Phòng tránh bệnh sởi cho trẻ trước nguy cơ bùng phát dịch

ANTD.VN - Dù không phải là bệnh nặng, thế nhưng, nếu trẻ mắc bệnh sởi không được chăm sóc kịp thời,  rất có thể gây ra những biến chứng nặng nề như viêm phổi, viêm não, loét giác mạc…

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong những ngày gần đây, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc sởi trên toàn thành phố cao gấp khoảng 5 lần. 

Nguy cơ bùng phát dịch

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có thời điểm số ca mắc sởi cao gấp 30 lần năm ngoái. Tính đến thời điểm hiện tại, số ca mắc sởi vẫn có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, rất có thể, sau 4 năm, đến năm 2018, cả nước lại bước vào chu kỳ sởi mới.  Nếu như năm ngoái, con số mắc sởi đến điều trị tại bệnh viện chỉ có 100 trường hợp thì đến tháng 8-2018, con số này đã là 250. Điều này khiến các chuyên gia không khỏi lo lắng về nguy cơ bùng phát dịch.

Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi Trung ương, những ca điều trị sởi ở đây đa phần là chưa được tiêm phòng. Việc này khiến trẻ khi mắc bệnh sẽ gặp phải nhiều biến chứng hơn, thời gian điều trị bệnh lâu hơn. Trên thực tế, trẻ dù đã được tiêm phòng  vaccine vẫn có khả năng mắc sởi. Tuy nhiên, lúc này bệnh sẽ nhẹ hơn, điều trị nhanh hơn và gần như không gặp phải những biến chứng nguy hiểm.

Giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch

Theo Tiến sĩ Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng quốc gia, trẻ dù tiêm vaccine hay chưa vẫn có khả năng mắc sởi. Vì vậy, yếu tố đầu tiên để phòng sởi đó là giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch bằng chế độ ăn uống, vận động hợp lý.

Về dinh dưỡng, với trẻ dưới 6 tháng tuổi, chúng ta hãy cho trẻ bú mẹ hoàn toàn để trẻ có thể nhận được nguồn kháng thể dồi dào. Khi bước vào tuổi ăn dặm, trẻ cần một chế độ dinh dưỡng phong phú, đầy đủ 4 nhóm chất là: tinh bột, chất đạm, chất béo cùng các loại vitamin và khoáng chất. Để đảm bảo dinh dưỡng được cân bằng, cũng như để trẻ thấy ngon miệng hơn, các loại thức ăn trong từng ngày, thậm chí là trong từng bữa cần đa dạng, phong phú, tránh ăn mãi một loại thực phẩm.

Về vận động, dù thời tiết miền Bắc đã bắt đầu có gió lạnh, thế nhưng, chúng ta cũng cần cho trẻ ra ngoài vận động hợp lý. Việc vận động này không chỉ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn mà cũng là cách tăng cường miễn dịch tự nhiên cho trẻ. Ngoài ra, khi chăm sóc trẻ trong mùa dịch, chúng ta cũng cần tăng cường bổ sung vitamin A bằng cách cho trẻ ăn các thực phẩm có màu vàng, đỏ như: cà rốt, bí đỏ, đu đủ chín…

Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện nếu có dấu hiệu bất thường

Nếu trẻ mắc bệnh, bạn cũng đừng quá lo lắng mà phải thật bình tĩnh. Sởi về bản chất không phải là một bệnh nặng và có thể chăm sóc tại nhà. Mặc dù là bệnh cần tránh gió lạnh, tuy nhiên, chúng ta cũng không nên kiêng tắm cho trẻ, bởi vì nó có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng da và làm bệnh trở nên nặng hơn. Đặc biệt, khi bị sởi, trẻ thường khó ăn uống và dễ bị nôn. Và nếu không được tắm rửa sạch sẽ thì khả năng nhiễm trùng da càng lớn. Vì thế, hãy tắm rửa hàng ngày cho trẻ trong môi trường kín gió.

Trong thời gian bị bệnh, hệ miễn dịch của trẻ bị suy giảm, do đó, nếu bệnh có thể kiểm soát được, tốt nhất bạn nên hạn chế đưa trẻ đến bệnh viện, đặc biệt là tuyến Trung ương, bởi nó có thể khiến trẻ bị lây chéo nhiều bệnh khác. Tuy nhiên, khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường như:  sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, ban sởi đã lặn nhưng vẫn sốt… thì cần đưa trẻ đến bệnh viện sớm để được các bác sĩ hỗ trợ!

“Trẻ dù tiêm vaccine hay chưa vẫn có khả năng mắc sởi. Vì vậy, yếu tố đầu tiên để phòng sởi đó là giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch bằng chế độ ăn uống, vận động hợp lý”.

Tiến sĩ Phan Bích Nga (Viện Dinh dưỡng quốc gia)