- Xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng tại xã Đồng Tâm: Các bị cáo đều nhận tội và xin lỗi gia đình các chiến sỹ Công an hy sinh
- Đất sân bay Miếu Môn địa giới xã Đồng Tâm là đất quốc phòng
- Dư luận về vụ án giết người, chống người thi hành công vụ tại Đồng Tâm
Nơi Quân lớn lên là ngôi nhà nhỏ trên con đường Hoàng Hoa Thám. Giữa mùa Vu lan, cô Bích - mẹ của Quân ngồi cạnh tôi thẫn thờ. Mẹ Bích cúi xuống mở chiếc tủ gỗ nhỏ đầu giường, lấy ra 1 cuốn sổ. Nét chữ thanh thoát, gọn gàng ở trang đầu tiên: "Nhật ký của Hoàng Quân".
![]() |
Mẹ Bích đã không còn nước mắt trong giờ phút tiễn đưa người con hiếu thảo của mình về nơi rất xa |
Cuốn nhật ký chỉ còn vài trang giấy trắng, phần chính ngập tràn những dòng chữ về mẹ Bích. "Thời này rồi mà nó vẫn thích viết nhật ký. Từ khi vào Công an, nó xa mẹ nhiều nhưng mỗi lần về nhà là đều như đứa trẻ. Thích ăn cơm mẹ nấu. Uống nước chanh mẹ pha. Đưa mẹ đi chợ..." - Nước mắt lần theo nếp nhăn, thấm vào tóc, ướt vai áo mẹ.
Tôi lật giở từng trang nhật ký, thời điểm Quân đi học trường T08 ở Sóc Sơn. Khóa đầu trực Tết, chỉ được về nghỉ một ngày cuối tuần rồi lên trường. Quân viết: "Tết năm nay muốn ở cùng với mẹ/ Ấy vậy mà con lại phải đi/ Vì mùa Xuân Tổ quốc trường kỳ/ Mẹ đừng buồn, đợi con mẹ nhé/ Hoa vẫn trắng xinh, vạn điều mới mẻ/ Chờ con về, kể mẹ của con nghe".
Bố Quân mất khi anh mới 4 tuổi, mẹ Bích tần tảo sớm hôm nuôi hai chị em. Từ nhỏ Quân đã thương mẹ, chẳng bao giờ đòi hỏi cái gì. "Thằng bé nhạy cảm, biết khi nào mẹ mệt, mẹ buồn đều an ủi, vỗ về. Ngày vào Công an, Quân ôm lấy mẹ, biết mẹ tự hào về mình, nó vui lắm", mẹ Bích kể.
![]() |
Chọn Nghề Công an, liệt sỹ Dương Đức Hoàng Quân có lẽ đã xác định rõ: cuộc đời người lính chia làm hai nửa |
Trang nhật ký với những lời tâm sự đầy tình cảm của người lính xa nhà thật giản dị: "Mẹ à, hôm nay con tập luyện khá mệt, nhưng anh em đều cố gắng, mẹ đừng lo, ở đây chúng con cũng được cấp trên quan tâm, anh em đoàn kết; Mẹ ở nhà chắc buồn hơn, cuối tuần con sẽ xin các chú để về thăm mẹ".
Người phụ nữ bao năm bươn chải nuôi con, ôm quyển sổ vào lòng, nâng niu cất vào tủ như báu vật. Đó là cả khoảng trời thanh xuân ngắn ngủi của người con trai hiếu thảo.
Trong khuôn viên ngôi nhà cấp 4, tôi nhìn thấy 2 chiếc lồng chim trước hiên nhà. Quân mua chúng khi nhận tháng lương đầu tiên. Mẹ Bích bảo vẫn nhớ như in vẻ mặt hớn hở của con. "Từ giờ mẹ có bạn rồi ạ, có gì mẹ cứ tâm sự với chúng, rồi chúng sẽ hót vui mẹ nghe"...
Thời điểm Quân ôm các đồng đội của mình dưới hố sâu, lửa bén dần vào da thịt, giữa bao nhiêu đau đớn, có lẽ người đầu tiên anh nghĩ đến là Mẹ. Vì nhiệm vụ, vì bình yên cuộc sống, Quân đã vĩnh viễn nợ mẹ một nàng dâu, đứa cháu để bế bồng.
Và tôi tin chắc, cái ác sẽ phải trả giá đắt, trước luật pháp nghiêm minh và hơn cả, đó là nỗi dằn vặt suốt quãng đời còn lại của những kẻ thiếu lương tri...
Con lại lỡ mùa xuân này với mẹ
Ngõ bé quạnh hiu không đợi bóng con về
Gió thổi xạc xào lòng mẹ chắc tái tê
Đất nước giục con đi sục sôi bên ngực trái
Con thương mẹ và bao người ở lại
Nhưng hạnh phúc con mang là chiến đấu, hy sinh
Từng góc phố, mái nhà, cành hoa yên ả thanh bình
Cho con được chết như là con vẫn sống
Bầu trời trước sân hôm nay cao và rộng
Mẹ đón con về đi ở đây nóng lắm mẹ ơi
Chúng lỡ thiêu đốt con bằng xăng lửa mất rồi
Trái tim quyện hòa cùng thịt da xương máu
Con nợ nàng dâu và lời xin lỗi
Cả đứa cháu bế bồng tội mẹ quá mẹ ơi
Bao năm ròng mẹ chẳng chút thảnh thơi
Con thất hứa là ngàn lần thất hứa
Cuộc đời người lính chia làm hai nửa
Hai mươi tám xuân xanh chưa lo cho mẹ nổi một lần
Vì bình yên con phải gác lại tình thân
Con bất hiếu là vạn lần bất hiếu
Kể từ đây ai người lo liệu
Con và bố dưới này thương mẹ thắt tim
Lính chiến chúng con chưa bao giờ sợ hãi trước bom mìn
Chỉ không chịu nổi nước mắt mẹ lăn dài trên má
Con gửi lại màu xanh của lá
Ước một lần chạm vào mái tóc pha sương
Ôi đời mẹ của con vất vả trăm đường
Cúi xin Tổ quốc này giúp tôi che chở mẹ!