Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh (4): Làm thất bại mọi toan tính thâm hiểm phủ nhận cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng

ANTD.VN - Việc Hội nghị Trung ương lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII không chỉ khẳng định kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hành vi tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà còn mở rộng, nâng tầm cuộc chiến này cũng chính là sự bác bỏ trực diện những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vừa là nhiệm vụ thường xuyên, vừa là công việc lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Có thể nói, đó là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp bởi “đấu tranh chính trị là hình thức đấu tranh cao nhất của giai cấp vô sản”.

Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW (ngày 22-10-2018) “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đầy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Điều này cho thấy, đấu tranh chống những những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, hệ trọng, mang tính sống còn đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Dưới ánh sáng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, từ ý nghĩa và giá trị lịch sử mang tính thời đại trong tư tưởng của Người soi rọi vào cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta để thấy đây là một trong những vấn đề cần thiết, cấp bách hiện nay. Cuộc chiến này vô cùng cam go, phức tạp không chỉ riêng đối với một quốc gia, dân tộc hay một chế độ, đảng phái nào mà nó mang tính toàn cầu. Đảng ta đã nhìn trực diện, không né tránh thực trạng, đánh giá đúng sự thật, từ đó đề ra những giải pháp mang tính đồng bộ, khoa học, tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, nghiêm khắc, xuyên suốt và bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - thứ “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Từ nhận thức đúng đắn và sự vào cuộc toàn tâm, toàn lực của cả hệ thống chính trị, đến nay, cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống “giặc nội xâm” của Đảng ta đã có bước tiến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự đã “trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”. Để đi đến cái đích vinh quang là tiễu trừ và loại bỏ hoàn toàn tham nhũng, tiêu cực ra khỏi đời sống xã hội, chúng ta sẽ phải vượt qua vô vàn những khó khăn, thách thức, thậm chí là những cản trở mang tính quy luật về tồn tại xã hội không thể tránh khỏi. Một trong những trở ngại đó là với bản chất chống phá của các thế lực thù địch, chúng luôn tìm đủ mọi cách để can thiệp, gây mất ổn định chính trị, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Và trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các thế lực thù địch hoàn toàn không muốn thừa nhận điều đó, ngược lại luôn tìm các xuyên tạc, phủ nhận với các luận điệu ngày càng tinh vi, phức tạp. Tuy nhiên, chúng không thể bác bỏ được thực tế hiển nhiên là những kết quả quan trọng đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta, góp phần vào thành tựu chung của đất nước, tạo không khí phấn khởi trong xã hội, tăng cường niềm tin trong nhân dân.

Trần Quân - Tuấn Dũng

Phòng từ gốc, chống đến cùng những biểu hiện tiêu cực để ngăn ngừa tham nhũng

Xuyên suốt trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta, các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước luôn lợi dụng vấn đề tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để tập trung chống phá. Sự chống phá này càng ráo riết hơn mỗi dịp diễn ra các sự kiện trọng đại như các kỳ Đại hội Đảng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương; các cuộc bầu cử Quốc hội, họp Quốc hội… Bởi chúng luôn muốn phủ nhận những thành tựu mà Đảng, đất nước và nhân dân ta đạt được, phủ nhận thành tựu dưới sự lãnh đạo của Đảng hòng từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện “diễn biến hòa bình” đòi thay đổi chế độ, đa nguyên, đa đảng.

“Chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu;

biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Có thể nói, trong những thành tựu nổi bật đạt được trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII tới nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước, tạo không khí phấn khởi trong xã hội, tăng cường niềm tin trong nhân dân với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Thế nên, không ngạc nhiên khi thấy các thế lực thù địch, phản động, bất mãn và cơ hội chính trị tập trung chống phá. Chúng giở đủ giọng điệu xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo… để phá hoại công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Lợi dụng việc dư luận xã hội bức xúc về tệ nạn tham nhũng, tiêu cực và công tác quản lý kinh tế, trong khi công tác xây dựng Đảng, ngăn chặn đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực của Đảng còn những mặt hạn chế, những thế lực thù địch, chống phá đã đưa ra luận điểm cho rằng “Đảng độc tôn lãnh đạo không thể đấu tranh chống tham nhũng thành công”. Chúng rêu rao, “tham nhũng là căn bệnh kinh niên của chế độ độc đảng cầm quyền” vì “Đảng vừa đá bóng, vừa thổi còi”; do xã hội thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng thành công; đã nhiều lần phát động chống tham nhũng, nhưng đều không thành công, tệ nạn lại càng gia tăng... Từ đó, chúng lớn tiếng rằng, “cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể thành công”.

