Phòng, chống tệ nạn mại dâm trong bối cảnh đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 9/12, Hội LHPN Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến tuyên truyền về “phòng, chống tệ nạn mại dâm và HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch Covid-19” tới các cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) Lê Thị Thúy thông tin tại hội nghị

Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) Lê Thị Thúy thông tin tại hội nghị

Dịch Covid-19 đã và đang tác động lên mọi mặt kinh tế, xã hội, bao gồm cả việc ứng phó với HIV/AIDS. Vì vậy, năm 2021, Việt Nam chọn chủ đề cho Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, nhằm tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Tại hội nghị là Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) Lê Thị Thúy đã thông tin về thực trạng, tình hình diễn biến dịch AIDS, thực trạng tình hình tệ nạn mại dâm, các hình thức hoạt động mại dâm, tệ nạn mại dâm trong bối cảnh dịch Covid-19 cùng những chính sách pháp luật và giải pháp tuyên truyền, giáo dục đẩy lùi tệ nạn này.

Báo cáo viên Lê Thị Thúy đặc biệt nhấn mạnh các nội dung tuyên truyền như Kế hoạch số 50-KT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Chỉ thị số 07 của Ban Bí thư về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Theo kế hoạch, cần giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao; Đưa tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng virus HIV đạt 95%; Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030…

Giới thiệu đến các cán bộ, hội viên về lịch sử mại dâm, đồng chí Lê Thị Thúy nhận định mại dâm là hiện tượng xã hội đã có từ lâu đời, nhưng tại Việt Nam, nó vẫn là một hoạt động bất hợp pháp, là nguyên nhân lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, ảnh hưởng tới giá trị truyền thống, đạo đức và nhân phẩm phụ nữ Việt Nam, gây tốn kém chi phí, nguồn lực cho công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội.

Dẫn ra các chính sách pháp luật về phòng chống mại dâm như Bộ luật Hình sự 2015, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, các nghị định, nghị quyết, chỉ thị về đẩy lùi tệ nạn này và Kế hoạch phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 – 2025, báo cáo viên Lê Thị Thúy cho rằng, để triển khai hiệu quả công tác này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm để phòng ngừa là rất quan trọng.

“Các phong trào phụ nữ và sự vào cuộc của các cấp Hội Phụ nữ cần có thêm những hoạt động, mô hình sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức cho phụ nữ về tệ nạn này, đồng thời có những biện pháp giúp đỡ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội chia sẻ.