Phòng bệnh cho trẻ mùa nắng nóng

ANTD.VN - Thời tiết nắng nóng, đặc biệt là độ ẩm trong không khí cao là những điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh bùng phát và gây bệnh cho người, đặc biệt là trẻ em sức đề kháng còn yếu. Vì vậy các bậc cha mẹ phải lưu ý để phòng bệnh cho trẻ.

Phòng bệnh cho trẻ mùa nắng nóng ảnh 1Tạo môi trường sống trong lành và an toàn để tăng cường sức đề kháng giúp trẻ chống lại bệnh tật

Những bệnh lý thường gặp

Bệnh tiêu chảy. Mùa nóng là mùa bùng phát và dễ mắc bệnh tiêu chảy là do nắng nóng, thức ăn dễ bị ôi  thiu, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy.

Ngộ độc thức ăn. Mùa hè nếu thức ăn không được bảo quản kỹ và việc chế biến không đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn ở trẻ em.

Nhiễm siêu vi. Nắng nóng cũng là thời điểm trẻ dễ bị nhiễm siêu vi khiến trẻ bị sốt, phát ban, quấy khóc, nôn ói, ăn uống khó khăn… Một số siêu vi nguy hiểm có thể gây hại cho trẻ, chúng ta cần phải chú ý để có cách phòng ngừa chủ động bằng các loại vaccine sẵn có như cúm, sởi,  thủy đậu, bệnh quai bị, bệnh sốt phát ban rubella…

Viêm não Nhật Bản B. Theo ghi nhận của các chuyên gia y tế về bệnh truyền nhiễm thì tỷ lệ mắc bệnh viêm não Nhật Bản B ở trẻ em thường cao hơn mùa mưa. Đây là bệnh lý khá nguy hiểm nếu bệnh diễn tiến nặng mà không được phát hiện kịp thời.

Bệnh tay chân miệng. Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi, khả năng lây lan rất cao. Bệnh nguy hiểm nếu xuất hiện các biến chứng về thần kinh như run chi, co giật, gồng người, hốt hoảng, lơ mơ… nếu gặp những biểu hiện này  cha mẹ cần khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời.

Một số bệnh khác. Nhiệt độ tăng cao làm trẻ em thường bị chứng rôm sảy gây ngứa ngáy rất khó chịu; hoặc trẻ có thể bị say nắng nếu chơi ở ngoài nắng nóng quá lâu, vì cơ thể trẻ bị mất nước và muối khoáng khá nhiều qua sự bài tiết mồ hôi trên da, qua hơi thở.

Biện pháp phòng chống 

Sử dụng quạt, điều hòa hợp lý. Nếu cho trẻ sử dụng máy lạnh trong thời gian kéo dài quá mức và nhiệt độ phòng quá lạnh sẽ khiến đường hô hấp bị khô, dễ bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Nên để nhiệt độ trong phòng thấp hơn nhiệt độ môi trường bên ngoài khoảng 8-10 độ C. Cho trẻ uống đủ nước để khỏi bị khô họng, nhất là khi ngồi lâu trong phòng điều hòa để tránh ngạt mũi, viêm họng, đau đầu, chóng mặt. Khi định ra ngoài phòng lạnh nên từ từ mở rộng cửa, đợi 2-3 phút sau mới ra khỏi phòng để cơ thể có thời gian thích nghi với sự chuyển đổi không khí bên ngoài.

Vệ sinh cá nhân đúng cách. Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chơi đùa. Điều này giúp trẻ loại bỏ những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ đôi bàn tay. 

Mang khẩu trang cho trẻ  mỗi khi ra đường. Hàng ngày nên nhỏ mắt, nhỏ mũi cho trẻ vài lần bằng dung dịch nước muối loãng Natri Clorid 0,9% để làm sạch mũi, mắt. Không để trẻ chơi đùa ngoài trời nắng quá lâu, nhất là tránh cho trẻ tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10h sáng đến 4h chiều. Khoảng thời gian này có nhiều tia bức xạ nguy hại. Khi đi ra nắng hay đi học nhắc trẻ phải đội mũ, nón rộng vành.

Tạo môi trường sống trong lành và an toàn, giữ môi trường thông thoáng nhằm hạn chế sự lây nhiễm các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Vệ sinh môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng, ngăn chặn sự phát triển của muỗi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết, diệt loăng quăng...

Bổ sung đủ dinh dưỡng.  Tăng cường lượng dịch uống cần thiết, nhất là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi để nguội, nước rau má, nước mía...

Ăn uống hợp vệ sinh. Việc chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải tuân thủ chặt chẽ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm loại trừ tối đa các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Thực hiện tốt nuôi con bằng sữa mẹ là biện pháp chủ động nâng cao sức đề kháng cho trẻ, nhất là trẻ nhỏ và trẻ nhũ nhi. Sữa mẹ ngoài những dưỡng chất quan trọng còn có lượng kháng thể dồi dào giúp trẻ khỏe mạnh.

Tiêm vaccine đầy đủ. Tất cả những loại bệnh lý nguy hiểm  của trẻ đều có thể ngăn ngừa bằng tiêm vaccine, giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất trong suốt mùa nắng nóng.