Cùng với đó, các thế lực, phản động cũng tìm cách để xuyên tạc, bóp méo công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý cán bộ sai phạm ở nước ta. Chúng lập lờ “đánh lận con đen”, xuyên tạc hòng biến việc xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực và cán bộ sai phạm ở nước ta thành chuyện “thanh trừng, đấu đá nội bộ, phe cánh chính trị”. Việc xử lý những cán bộ, đảng viên sai phạm, kể cả những người từng giữ cương vị rất cao là minh chứng cho quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời mang lại niềm tin rất lớn của nhân dân đối với Đảng trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, “quốc nạn” này. Thế nhưng, chúng vẫn cố tình quy chụp đó là “sự thất bại nặng nề của công tác nhân sự mà Đảng lãnh đạo” mà nguyên nhân là bởi “Đảng thiếu năng lực”. Cuối cùng, chúng tự lộ mục đích chống phá xấu xa, phủ nhận vai trò, sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi trắng trợn quy kết rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể phòng, chống được tham nhũng”.

Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật”, Đảng ta nhìn nhận rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội; tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và của chế độ. Thế nhưng, cũng phải khẳng định là những năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đặc biệt, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Quyết định số 162-QĐ/TW ngày 1-2-2013); sau đó ngày 10-9-2021, Bộ Chính trị thống nhất tên gọi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (bổ sung từ “tiêu cực”) để bao quát được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mở rộng thêm phạm vi của Ban Chỉ đạo chính là bước tiến mới mạnh mẽ hơn trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phòng từ gốc, chống đến cùng những biểu hiện tiêu cực để ngăn ngừa từ xa các hành vi tham nhũng.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng tới nay, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà trực tiếp, thường xuyên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo đã được triển khai quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và hệ thống chính trị được thể hiện rõ qua Văn kiện Đại hội Đảng, qua các Chỉ thị, Nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng và chỉnh đốn Đảng, về phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực... Những chủ trương, chính sách của Đảng đã được hiện thực hóa bằng luật pháp, quy định ngày càng chặt chẽ, nghiêm minh của Nhà nước.

Việt Nam phòng, chống tham nhũng gây ấn tượng đối với cộng đồng quốc tế

Như đã đề cập và phân tích ở trên, việc đổi tên Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chính là bước tiến mới trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, theo đúng tinh thần thống nhất tại Phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo (ngày 5-8-2021). Vậy mà ngay sau hội nghị này, nhiều bài viết trên mạng xã hội, bình luận của các thế lực thù địch, phản động đã đưa ra những cái nhìn phiến diện, tiêu cực, xuyên tạc về việc đổi tên Ban Chỉ đạo. Chúng cho rằng đặt tên này là sai, “tiêu cực là hệ quả của tham nhũng chứ không phải nguồn gốc của tham nhũng; đặt vấn đề sai, gốc rễ sai thì không thể giải quyết được”, “tham nhũng có nguyên nhân gốc rễ, là do “chế độ”, nên muốn chống tham nhũng phải thay đổi chế độ chứ không chỉ đổi tên”. Khẳng định ngay, việc đặt tên này không sai. Khoản 1, Điều 3, Luật Phòng, Chống tham nhũng (Luật số 36/2018/QH14 ngày

20-11-2018) định nghĩa: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Từ điển tiếng Việt định nghĩa “tiêu cực” là: “Không lành mạnh, có tác dụng không tốt đối với quá trình phát triển của xã hội”. Còn “hệ quả” là: “Kết quả trực tiếp sinh ra từ sự việc nào đó (thường là việc không hay), trong quan hệ với sự việc ấy”.

