Phó Chánh án TANDTC: "Không "vẽ" ra quy định phạt nhà báo ghi âm ghi hình tại toà nhằm gây khó khăn cho báo chí"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Tại buổi họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh xử phạt VPHC với hành vi cản trở hoạt động tố tụng sáng 29-8, ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án thường trực – TAND Tối cao cho biết, quy định xử phạt nhà báo vi phạm quy định về ghi âm ghi hình tại toà nhằm bảo vệ quyền riêng tư của con người, không phải vẽ ra để gây khó khăn cho báo chí

Pháp lệnh gồm 4 chương 48 điều quy định cụ thể hành vi cản trở hoạt động tố tụng, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục đối với 3 nhóm hành vi.

Thứ nhất, là nhóm các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự, gồm hành vi tố giác báo tin về tội phạm sai sự thật, hành vi tiết lộ bí mật điều tra, cản trở đại diện của cơ quan tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng, cản trở hoạt động xác minh thu thập chứng cứ, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Thứ hai là nhóm các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, hành chính, việc xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND, đưa người nghiện ma tuý từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, gồm hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Toà án, cản trở đại diện của cơ quan tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của Toà án, cản trở hoạt động xác minh thu thập chứng cứ của cơ quan, người có thẩm quyền…

Thứ ba là hành vi vi phạm nội quy phiên toà, phiên họp, hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả…

Họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh xử phạt VPHC với hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh xử phạt VPHC với hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Đặc biệt, Pháp lệnh đã quy định về hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa để bảo đảm thống nhất với các luật tố tụng. Khoản 4 Điều 23 của Pháp lệnh nêu rõ, phạt tiền từ 7-15 triệu đồng đối với hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự.

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên “Pháp lệnh quy định nhà báo ghi âm ghi hình tại phiên toà không được đồng ý sự đồng ý của Chủ toạ hoặc người tham gia tố tụng sẽ bị phạt tiền. Vậy cách thức xin phép như thế nào, làm sao để biết đương sự đồng ý hay không?”

Về nội dung trên, ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án thường trực – TAND Tối cao cho biết, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính đều có quy định "nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ".

Bộ luật Tố tụng hình sự cũng nêu rõ "mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa".

"Như vậy, các quy định về ghi âm, ghi hình được ghi rõ trong các luật khác nhau nhưng chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền và chế tài xử phạt. Vì vậy, để bảo đảm quy định thống nhất giữa Pháp lệnh với các luật tố tụng, hành vi vi phạm nội quy phiên tòa đã được quy định cụ thể trong Pháp lệnh. Điều này nhằm bảo vệ quyền riêng tư của con người chứ không phải vẽ ra để gây khó khăn cho báo chí” – Ông Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh.

Về chế tài xử lý đối với hành vi livestream tại phiên toà, ông Nguyễn Trí Tuệ cho rằng, giống như ghi âm, ghi hình, đây cũng là hành vi bị cấm. Sắp tới cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét ban hành hướng dẫn cụ thể về việc xử lý với hành vi này.