Phòng ngừa thất thoát trong xây dựng cơ bản
(ANTĐ) - Trong những năm qua, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, số vốn dành cho xây dựng cơ bản luôn được ưu tiên, chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng thu nhập quốc nội. Nhà nước đã đầu tư vốn cho nhiều dự án lớn như Thủy điện Sơn La, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đường Hồ Chí Minh, cầu Thanh Trì...
Bên cạnh những thành tựu to lớn thì thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản đã và đang là mối quan tâm của toàn xã hội. Chống thất thoát vốn xây dựng, nâng cao hiệu quả đầu tư đã trở thành quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua. Chính phủ đã khẳng định chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm để các ngành, các địa phương thực hiện.
Hiện nay, vi phạm và tội phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn diễn ra rất phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, xảy ra trong mọi khâu của quá trình đầu tư xây dựng và có nhiều nguyên nhân. Sai phạm phổ biến vẫn là quy hoạch, khảo sát qua loa đại khái hoặc thông đồng với các cơ quan tư vấn để làm sai lệch số liệu ban đầu về khối lượng, trị giá công trình để dễ bề cho các hoạt động tiếp theo.
Việc lập thiết kế, dự toán, thẩm định dự toán không đúng với đơn giá quy định là những tiền đề tạo điều kiện cho hàng loạt những sai phạm xảy ra trong tổ chức đấu thầu, thi công dự án. Những hành vi khai khống khi giải phóng mặt bằng, khai trùng số lượng, khối lượng; Bên A, bên B thông đồng thay đổi chủng loại vật tư, xác nhận khối lượng phát sinh để rút tiền chia nhau vẫn xảy ra trong thực hiện đầu tư.
Trong đấu thầu, các nhà thầu thông đồng cùng làm hồ sơ thầu theo kiểu “quân xanh, quân đỏ” để cho một đơn vị trúng thầu sau đó ăn chia quyền lợi. Liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản các công trình nhà ở để bán tại các thành phố lớn, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ phạm tội như lập dự án “ma” để bán nhà ở, đất ở, thu tiền chênh lệch bán nhà để ngoài sổ sách nhằm chiếm đoạt, lừa bán đất khi khu đất đó đang thuộc quyền sử dụng của đơn vị khác.
Tài sản Nhà nước dễ bị thất thoát tại các công trình xây dựng (ảnh minh họa) |
Điển hình, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện đối tượng Phạm Huy Thành, Giám đốc Công ty TNHH Hải Thành đã thành lập nhiều công ty ở các địa phương để mượn tư cách pháp nhân đi quan hệ với các bộ, ngành xin dự thầu hoặc giao nhận thầu. Sau đó sử dụng các bộ hồ sơ trúng thầu đi quan hệ nhờ vay vốn hoặc xin ứng vốn chủ đầu tư hoặc giao lại cho các đơn vị thi công khác một vài hạng mục công trình. Sau khi nhận tiền thì bỏ công ty cũ để thành lập công ty mới ở các địa phương khác nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một số vi phạm khác nổi lên trong thời gian vừa qua là việc thẩm định thiết kế dự toán không chính xác có dấu hiệu thông đồng giữa cơ quan thẩm định với đơn vị tư vấn thiết kế và tổng thầu. Một số đơn vị đã cố ý làm trái, không căn cứ vào đơn giá, định mức xây dựng đã được quy định tại địa phương để thẩm định dự toán mà lợi dụng yếu tố nước ngoài (vốn ODA) để vận dụng đơn giá, định mức rất cao dùng cho “đầu tư trực tiếp của nước ngoài” để thẩm định. Kết quả đã tạo nên giá trị thẩm định cao hơn nhiều so với giá trị thực.
Chủ đầu tư căn cứ vào kết quả thẩm định để tổ chức đấu thầu và khi nhà thầu nước ngoài trúng thầu đã giao lại cho các nhà thầu phụ Việt Nam với giá trị chỉ bằng 50% so với dự toán. Như vậy, nhà thầu nước ngoài được hưởng tới 50% giá trị. Hoặc khi tổ chức đấu thầu có nhiều nhà thầu cùng tham gia nhưng thực chất các nhà thầu chỉ cho mượn hồ sơ tư cách pháp nhân chứ không tham gia đấu thầu, tạo điều kiện cho một đơn vị trúng thầu, thông đồng với nhau để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Lĩnh vực đầu tư XDCB rất rộng, thời gian triển khai thường kéo dài, liên quan đến nhiều khâu, nhiều cơ quan ban ngành quản lý, phê duyệt, nhiều đơn vị tham gia thi công trong khi đó cán bộ quản lý đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, tiền tệ và các chủ thể thị trường như chủ đầu tư, quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu, nhà cung cấp, kế toán, kiểm toán, chuyên viên giá… năng lực yếu kém, không chuyên sâu. Nạn đòi hối lộ, đưa đút lót, thông đồng móc ngoặc, gian lận xảy ra tương đối phổ biến.
Ngoài ra, họ còn thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc chạy theo thành tích, cục bộ địa phương, quan liêu. Hệ thống văn bản pháp quy, các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản thiếu thống nhất và đồng bộ, đặc biệt là các hướng dẫn về quản lý nguồn vốn, thẩm định nguồn vốn vay nước ngoài.
Nhiều văn bản đã cũ kỹ, lạc hậu song vẫn chưa có quy định mới để thay thế, do vậy gặp rất nhiều khó khăn cho những nhà quản lý cũng như các cơ quan thực thi pháp luật. Quá trình đầu tư về con người, phương tiện cho phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản chưa đúng tầm, chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, nhất là trình độ hiểu biết về chuyên môn, kỹ thuật xây dựng…
Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của đất nước, lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản sẽ tiếp tục là trọng điểm đầu tư với sự ưu đãi của Nhà nước, do vậy dự báo tình hình vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực này sẽ có nhiều diễn biến phức tạp với phương thức thủ đoạn và mức độ thiệt hại, đặc biệt là tại các công trình trọng điểm quốc gia, có số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với Nhà nước và các cơ quan chức năng là cần hoàn thiện nhanh chóng hệ thống pháp luật về XDCB, kịp thời phát hiện và bịt kín những sơ hở thiếu sót trong quản lý đầu tư xây dựng, không để các đối tượng lợi dụng. Đồng thời cần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh, phát hiện và điều tra, xử lý triệt để, nghiêm minh các hành vi vi phạm trước pháp luật.
Đối với những công trình sử dụng vốn đầu tư nước ngoài càng cần có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ tránh thất thoát, tránh ảnh hưởng đến uy tín và tương lai đầu tư của nước bạn và các tổ chức quốc tế cho đầu tư XDCB của Việt Nam. Phòng ngừa hữu hiệu sai phạm và tội phạm trong đầu tư XDCB là góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Đoàn Oanh