Phi công nghỉ việc phải báo trước 6 tháng: Một đề xuất trái luật

ANTĐ - Dự thảo Thông tư về an toàn hàng không dân dụng trong lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay mà Bộ GTVT đang soạn thảo quy định, nhân viên trình độ cao muốn chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước 180 ngày. 

Phi công nghỉ việc phải báo trước 6 tháng: Một đề xuất trái luật ảnh 1Phi công muốn nghỉ việc sẽ phải thông báo trước 6 tháng? Ảnh minh họa

Quy định trái luật

Dự thảo thông tư đưa ra quy định, nhân viên hàng không trình độ cao (phi công, nhân viên điều độ bay, nhân viên sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay…) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trước thời hạn nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người khai thác tàu bay 180 ngày (6 tháng), để người khai thác tàu bay lập kế hoạch duy trì hoạt động bảo đảm khai thác tàu bay theo kế hoạch đã được phê duyệt. Khi chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn quy định, lao động kỹ thuật cao phải có trách nhiệm bồi thường chi phí huấn luyện, đào tạo; bồi thường chi phí phá vỡ cam kết thời gian làm việc sau đào tạo. Người khai thác tàu bay có trách nhiệm thanh lý HĐLĐ với nhân viên hàng không trình độ cao sau khi hai bên đã hoàn thành các trách nhiệm, nghĩa vụ. 

Những quy định này của Bộ GTVT dù mới đang ở dạng dự thảo, lấy ý kiến các bộ, ngành nhưng đã gặp phải sự phản đối của các hãng hàng không và các nhà làm chính sách về lao động. Ông 

Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành hãng Vietjet Air bày tỏ, dự thảo thông tư đưa ra thời hạn thông báo đơn phương chấm dứt HĐLĐ 180 ngày là trái với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành. Điều này gây khó khăn, cản trở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi thiết thực của người lao động trong quá trình tìm việc làm, quyền tự do làm việc của người lao động. 

Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong trường hợp phi công muốn chấm dứt HĐLĐ không thời hạn mà dự thảo thông tư quy định phải báo trước 180 ngày là trái với Bộ luật Lao động hiện hành. Điều 37 và 38 của Bộ luật Lao động quy định rõ, trong trường hợp này, nếu muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì người lao động chỉ cần báo trước 45 ngày với hợp đồng không xác định thời hạn, nếu HĐLĐ xác định thời hạn thì chỉ cần báo trước 30 ngày. “Quy định như vậy là trái với Bộ luật Lao động. Thông tư không thể trên luật được”, ông Hà Đình Bốn nói.

Cần quy định đặc thù?

HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Việc ký kết HĐLĐ phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, thể hiện ý chí của mỗi bên. Bất kỳ sự ép buộc nào trái với nguyên tắc trên là trái với quy định Bộ luật Lao động về giao kết HĐLĐ. Trong khi đó, dự thảo thông tư yêu cầu, người lao động phải kéo dài thời gian làm việc thêm 1 tháng khi HĐLĐ kết thúc vào tháng 6 hoặc tháng 1 hàng năm.

Ông Lưu Đức Khánh cho rằng, nếu dự thảo được thông qua và ban hành, quy định này sẽ vi phạm nghiêm trọng quy định về nguyên tắc giao kết HĐLĐ vì người khai thác tàu bay đã buộc người lao động phải tuân thủ. Do vậy, đại diện Vietjet Air đề nghị điều chỉnh hoặc loại bỏ quy định này để bảo đảm sự phù hợp và sự tuân thủ đúng các quy định của luật. “Chúng tôi cho rằng thông tư hướng dẫn cần phải tuân thủ và thống nhất với Bộ luật Lao động hiện hành”, đại diện Vietjet Air kiến nghị.

Cũng có ý kiến cho rằng, pháp luật lao động chỉ quy định thời gian tối thiểu mà người lao động phải báo trước cho chủ sử dụng lao động mà không quy định khung tối đa, song lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, không thể vận dụng cách hiểu như vậy để đưa ra quy định người lao động phải báo trước 180 ngày như dự thảo thông tư của Bộ GTVT.

Bộ GTVT cho rằng, ngành hàng không có những đặc thù riêng, vì vậy cần những quy định đặc thù. Song, nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, trong nền kinh tế hiện nay có rất nhiều ngành, lĩnh vực đặc thù. Nếu mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều tự đặt ra những quy định riêng thì sẽ phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật.