Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Y tế “xốc lại, lấy lại động lực" như trước đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Làm việc với Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị ngành cần "xốc lại với quyết tâm mới", "lấy lại động lực như thời điểm trước khi xảy ra đại dịch"… để giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên báo cáo tại buổi làm việc

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên báo cáo tại buổi làm việc

Ngày 9-2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm việc với Bộ Y tế về tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý, đầu thấu thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế và một số nội dung quan trọng khác.

Trình bày báo cáo của ngành, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, về công tác quản lý mua sắm thuốc, trong năm 2022, thực hiện Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Quốc hội, Bộ Y tế đã công bố danh mục 10.484 thuốc hết hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đã cấp đến hết ngày 31/12/2022; thực hiện cấp, gia hạn cho 2.875 thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Hiện tại, đang có xấp xỉ 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành đang còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất các loại, cơ bản đảm bảo được nguồn cung thuốc.

Ông Tuyên cũng nêu rõ trong thời gian vừa qua, việc cung ứng, mua sắm một số loại thuốc, nhất là thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm tại một số cơ sở y tế công lập gặp nhiều khó khăn; ảnh hưởng đến công tác khám, điều trị cho người dân.

Hay việc cấp phép đăng ký, cấp phép nhập khẩu, kinh doanh dược gặp khó khăn do trình tự, thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được quy định "cứng" trong Luật Dược. Số lượng hồ sơ yêu cầu gia hạn ngày càng tăng; nhân lực còn thiếu…

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi làm việc

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Bộ Y tế và các đơn vị của Bộ cũng đã báo cáo, kiến nghị, đề xuất những giải pháp để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của ngành; đại diện lãnh đạo một số bệnh viện, Sở Y tế các địa phương báo cáo một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc đang gặp phải và kiến nghị cụ thể.

Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chia sẻ những khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực, nặng nề của đại dịch đối với ngành y tế về nguồn lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất… Nhiều cơ chế, chính sách trước đây đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế, tồn tại sau khi "cơn bão" COVID-19 đi qua.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành y tế "xốc lại với quyết tâm mới, một tinh thần làm việc, cống hiến tận tuỵ", "lấy lại động lực như thời điểm trước khi xảy ra đại dịch", làm rõ nguyên nhân tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, thuốc, trang thiết bị vật tư, y tế, giải ngân vốn đầu tư công… từ đó xác định những vấn đề cần giải quyết cấp bách hoặc xử lý một cách căn cơ, bài bản.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tại buổi làm việc

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tại buổi làm việc

Trong đó, cần rà soát cụ thể từng điều, khoản, thông tư, nghị định, luật cần sửa đổi, bổ sung về tự chủ, xã hội hoá, mua sắm, đấu thầu,…; Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nhằm xây dựng được những chính sách cốt lõi, năng động, có tính chất đặc thù, riêng biệt để ngành y tế thực hiện tốt những nhiệm vụ quan trọng.

Lưu ý một số vấn đề cụ thể và nhiệm vụ trước mắt, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế sớm báo cáo với Chính phủ về kế hoạch xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Khám bệnh chữa bệnh bởi Luật này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2024.

Còn về tự chủ bệnh viện công lập, theo Phó Thủ tướng, Bộ Y tế cần thúc đẩy tự chủ bệnh viện mức độ cao tại những đô thị, địa bàn có điều kiện về kinh tế để dành nguồn lực cho các bệnh viện vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về hướng tháo gỡ khó khăn cho dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức một cách "khả thi, linh hoạt" chứ không chỉ "làm theo đúng quy trình, hết trách nhiệm"; xây dựng tiêu chí chặt chẽ, cải cách thủ tục để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…

Phó Thủ tướng nêu rõ, những vấn đề của ngành y tế rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Y tế là lĩnh vực đặc biệt nên cơ chế, chính sách phải đặc biệt.

Các bộ, ngành phải vào cuộc cùng Bộ Y tế khắc phục khó khăn.