Trong thời gian qua, Đảng ta đã ban hành rất nhiều các Chỉ thị, Nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã thể hiện quyết tâm của Đảng trong ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên khi khẳng định: “Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”. Tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), Đảng đã ban hành Nghị quyết “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” với những hành động quyết liệt hơn. Trong đó, Nghị quyết đã liệt kê 3 nhóm nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bao gồm: 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nếu như quan niệm tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn thì rõ ràng chỉ những người có chức vụ, quyền hạn mới có thể lợi dụng để tham nhũng. Đây là một loại hành vi tha hóa đạo đức cá nhân để làm những việc bất chính nhằm biến tài sản Nhà nước, tài sản của nhân dân thành tài sản riêng hoặc của một “nhóm lợi ích”. Còn tiêu cực là một hiện tượng phổ biến và kể cả những người không có chức vụ cũng có thể tiêu cực, đặc biệt là về suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Từ tiêu cực của suy thoái về tư tưởng chính trị, nếu không được ngăn chặn và xử lý kịp thời rất dễ dẫn tới suy thoái về đạo đức lối sống. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) xác định 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, trong đó biểu hiện thứ 7 được chỉ ra là: “Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực”. Như vậy, tham nhũng là hệ quả của tiêu cực, mà cụ thể ở đây là những tiêu cực trong suy thoái về tư tưởng chính trị và một phần lớn từ suy thoái về đạo đức, lối sống. Như vậy, tham nhũng là hệ quả của tiêu cực chứ không phải “tiêu cực là hệ quả của tham nhũng” như luận điệu của các thế lực thù địch, phản động.

Tham nhũng là một hiện tượng mang tính xã hội và có ở mọi xã hội, mọi thời đại, mọi quốc gia. Thực tế chứng minh rằng hầu hết các nước trên thế giới đều có hiện tượng tham nhũng, trong đó tham nhũng ở nhiều quốc gia đa đảng, đa nguyên chính trị còn rất khủng khiếp. Theo báo cáo mới nhất năm 2023 của Tổ chức Minh bạch thế giới (Transparency International), Hungary, Bulgaria và Romania đứng ở 3 vị trí đầu tiên trong số 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu có tình trạng tham nhũng cao nhất. Năm 2022 Somalia là quốc gia tham nhũng nhất thế giới, tiếp đến là Syria, Nam Sudan, Venezuela, Yemen, Libya… Đối với Việt Nam, Chỉ số cảm nhận tham nhũng (Corruption Perceptions Index - CPI) năm 2022 đã tăng 3 điểm lên 10 bậc trong bảng xếp hạng nhờ nỗ lực chống tham nhũng. Việt Nam được Tổ chức Minh bạch thế giới đánh giá là 1 trong 5 quốc gia cải thiện chỉ số CPI nhiều nhất trong 5 năm liên tục, vươn từ 39 lên 42 trên thang điểm 100, là 1 trong 6 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương tiến bộ nổi trội. Kết quả này cho thấy bước tiến trong cải cách thể chế, hoàn thiện bộ máy chống tham nhũng, hiện thực hóa chiến lược chống tham nhũng qua kế hoạch hành động cụ thể và đặc biệt là sự quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam. Thực tế, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh trong 10 năm qua (Việt Nam tăng hơn 30 bậc về chỉ số nhận thức tham nhũng) và vẫn đang tiếp tục mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn tại Việt Nam đã gây ấn tượng đối với cộng đồng quốc tế.

Có những thời điểm, những nỗ lực trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam là một trong những chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của báo chí quốc tế. Đơn cử, với tựa đề “Điều gì đằng sau cuộc chiến chống tham nhũng mới nhất của Việt Nam” (bài viết đăng tải trên Bloomberg) đã phân tích về chiến dịch phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại Đông Nam Á. Bình luận về công cuộc phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam, Báo The Economist đã sử dụng nguyên văn cụm từ “Dot lo” (đốt lò) bằng tiếng Việt. Điều này chỉ từng xảy ra với một vài cụm từ tiếng Việt nổi tiếng như “đổi mới”, hay “áo dài”. Tờ Thời báo châu Á (ASIA Times) bình luận: “Việc thúc đẩy một môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp bằng cách hạn chế tham nhũng là một điều cần thiết và cấp bách để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào thời điểm các nhà sản xuất toàn cầu đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng”. Việc dùng cụm từ “đốt lò” cho thấy, công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam thật sự gây ấn tượng trên thế giới… Vì vậy, luận điệu của các thế lực thù địch, phản động cho rằng tham nhũng ở Việt Nam là do chế độ chắc chắn không chỉ không thuyết phục mà còn hoàn toàn xuyên tạc sự thật.

