“Phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày 13/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó giao Bộ Công Thương “Chỉ đạo phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, quản lý chợ an toàn thực phẩm”.

Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg và Chương trình Mục tiêu Y tế-Dân số năm 2020, thời gian qua, Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương đã triển khai nhiều nội dung về phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Cụ thể, đã hỗ trợ phát triển nhiều hệ thống phân phối thực phẩm an toàn trên phạm vi cả nước. Cùng với đó, hình thành xu hướng tiêu dùng, mua sắm tại các cơ sở phân phối theo phương thức hiện đại ngày càng phát triển, mạng lưới các cơ sở kinh doanh thực phẩm của nước ta cũng tăng dần hàng năm về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn chưa đồng đều và toàn diện. Làm thế nào để đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn và bền vững? Những vấn đề này được trao đổi tại Tòa đàm của Tạp chí Công Thương với chủ đề: “Phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn”.

Tham gia buổi Tọa đàm có: bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trong nước, Bộ Công Thương; ông Nguyễn Quốc Trung - Tổng giám đốc Masan MEATlife; và bà Lê Thị Nga - TGĐ Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo - Vĩnh Phúc.

Tại hội thảo, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, đã đánh giá xung quanh việc triển khai xây dựng phát triển mô hình hệ thống phân phối thực phẩm an toàn tại địa phương trong thời gian qua.

Theo đó, từ năm 2010, Luật An toàn thực phẩm đã được Quốc hội thông qua và ban hành, qua đó các Bộ, ngành như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đều đã được phân công, phân nhiệm rất rõ ràng với vai trò quản lý những các hệ thống từ sản xuất cho đến tận người tiêu dùng đối với những nhóm hàng hóa mà theo phân công cụ thể tại các Nghị định do Chính phủ ban hành dưới Luật An toàn thực phẩm và thực thi trách nhiệm của Bộ Công Thương thì các đơn vị trong Bộ cùng nhau để hướng dẫn cho các địa phương triển khai được các mô hình về phân phối thực phẩm an toàn.

“Những mặt hàng do Bộ Công Thương quản lý ví dụ như rượu, bia, nước giải khát hay bánh kẹo hay dầu ăn, dầu thực vật, sản phẩm chế biến từ bột và tinh bột. Bên cạnh đó Bộ Công Thương cũng đã triển khai các chức năng, nhiệm vụ của mình liên quan đến vấn đề phát triển các hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại văn minh và đổi mới cách quản lý đối với chợ truyền thống sao cho bảo đảm an toàn thực phẩm”, bà Lê Việt Nga chia sẻ và cho biết, Bộđã triển khai rất nhiều những hoạt động về tập huấn, về tuyên truyền phổ biến cho người sản xuất, người kinh doanh thực phẩm và tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương đặc biệt là các Sở Công Thương để biết được làm thế nào xây dựng được những hệ thống mà phân phối thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, đã lồng ghép những hoạt động về an toàn thực phẩm vào những chương trình lớn về kinh tế - xã hội do Bộ Công Thương triển khai.

Năm 2022, với Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, ngành Công thương đã bước sang một giai đoạn đó là quảng bá cho những sản phẩm hàng hóa gọi là “tinh hoa Việt Nam” khi họ có đủ chuẩn xuất khẩu ra nước ngoài hoặc đạt được những thương hiệu rất cao, mang tầm quốc gia, khu vực đưa vào trong hệ thống phân phối trong nước bảo đảm an toàn thực phẩm và xây dựng được những kênh phân phối. Mạng lưới quản lý an toàn thực phẩm của các địa phương cũng vào cuộc để giám sát tất cả những hoạt động kinh doanh thực phẩm này đối với những cơ sở kinh doanh thực phẩm do Bộ Công Thương quản lý, cũng như hỗ trợ cho các hàng hóa của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn quản lý về sản xuất kinh doanh nhập khẩu đưa vào trong những kênh phân phối mà do Bộ Công Thương đã dày công xây dựng trong thời gian 12 năm triển khai Luật An toàn thực phẩm vừa qua.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Trung – TGĐ Công ty Cổ phần Masan MaetLife chia sẻ việc kiểm soát, duy trì trong các khâu để xây dựng, duy trì MEATDeli là thương hiệu thịt mát đầu tiên tại Việt Nam được sản xuất theo công nghệ khép kín và chuẩn châu Âu. Theo đó, nguồn heo được đưa vào chế biến trong nhà máy đã được tuyển chọn kỹ lưỡng từ con giống. Đặc biệt, heo được nuôi bằng thức ăn sạch, đáp ứng tiêu chuẩn GLOBAL GAP, không thuốc tăng trưởng hay chất tạo nạc để phát triển tự nhiên. Tại hệ thống trang trại có cả trang trại heo và trang trại gà, hai hệ thống trang trại đều đạt được chuẩn GLOBAL GAP.

