Phát ngôn của chính trị gia về những sự kiện "nóng"

ANTĐ - Năm 2015 được xem là năm tình hình thế giới có rất nhiều biến động. Phát ngôn của chính trị gia các nước gắn với những sự kiện “nóng” đã phần nào khắc họa được điều đó.
Phát ngôn của chính trị gia về những sự kiện "nóng" ảnh 1

Tổng thống Pháp: “Nước Pháp đang trong thời chiến”

Đây là lời của Tổng thống Pháp phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội thể hiện quyết tâm tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), 3 ngày sau vụ khủng bố đẫm máu của tổ chức này nhằm vào Paris hôm 13-11 vừa qua.

Tổng thống Syria: “Khủng bố bành trướng là do chính sách sai lầm của phương Tây”

Trong buổi tiếp một phái đoàn Pháp đang ở thăm Syria sau thảm kịch khủng bố tại Pháp, Tổng thống Bashar al-Assad cho rằng các quốc gia đang ủng hộ phe đối lập tại Syria - trong đó có một số nhóm phiến quân - là sai lầm lớn. Pháp từ lâu vẫn yêu cầu ông Assad phải từ chức, trong khi một trong những đối thủ của Assad tấn công Paris. “Những chính sách sai lầm của các quốc gia phương Tây, nhất là Pháp, trước các diễn biến trong khu vực và việc họ làm ngơ cho một số đồng minh của mình tiếp tay cho những kẻ khủng bố là lý do đằng sau sự bành trướng của chủ nghĩa khủng bố”, ông Bashar al-Assad nói.

Thủ tướng Đức: “Chúng ta đương đầu được”

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ngày 22-12 cho biết, số người di cư vào châu Âu bằng đường bộ và đường biển năm 2015 đã vượt ngưỡng 1 triệu người. Số người di cư này đi qua 6 cửa ngõ chính vào châu Âu, gồm các nước Hy Lạp, Bulgaria, Italy, Tây Ban Nha, Malta, và Cyprus. Syria có khoảng 455.000 người tị nạn vào châu Âu năm nay, Afghanistan có 186.000 người. Trong số những người di cư thiệt mạng trên đường tới châu Âu có 2.889 người chết trên tuyến đường biển giữa Bắc Phi và Italy. Hơn 700 người khác bỏ mạng trên biển Aegean khi đi từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp - IOM cho biết.

Tạp chí Time năm nay bình chọn bà Angela Merkel là “Nhân vật của năm 2015”, một phần vì sự ủng hộ mạnh mẽ bà dành cho người tị nạn. Tuyên bố của bà hồi mùa hè rằng Đức có thể tiếp nhận một triệu người tị nạn và những cảnh báo liên tục của bà về trách nhiệm của châu Âu đối với những người chạy trốn khỏi chiến tranh đã khiến uy tín quốc tế của bà Merkel lên cao. Dù vậy, quan điểm này của bà lại không thực sự được ủng hộ tại Đức, thậm chí gây tranh cãi trong nội bộ đảng cầm quyền cánh hữu của bà.

Tổng thống Mỹ: “Tự do mạnh hơn nỗi sợ”

Sau vụ tấn công gần đây tại California, Tổng thống Barack Obama kêu gọi người dân Mỹ chớ khuất phục trước nỗi sợ hãi trong khi cố gắng trấn an công chúng rằng ông và chính quyền của ông đang ứng phó một cách nghiêm túc với mối đe dọa khủng bố.

Ông Obama nói ông hiểu rằng người Mỹ đang thắc mắc phải chăng “chúng ta đang đương đầu với căn bệnh ung thư không có thuốc chữa ngay tức thì”. Nhưng không “Chúng ta sẽ tiêu diệt IS”. Ông hứa quân đội Mỹ sẽ săn lùng những thủ lĩnh khủng bố ở bất kỳ nước nào nơi họ ẩn náu. Ông cũng nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp sự, huấn luyện và trang thiết bị cho những lực lượng ở Syria và Iraq chiến đấu chống IS trên thực địa. Ông nói Mỹ đang hợp tác với những nước thân hữu và rằng cộng đồng quốc tế đã bắt đầu theo đuổi một thời biểu để chấm dứt cuộc chiến tranh ở Syria.

Thủ tướng Anh: “Các người không phải tín đồ Hồi giáo”

Sau khi Nhà nước Hồi giáo tung video về vụ hành quyết David Haine, Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng phiến quân Hồi giáo là bầy quỷ dữ chứ không phải tín đồ Hồi giáo.

Cho tới thời điểm này, dù nhiều nhà lãnh đạo phương Tây vẫn kêu gọi bình tĩnh và khoan dung, thái độ của người Mỹ và châu Âu đối với người Hồi giáo đang ngày một khó khăn. “Xin hãy ngưng, đừng đổ tội cho người Hồi giáo bởi vì họ không làm nên tội. Họ là những anh chị em cùng chúng ta. Dưới lớp da bọc này chúng ta đều là con người như nhau. Họ xứng đáng không gì hơn là được chúng ta tôn trọng. Họ cần sự chú trọng của chúng ta. Xin hãy ngưng lại, đừng xem những con người tuyệt vời này là kẻ thù, bởi vì họ không phải vậy” - lời kêu gọi này không những mang tính nhân văn mà còn là lời nhắc nhở mọi người đừng để mắc mưu IS, kẻ thù của nhân loại.

Tổng thống Nga: “Thánh Allah trừng phạt nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ”

Một trong những bất ổn địa chính trị nguy hiểm nhất bùng phát những tháng cuối năm 2015 diễn ra sau khi Nga đưa quân vào Syria để hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Assad và tiến hành chiến dịch không kích chống khủng bố. Ngọn lửa mâu thuẫn thực sự bùng nổ khi Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24-11 bắn rơi máy bay Su-24 của Nga tại biên giới với Syria.

Hành động này đã làm bùng phát một cuộc chiến ngoại giao giữa hai bên, Tổng thống Nga Putin nói rằng: “Thánh Allah đã quyết định trừng phạt giới cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách tước bỏ sự sáng suốt của họ”. Cho tới thời điểm này thì mối quan hệ giữa Moscow và Ankara vẫn căng thẳng khi hai bên tiếp tục khẩu chiến với nhiều cáo buộc và tung ra các đòn trừng phạt trả đũa lẫn nhau.

Thủ tướng Nhật: “Thương tiếc sâu sắc”

Trong dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II, Thủ tướng Nhật Abe đã có bài phát biểu rằng ông “bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc và lời chia buồn chân thành, vĩnh viễn” về vai trò của Nhật trong cuộc chiến. Ông tránh nói lời xin lỗi về những gì chế độ quân phiệt Nhật gây ra trong Thế chiến II. 

Tranh cãi giữa Bắc Kinh và Tokyo về vấn đề lịch sử vẫn âm ỉ, trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực ngày một lớn khi nhiều quốc gia lo ngại bởi hành vi hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông và các vùng biển khác.

Thủ tướng Canada: “Vì giờ đã là năm 2015”

Khi tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau được hỏi vì sao nội các của ông có số thành viên nam nữ bằng nhau, và ông trả lời: “Vì giờ đã là năm 2015 rồi”. Tuyên bố trên của ông Trudeau đã nhận được những tiếng cổ vũ và ngợi ca lớn, không chỉ tại quốc gia Bắc Mỹ này mà còn ở phạm vi quốc tế.