Năm 2022, Việt Nam tăng 3 điểm trên bảng xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 180 quốc gia, vùng lãnh thổ so với năm 2021 (từ 39 lên 42), cho thấy những nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nước được quốc tế ghi nhận

Năm 2022, Việt Nam tăng 3 điểm trên bảng xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 180 quốc gia, vùng lãnh thổ so với năm 2021 (từ 39 lên 42), cho thấy những nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nước được quốc tế ghi nhận

“Chỉ mặt, điểm tên” những luận điệu xuyên tạc

Không chỉ có vậy, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động luôn âm mưu, tìm mọi cách thức, bằng nhiều thủ đoạn, vừa công khai, trắng trọn, vừa ngấm ngầm hòng phá hoạt, bôi nhọ, bóp méo công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta. Chúng liên tục “nhai đi” nhiều lần rằng, các hoạt động phòng, chống tham nhũng của Đảng hiện nay “chỉ là để mị dân”, hay “Đảng Cộng sản Việt Nam không thật sự quyết tâm chống tham nhũng”. Mặt khác, trước kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, hoặc xử lý hình sự do tham nhũng, chúng “nhai lại” rằng “tham nhũng là sản phẩm của chế độ chính trị ở Việt Nam” và “Việt Nam càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng nhiều, bởi đó là căn bệnh kinh niên của thể chế chính trị một đảng cầm quyền”; “Xã hội thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng”; “Đảng cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng vì Đảng cũng tham nhũng, suy thoái”… Từ đó, chúng kêu gọi phải thay đổi thể chế chính trị, thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập thì mới có thể chống được tham nhũng. Cổ xúy cho khuynh hướng này, bài viết “Thuốc đặc trị chữa tham nhũng: Thay đổi thể chế” xuyên tạc công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta; trong đó, nêu câu hỏi mang tính kích động chính trị, rằng: “Liệu có diệt được tham nhũng trong thể chế hiện hành hay không?” và đưa ra “lời khuyên”: Việt Nam nên từ bỏ chế độ chính trị hiện hành để chuyển sang chế độ tư bản chủ nghĩa mới chống được tham nhũng. Những luận điểm kiểu này thực sự nguy hiểm, ngoài việc phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà còn dễ làm cho người dân lầm tưởng tham nhũng gắn liền với thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa và do chế độ một đảng cầm quyền gây ra; qua đó làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và gây nên nguy cơ bất ổn về chính trị trong xã hội. Vì vậy, tất cả những luận điệu cho rằng “Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng” hoặc cho rằng, chống tham nhũng ở Việt Nam theo kiểu “giật gấu vá vai”, “che mắt thế gian”, “thanh trừng bè phái”... đều là những luận điệu thâm độc, phá hoại cần phải đấu tranh loại bỏ.

* * *

Có thể khẳng định, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta không chững lại mà còn tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và sẽ hiệu quả hơn nữa với những giải pháp mới mang tính đột phá. Kế thừa và phát huy kết quả, bài học kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng ta đã thống nhất đề ra nhiều chủ trương và giải pháp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tiến hành quyết liệt, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Thực tiễn đó có ý nghĩa to lớn, tạo tiền đề quan trọng để đất nước ta tiếp tục phát triển theo các mục tiêu đã được xác định tại Đại hội XIII của Đảng. Với sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta chắc chắn sẽ đạt được kết quả cao hơn nữa. Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới tiễu trừ hoàn toàn ra khỏi đời sống xã hội. Nói cách khác, chính kết quả rất quan trọng này đã làm thất bại mọi toan tính thâm hiểm hòng phủ nhận công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và sâu xa hơn là hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta.

