Phòng cháy nhà chung cư: Nhiều mối lo
(ANTĐ) - Ngày 7-6, Phòng Cảnh sát PCCC - CATP Hà Nội đã công bố Báo cáo kết quả đợt tổng kiểm tra an toàn PCCC chung cư cao tầng trên toàn địa bàn Hà Nội. Theo Thượng tá Tô Xuân Thiều - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC - CATP Hà Nội: sau gần 2 tháng tích cực triển khai, các lực lượng chức năng thành phố đã ghi nhận, phát hiện nhiều bất cập trong công tác PCCC nhà chung cư, tồn tại trong nhiều khâu từ thiết kế, thi công đến quản lý sử dụng.
Lực lượng chữa cháy cơ sở vừa thiếu, vừa yếu |
Thực tập chữa cháy vẫn mang tính hình thức
Thượng tá Tô Xuân Thiều cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và Bộ Công an, sau khi xảy ra vụ cháy toà nhà 18 tầng JSC34 làm 2 người chết, đoàn kiểm tra công tác PCCC do Công an thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng; Quy hoạch và kiến trúc; Sở Kế hoạch và Đầu tư, đã tiến hành tổng kiểm tra công tác PCCC tại các chung cư, trong đó tập trung kiểm tra các chung cư cao từ 7 tầng trở lên.
Đến nay, đoàn đã kiểm tra tổng số 368 chung cư, trong đó có 80 nhà cao từ 7 - 9 tầng; 288 nhà cao từ 10 tầng trở lên. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã lập 323 biên bản kiểm tra, kiến nghị gần 1.300 các thiếu sót, tồn tại, lập biên bản xử phạt hành chính 25 lượt cơ sở, với số tiền 28,7 triệu đồng. Trong đó, đáng chú ý có 178/368 nhà có hệ thống thu rác nhưng chỉ có 70 nhà đạt yêu cầu; 119/368 nhà có bể nước xe chữa cháy có thể hút nước được. Thượng tá Tô Xuân Thiều khẳng định: Đợt kiểm tra cho thấy hầu hết các nhà chung cư, nhà tái định cư đều chưa xây dựng phương án chữa cháy, không tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra. Việc tổ chức thực tập phương án còn mang tính hình thức.
Các chủ đầu tư còn thiếu trách nhiệm không lập hồ sơ quản lý về công tác PCCC hoặc đã lập nhưng chưa phân công cán bộ chuyên trách lưu giữ hồ sơ nên không được bổ sung, cập nhật thường xuyên theo quy định. Hệ thống thang máy của các chung cư cũng chưa hiện đại, khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, thang máy sẽ dừng lại ngay hoặc chỉ chạy tới tầng gần nhất, ảnh hưởng lớn đến công tác thoát nạn của người dân trong tòa nhà. Tại các nhà chung cư có sử dụng các chai LPG (gas trung tâm) để phục vụ kinh doanh, số lượng chai LPG đặt trên các nhà cao tầng quá quy định (quá 70kg), không được cơ quan PCCC thẩm duyệt về PCCC, vị trí các chai LPG này thường gần nguồn nhiệt, gần cống rãnh, không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC...
Giải pháp kỹ thuật không đảm bảo
Nhiều căn hộ chung cư được người dân tự ý cho thuê làm văn phòng, làm gia tăng mật độ người sinh hoạt trong tòa nhà. Theo cơ quan PCCC, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Không những vậy, do chuyển đổi công năng từ nhà ở sang làm văn phòng, khiến nhu cầu sử dụng điện tại các chung cư gia tăng, dẫn đến tình trạng quá tải dây điện và thiết bị điện gây cháy, nổ. Vụ cháy tại phòng 806, chung cư 34T, khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính là một ví dụ điển hình. Nghiêm trọng hơn, người dân sống trong các khu chung cư hiện vẫn giữ thói quen sử dụng nguồn lửa không đảm bảo quy định an toàn PCCC, đun nấu tại khu vực hành lang, cầu thang, đốt vàng mã không đúng nơi quy định, đổ than tổ ong, tro than đang cháy vào các ống đổ rác gây hỏa hoạn. Tại các nhà tái định cư, người dân còn để các vật dụng, hàng hóa trong buồng thang thoát nạn.
Đợt kiểm tra cũng cho thấy, đường giao thông xung quanh các toà nhà chung cư hiện nay bị người dân chiếm dụng làm nơi để ôtô, xe máy, cản trở xe chữa cháy, xe thang tiếp cận hiện trường. Một số chung cư được xây dựng cạnh các đường giao thông nhỏ, hẹp, đường dây điện cản trở xe thang chữa cháy không thể tiếp cận. Điển hình tại chung cư 17 tầng Cầu Diễn, Tòa nhà Sông Đà, quận Cầu Giấy; chung cư 11 tầng - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; chung cư 18 Yên Ninh, quận Ba Đình; chung cư Sông Đà Nhân Chính ở 162 Nguyễn Tuân...
Theo Thượng tá Tô Xuân Thiều: Trên cơ sở các tồn tại nêu trên, Phòng Cảnh sát PCCC sẽ báo cáo Ban Giám đốc CATP Hà Nội, kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, ban hành các văn bản đối với các tòa nhà cao từ 100m trở lên phải xây dựng các khu vực lánh nạn, có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy... quy định bắt buộc các tòa nhà này khi xây dựng, chủ đầu tư phải lắp đặt hệ thống cấp nước chữa cháy khô trong nhà để lực lượng PCCC có thể sử dụng xe chữa cháy đẩy nước ở dưới, tổ chức chữa cháy trên cao, bởi xe thang chữa cháy của lực lượng PCCC không thể tiếp cận được những tòa nhà có độ cao trên 100 mét. Phòng Cảnh sát PCCC cũng đề xuất CATP Hà Nội, kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở GTVT khi quy hoạch điểm đỗ xe tại khu vực nhà cao tầng phải đảm bảo bãi, đường cho xe chữa cháy tác nghiệp được xung quanh tòa nhà.
Thu Hạnh