răng 1 lần.

- Tới phòng khám nha khoa ít nhất 2 lần/năm để kiểm tra định kỳ và lấy cao răng cũng như để nha sỹ xác định xem liệu có vấn đề gì của nha khoa góp phần gây hôi miệng không.

Uống nhiều nước

Uống nhiều nước giúp cho miệng sạch và lấy đi những mảng bám thức ăn có thể gây hôi miệng. Nên uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày. Đặc biệt là nên uống thêm nước sau khi tập thể dục để bù lại lượng nước bị thất thoát. Vì nước có chứa khí ô-xy nên nó có thể điều hòa bất kỳ phản ứng hóa học nào trong miệng giúp làm giảm khả năng hơi thở có mùi hôi.

Phòng và xử trí hơi thở có mùi hôi

Thay đổi lối sống và chế độ ăn cũng có thể giúp loại bỏ chứng hôi miệng.

- Ăn ít thịt và tăng lượng rau quả.

- Khi ở nơi công cộng nên tránh ăn những loại thực phẩm nặng mùi như tỏi và hành.

- Thuốc lá và đồ uống có cồn cũng khiến hơi thở có mùi hôi do đó nên sử dụng nước thơm hoặc cao su không đường để phòng tránh hôi miệng.

Đi khám bác sỹ

Nếu thực hiện các biện pháp trên rồi mà hơi thở vẫn có mùi thì bạn nên đến gặp bác sỹ vì một số bệnh nguy hiểm hơn cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới chứng hôi miệng như nhiễm trùng phổi, ung thư, bệnh gan và tiểu đường. Điều trị những bệnh trên sẽ có thể chữa khỏi chứng hôi miệng.