Đảng ta đang chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt. Theo cố Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng (mất ngày 2-10-2022) từng trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô đã khẳng định: “Nhân dân vẫn còn nhiều bức xúc, tham nhũng tiêu cực vẫn chưa đẩy lùi được hoàn toàn. Chống tham nhũng không có nghĩa là chờ đồng chí mình phạm tội rồi đem ra kỷ luật, mà phải chủ động phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Người đứng đầu các cơ quan trước hết phải làm gương, rồi sau đó là đôn đốc, nhắc nhở, nếu đã có sai sót phải kiểm điểm, chỉ ra vi phạm. Tham nhũng ngày một phức tạp, lan rộng và tinh vi. Qua kết quả kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, của Thanh tra Chính phủ, của Kiểm toán Nhà nước, của cơ quan điều tra… cho thấy đang bộc lộ một bộ phận cán bộ có chức có quyền đã bị thoái hóa, biến chất. Nhiều vụ việc đã xử lý, nặng thì ra vành móng ngựa, nhẹ thì bị kỷ luật Đảng, kỷ luật chính quyền… Rõ rang, tham nhũng xuất hiện ở nhiều nơi, những chỗ có công quỹ, có đất thì đều để xảy ra sai phạm, đó là điều đáng lo.

Bộ Chính trị đã họp và thống nhất bổ sung tên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua thực tiễn không thể tách được tiêu cực với tham nhũng. Tham nhũng cũng là một dạng tiêu cực, tham nhũng có nhiều nguồn gốc do tiêu cực. Có thể cán bộ tiêu cực nhưng chưa tham nhũng, nhưng tiêu cực là “mầm mống” dẫn tới tham nhũng. Tôi tin những người nhiệt huyết chống tham nhũng, những người liêm chính vẫn còn nhiều. Tôi tin rằng Đảng ta sẽ nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng, nói rõ sự thật và sẽ loại trừ được nạn tham nhũng, tiêu cực để đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân. Tôi luôn thấy sự quyết tâm của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng đều phát biểu với sự quyết tâm rất cao trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ trước đến nay có nhiều vụ việc cũng gọi là tày đình, liên quan đến các cán bộ cao cấp, thấy rằng quan điểm của Đảng rất rõ ràng - tức là không phải chỉ hô khẩu hiệu mà là làm thật, thực hiện thật việc không có “vùng cấm” ở ngay trong Đảng”.

Việt Nam là 1 trong số 6 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tiến bộ nổi trội trong nỗ lực chống tham nhũng năm 2022 (Theo Tổ chức Minh bạch thế giới - Transparency International)

Việt Nam là 1 trong số 6 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tiến bộ nổi trội trong nỗ lực chống tham nhũng năm 2022 (Theo Tổ chức Minh bạch thế giới - Transparency International)

PGS.TS Nguyễn Cảnh Quý (Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để đấu tranh hiệu quả với tội phạm tham nhũng

“Theo tôi, để công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng tăng thêm hiệu quả, chúng ta cần tiếp tục sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng để quy định một cách toàn diện, bao quát, nhất là quy định cụ thể các biện pháp để bảo đảm thực hiện việc công khai, minh bạch đầy đủ, kịp thời các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị… Luật Phòng, chống tham nhũng cần quy định các biện pháp hữu hiệu, các cơ quan chuyên trách quản lý, xác minh những kê khai tài sản, thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn xem có trung thực, chính xác không. Đặc biệt là cần quy định một cơ chế theo dõi biến động tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và trách nhiệm giải trình, làm rõ tài sản, thu nhập gia tăng không hợp lý, không rõ ràng. Hoàn thiện các quy định tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng, nhất là quy định xem xét đơn thư nặc danh, tạo điều kiện cho người dưới quyền, người dân dám nói lên sự thật. Bởi những người tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, nên những người tố cáo rất e ngại bị trả thù.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện pháp luật hình sự để có thể hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp. Kinh nghiệm lập pháp một số nước cho thấy, họ đã hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp như một giải pháp để đấu tranh hiệu quả đối với tội phạm tham nhũng. Nghĩa là trách nhiệm chứng minh tài sản bất minh hay không được chuyển từ các cơ quan tố tụng sang người nắm giữ tài sản. Nếu người có chức vụ, quyền hạn không chứng minh được tài sản của mình là hợp pháp thì tài sản đó là tài sản tham nhũng. Ngoài ra, bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội phạm đưa hối lộ và xây dựng chế tài thích hợp với pháp nhân. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân và giới hạn trong 31 tội danh, trong đó không có tội đưa hối lộ. Vì vậy, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với hành vi đưa hối lộ là cần thiết.