Với heo thịt MEATDeli thì con giống được nhập từ nước ngoài, nhập từ Canada, tháng 10-2022, chúng tôi nhập thêm một lô mới về để tái tục thay đàn. Bên cạnh đó, thức ăn sử dụng cũng từ nguồn thức ăn từ nhà máy đạt chuẩn GLOBAL GAP. Trang trại của Masan MeatLifeở Nghệ An với 12.000 nái, một năm có thể sản xuất ra 250 ngàn con heo thịt đạt chuẩn GLOBAL GAP.

Mới đây, trang trại của Masan MeatLifeở Nghệ An được chọn là nguyên mẫu đầu tiên của chương trình mà chăn nuôi an toàn sinh học và khống chế dịch bệnh của IFC, chuẩn châu Âu cho Việt Nam. Đây là trang trại nguyên mẫu đầu tiên, trang trại nguyên mẫu đầu tiên có chứng chỉ sạch bệnh. Đặc biệt, là bốn bệnh mà phổ biến và nguy hiểm nhất đó là bệnh dịch tả cổ điển, dịch tả châu Phi, bệnh tai xanh và lở mồm long móng.

Theo ông Nguyễn Quốc Trung, điều quan trọng nhất của việc đã có một sản phẩm an toàn trọn dinh dưỡng, vậy làm sao để cho người dân có cơ hội tiếp xúc, tiếp cận với sản phẩm. Việc phát triển hệ thống phân phối là vô cùng quan trọng, chuỗi phát triển ngoài việc đầu tư của doanh nghiệp ra, thì quan trọng nhất là nhận thức của người tiêu dùng. Bởi vì, với 97% thịt vẫn lưu thông ở ngoài chợ. Như vậy, làm sao có những chương trình quảng bá để cho người dân hiểu được thế nào là một miếng thịt thực sự, là tươi ngon, thế nào là miếng thịt thực sự là an toàn. Làm cách nào để các chuỗi phát triển, gắn liền với cái vùng sinh sống, tạo sự thuận lợi cho người tiêu dùng có cơ hội được lựa chọn sản phẩm như vậy.

Đây cũng là chiến lược của Masan MaetLife,sẽ phủ khắp 64 tỉnh, thành với mục tiêu đến năm 2026 sẽ có hơn mười ngàn điểm bán.

Cùng góc độ doanh nghiệp với đại diện lãnh đạoCông ty Cổ phần Masan MaetLife , bà Lê Thị Nga – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo (Honeco) – Vĩnh Phúc chia sẻ: Nghề nuôi ong là nghề du mục, gần như di chuyển quanh năm, mỗi một nơi có thể chỉ nán lại khoảng từ một tháng đến một tháng rưỡi cho một nguồn hoa.

Việc quản lý các trang trại cũng là điều rất là khó khăn, nhưng khó khăn thì không phải là không thể không làm được. Honeco đã tập trung cho xây dựng quy trình, thường xuyên tập huấn cho các trang trại liên kết của mình để họ theo quy trình nhất định của nhà máy đưa ra, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đặc biệt là nuôi ong đúng quy trình.

Trong các nhóm trang trại, Honeco sẽ lựa chọn những trang trại nào có kinh nghiệm và có uy tín nhất để kiểm soát một nhóm trang trại. Quá trình cán bộ kỹ thuật của Honeco không đến được, chính những người đó là những người kiểm soát cho những trang trại xung quanh. Họ sẽ kiểm soát việc không được sử dụng kháng sinh trong quá trình chữa bệnh cho ong, hoặc là không được cho ăn khi nguồn hoa ngoài thiên nhiên hạn chế.

“Honeco luôn phải nâng cao quy trình để kiểm soát nguyên liệu đầu vào, 100% nguyên liệu đầu vào nhà máy đều được công ty lấy mẫu và kiểm tra. Hiện nay, Honeco đang xây dựng phòng thí nghiệm đạt chuẩn để kiểm soát nguyên liệu đầu vào, đồng thời kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình chế biến, sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là điều mà Honeco đang xây dựng, cũng như quy trình đó đều được thể hiện và thấm nhuần với tất cả các trang trại, từ đó chăn nuôi theo đúng quy trình”, bà Lê Thị Nga bày tỏ.