Chúng ta cũng cần xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng, bởi biện pháp hình sự cũng có một số hạn chế, bao gồm yêu cầu tiêu chuẩn cao về bằng chứng buộc tội. Ngoài ra, truy tố hình sự sẽ gặp trở ngại lớn trong trường hợp người phạm tội chết hoặc bỏ trốn hoặc được hưởng quyền miễn trừ. Theo kinh nghiệm quốc tế, việc thu hồi tài sản tham nhũng có thể khởi kiện về tài sản theo pháp luật dân sự và tố tụng dân sự. Trước mắt, có thể áp dụng thu hồi tài sản tham nhũng theo quy trình khởi kiện dân sự đối với các trường hợp: Người phạm tội bỏ trốn, không thể mở phiên tòa để phán xử hình sự; người phạm tội chết hoặc chết trước khi ra phán quyết buộc tội; người phạm tội mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức; không xác định được người phạm tội nhưng phát hiện được tài sản phạm tội; không đủ chứng cứ để tiếp tục tiến trình truy cứu hình sự đối với người tình nghi phạm tội tham nhũng”.

Thẩm phán Trương Việt Toàn (nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân TP Hà Nội): Xử lý nghiêm với những bị cáo chủ mưu, cầm đầu

“Có thể khẳng định, trong thời gian qua, tất cả các vụ án tham nhũng kinh tế đặc biệt lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi đều được Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử kịp thời, đúng pháp luật. Việc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm và hình phạt được áp dụng theo đúng nguyên tắc pháp luật. Đó là nghiêm khắc đối với những bị cáo chủ mưu, cầm đầu và khoan hồng đối với những bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tích cực phối hợp với cơ quan tố tụng, tích cực khắc phục hậu quả…

Việc đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng trong thời gian qua đã góp phần rất lớn vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là có sức răn đe, phòng ngừa, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Đặc trưng cơ bản của các vụ án tham nhũng kiểu này là tính chất rất nghiêm trọng, số lượng bị cáo lớn, là những người có chức vụ, quyền hạn, trình độ cao và xảy ra ở nhiều địa bàn, địa phương, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, xảo quyệt. Để xét xử thành công các vụ án tham nhũng kinh tế lớn, từ đó ra một bản án thấu tình đạt lý khiến các bị cáo “tâm phục khẩu phục”, dư luận xã hội đồng tình, hưởng ứng thì thứ nhất là mỗi Thẩm phán phải luôn không ngừng tự mình giác ngộ chính trị, tư tưởng cũng như bản lĩnh nghề nghiệp. Thứ hai là công tác chuẩn bị xét xử phải tiến hành thật kỹ lưỡng. Khi nghiên cứu hồ sơ phải xem xét, đánh giá toàn diện chứng cứ buộc tội và gỡ tội, tội danh… Cũng ở giai đoạn này, công tác triệu tập tới phiên tòa phải đặc biệt quan tâm đến quyền của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Công tác điều hành phiên tòa và xét xử phải đảm bảo đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục tố tụng; đảm bảo việc tranh tụng tại phiên tòa không hạn chế thời gian của các bị cáo, luật sư cũng như những người tham gia tố tụng khác. Quá trình xử án phải chủ động cách ly, đối chất khi cần thiết và yêu cầu kiểm sát viên đối đáp với quan điểm của luật sư bào chữa nhằm bảo đảm nguyên tắc mọi chứng cứ đều phải được thẩm tra công khai tại phiên tòa. Bên cạnh đó, cần phải xác định việc tranh tụng dân chủ tại phiên tòa chính là một trong những điều kiện, căn cứ để ra bản án đúng pháp luật.

Có thể nói, xét xử chính là khâu quan trọng nhất và gần như là “cửa ải” cuối cùng trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bằng biện pháp hình sự. Vì thế, ngoài phạm vi truy tố của Viện Kiểm sát, nếu có dấu hiệu tội phạm mới hoặc bỏ lọt tội phạm, lọt hành vi phạm tội thì cần phải khởi tố ngay tại phiên tòa hoặc kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục đấu tranh, làm rõ. Thực tế, quá trình xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế lớn, các Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã không ít lần khởi tố bị can ngay tại phiên tòa khi nhận thấy có dấu hiệu tội phạm”.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng (nguyên Kiểm sát viên cao cấp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao): Đánh thẳng vào những “huyệt đạo” tham nhũng, tiêu cực

“Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả như mong đợi, chúng ta cần phải hiểu được nguyên nhân sâu xa và cái gốc của vấn đề. Thực tế cho thấy, có rất nhiều tội phạm phát sinh do cơ chế. Vì nhiều khi thực hiện rất đúng chủ trương nhưng lại sai phương pháp, cách thức nên dẫn đến sai phạm bị xử lý. Chống tham nhũng, tiêu cực nếu không có thiết chế pháp lý làm xương sống không khéo sẽ dẫn tới tình trạng chỉ chăm chăm bảo vệ bản thân mình, đồng thời sẽ triệt tiêu đi tính sáng tạo, tính tự chủ và tính độc lập trong quản lý điều hành. Vì thế, bên cạnh nhiệm vụ chống, nhất thiết cần phải tạo điều kiện, mở đường để nuôi dưỡng sự sáng tạo, tính tự chủ ở mỗi cán bộ, mỗi cấp, mỗi ngành. Mà muốn có được tính tự chủ thì cần phải có hệ thống pháp luật cùng thiết chế quản lý, điều hành bộ máy, xã hội phù hợp. Chúng ta đang mong muốn quản lý Nhà nước bằng pháp luật nhưng lại chưa chú trọng tới xây dựng hệ thống pháp luật, dẫn đến sự thiếu hụt các thiết chế này. Thật đau xót vì đôi khi xử lý tham nhũng, tiêu cực chẳng khác nào tự chặt vào tay chân mình.

Về quan điểm, đường lối và chế tài xử lý tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay, tôi cho rằng chúng ta đã rất mạnh dạn xử lý, thậm chí là đánh thẳng cả vào những “huyệt đạo” quan trọng trên thân thể mình một cách mạnh mẽ. Thời gian qua, ngay cả những người, những nhân vật từng là Ủy viên Bộ Chính trị hay Ủy viên Trung ương Đảng cũng bị xử lý nghiêm. Điều này là rất tốt, rất mạnh dạn. Nhưng xử lý tham nhũng nếu không khéo léo, bài bản sẽ dễ xâm lấn vào những quy định pháp luật mang tính ổn định và làm giảm tính hiệu quả của hoạt động tố tụng, cơ quan tư pháp. Từ đó sẽ gây ra sự khủng hoảng về niềm tin và không còn đúng nguyên với cái nghĩa của Nhà nước pháp quyền, quản lý xã hội bằng pháp luật. Trong thời gian qua, đã có những vụ án, những bị cáo liên tục bị đưa ra xét xử ở nhiều vụ án khác nhau, rồi bị xử phạt với tổng mức án lên đến vài chục năm tù. Điều này chưa chắc đã đem lại hiệu quả răn đe như mong muốn. Bởi mục đích răn đe là phải ngăn chặn được những xu hướng, tư tưởng, mầm mống tha hóa, sa đọa về phẩm chất.

Đối với việc thu hồi tài sản tham nhũng, tôi được biết, ở các nước phương Tây, họ còn có các thỏa thuận, thỏa hiệp ngay tại phiên tòa hoặc có những chính sách đặt tiền bảo lãnh… nhằm mục đích thu hồi tài sản tham nhũng là trên hết. Hiện nay, mặc dù chúng ta đã nêu cao mục đích thu hồi tài sản tham nhũng nhưng thực tế dường như mới chỉ mang tính phạt vạ. Bởi về nguyên tắc cũng như tính hiệu quả thì thu hồi tài sản cần phải thu đúng vào người chiếm đoạt. Đã đến lúc chúng ta cần tính tới việc đặt tiền, đặt cọc, bảo lãnh… trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bởi cái đó sẽ thu hồi lại được rất nhiều tiền. Chiến lược cách mạng chống tham nhũng lúc này của chúng ta là phải ngăn chặn được các hành vi tiêu cực, đồng thời phải kịp thời thu hồi được tài sản. Hai việc đó phải đi song song với nhau. Còn hiện tại, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta mới chỉ đạt bước đầu được một khâu là xử nghiêm, xử nặng người phạm tội mà chưa đạt được mục đích thu hồi tài sản. Tôi cho rằng, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều tiến bộ và thiết thực hơn so với Bộ luật cũ. Nhưng biện pháp tổ chức thi hành, thực hiện nó vẫn chưa thỏa đáng, chưa đáp ứng và chưa tương thích với yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đúng như tinh thần của nó”.

TTXVN

TTXVN

Ông Lê Văn Long (Xí nghiệp 3, Công ty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội): Chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam là điểm nhấn trong xu thế chung của thế giới

“Hậu quả của tham nhũng, tiêu cực chúng ta đã nói đến nhiều, từ việc gây ảnh hưởng kinh tế, mục ruỗng bộ máy của Đảng, Nhà nước, cản trở sự phát triển của đất nước thì còn vô vàn những hệ lụy khác. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến việc nó làm xói mòn lòng tin của nhân dân và là cơ sở để các thế lực thù địch lợi dụng chia rẽ lòng dân với Đảng, với chính quyền. Từ đó, chúng tuyên truyền những tư tưởng sai trái, dần dần khiến người dân thêm hoài nghi, ngờ vực. Những hệ lụy này có thể chưa phát tác ngay lập tức, chưa nhìn thấy ngay tức thì, nhưng về lâu dài, khi lòng tin đã sụp đổ thì rất khó để xây dựng lại, rất khó cho việc huy động sức dân để thực hiện các mục tiêu xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng từ tham nhũng, tiêu cực, các thế lực thù địch tận dụng để quy chụp rằng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực chỉ tồn tại ở chế độ một đảng cầm quyền như Việt Nam. Qua đó, chúng lập lờ đánh tráo đây là “lỗi hệ thống”, vấn đề nằm ở “bản chất thể chế” và không bao giờ có thể thay đổi được, bất chấp thực tế là thể chế chính trị khác nhau không thể là lằn ranh ngăn cản sự xuất hiện của tham nhũng, tiêu cực. Và cũng từ đó chúng quy kết việc chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam có hiệu quả thấp hơn rất nhiều so với các thiết chế quyền lực tư bản “tam quyền phân lập”. Những luận điệu này cùng với tình trạng tham nhũng, tiêu cực chưa được xử lý triệt để, đặc biệt là tình trạng “tham nhũng vặt” sẽ cộng hưởng với nhau tạo ra hiệu ứng “mưa dầm thấm lâu” và là một nguy cơ rất lớn khiến chúng ta rơi vào tình trạng vừa bị nội công (mất dân, mất cán bộ, ảnh hưởng đến bộ máy của Đảng, Nhà nước…) vừa bị ngoại kích (các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá). Trong khi thực tế, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước Việt Nam chỉ đạo thực hiện quyết liệt, được nhân dân hết sức ủng hộ, đạt những kết quả tích cực thời gian gần đây là minh chứng bác bỏ các luận điệu xuyên tạc đó. Những giọng điệu xuyên tạc, bịa đặt lạc lõng ấy không làm suy giảm quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Cộng đồng quốc tế và những người khách quan đều đánh giá tích cực về nỗ lực này của Việt Nam. Kết quả tích cực bước đầu cùng sự đánh giá cao của quốc tế sẽ là động lực để công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam tiếp tục mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước hơn nữa, mang lại nhiều hơn niềm tin trong nhân dân trên con đường phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ tẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản”. Công tác chống tiêu cực, tham nhũng đã cho thấy quyết tâm, nói được, làm được và niềm tin của nhân dân đã được khôi phục mạnh mẽ. Thời gian đã chứng minh và là câu trả lời rõ rệt nhất rằng, công cuộc chống tham nhũng của Đảng “không có vùng cấm”; cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam là điểm nhấn trong xu thế chung của thế giới”.